Huyện Phú Xuyên: Hướng tới nền nông nghiệp hiện đại (12:32 14/12/2017)


HNP - Phát triển nông nghiệp hàng hóa là nội dung quan trọng trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của huyện Phú Xuyên nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho người dân. Trong đó, việc đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp thay thế sức người lao động, chất lượng sản phẩm được coi là bước đột phá.

Thay đổi phương thức sản xuất

Hình ảnh quen thuộc "con trâu đi trước cái cày theo sau" ở xã Chuyên Mỹ đã lui vào dĩ vãng. Kể từ khi Đảng ủy xã có nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp, người dân địa phương không còn gò lưng làm đất, gieo mạ, cấy lúa mà được thay thế bằng máy cơ giới. Việc làm này vừa giúp bà con giải phóng được sức lao động, thời vụ sản xuất đảm bảo, năng suất cao hơn và tăng thu nhập. Chị Nguyễn Thị Vân, xã Chuyên Mỹ cho hay: “Cũng đồng đất ấy, cũng con người ấy, nhưng khi cơ chế thay đổi, trí tuệ, óc sáng tạo của họ được phát triển thì cuộc sống đã thật sự đổi thay”. Theo chị Vân, xã Chuyên Mỹ đã xác định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tập trung chuyên canh trên quy mô lớn, mũi nhọn là nuôi trồng thủy sản và trồng lúa hàng hóa chất lượng cao...

Tương tự, xác định tầm quan trọng của việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, xã Nam Triều đã khuyến khích nông dân đầu tư mua máy móc phục vụ sản xuất. Theo đó, các hộ mua máy cấy sẽ được huyện hỗ trợ 40 triệu đồng, xã hỗ trợ 22 triệu đồng, các hộ xã viên chỉ phải trả 14 triệu đồng. Hưởng ứng cuộc vận động của chính quyền địa phương, các xưởng cơ khí trong xã đã nghiên cứu và chế tạo thành công 11 máy gieo mạ khay có giá chỉ bằng 50% loại máy gieo mạ khác trên thị trường, giúp nhân dân tiết kiệm chi phí... Đến nay, toàn bộ việc gieo mạ, cấy lúa, làm đất, tưới tiêu ở xã Nam Triều đã thực hiện bằng máy.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Nguyễn Hữu Chi cho biết, không những đem lại hiệu quả rõ rệt về kinh tế, việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân, giảm tổn thất trong khâu thu hoạch, đẩy mạnh quá trình thâm canh, tăng vụ; từng bước hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, cánh đồng lớn, thuận lợi cho việc chỉ đạo, quản lý sản xuất và thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư vào liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân…

Từng bước nhân rộng

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Trần Công Thành cho biết: với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Phú Xuyên đã thực hiện thí điểm mô hình cấy lúa bằng máy trên diện tích 5ha tại mô hình cánh đồng mẫu của xã Đại Thắng. Việc sử dụng máy cấy làm cho khoảng cách giữa các hàng lúa cách đều nhau, giúp cây lúa sinh trưởng nhanh, đẻ nhánh tốt, khả năng chống chịu với sâu bệnh. Đồng thời, giảm giá thành, chi phí mạ và thuê máy cấy chỉ 100.000 đồng/sào. Tính ra, mỗi héc ta lúa khi ứng dụng cơ giới hóa giảm chi phí khoảng 5-6 triệu đồng. Hiệu quả kinh tế của lúa cấy bằng máy đạt 17,7 triệu đồng/ha, cao hơn lúa cấy bằng tay 7 triệu đồng/ha. Cấy máy giúp giảm sức lao động trong nông nghiệp, 1 ngày được khoảng 1ha, trong khi đó nếu cấy theo phương pháp truyền thống, mỗi người chỉ cấy được 1 sào/ngày, nghĩa là mỗi ngày máy cấy có thể thay thế từ 20-27 lao động. Số lao động dôi ra làm việc khác, tạo ra các giá trị kinh tế khác cho xã hội.

Nhận thấy hiệu quả, Phú Xuyên đã xây dựng đề án cơ giới hóa gieo mạ bằng khay và cấy máy trong nông nghiệp. Theo đó, huyện đã hỗ trợ đầu tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến khích người dân áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, với chính sách hỗ trợ 50% tiền mua máy cấy, máy gieo hạt đối với các các tổ chức và hộ cá nhân. Vì vậy, đến nay, toàn huyện có 455 máy làm đất, hàng chục máy gieo mạ khay tự động, gần 200 máy cấy, 10 máy gặt đập liên hoàn. Đặc biệt là sau khi triển khai gieo mạ khay, cấy bằng máy người dân Phú Xuyên đã làm chủ công nghệ; tự sản xuất được khay gieo mạ, chuyển giao công nghệ cho các địa phương bạn có truyền thống về sản xuất nông nghiệp, trở thành đơn vị dẫn đầu của thành phố về cơ giới hóa nông nghiệp.

Ðể thực hiện được mục tiêu phát triển nông nghiệp toàn diện, hiệu quả, huyện Phú Xuyên vận động nhân dân tích tụ ruộng đất, tạo tiền đề xây dựng những cánh đồng mẫu lớn; hình thành hệ thống tưới tiêu theo vùng sản xuất tập trung chuyên canh, hình thành những vùng sản xuất chuyên canh. Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Phạm Hải Hoa cho biết, các chương trình triển khai thực hiện đề án đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm phát huy tối đa lợi thế so sánh từng vùng, từng địa phương. Từ đó, nâng cao chất lượng, tăng giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Bà Hoa cho biết thêm, thời gian tới, huyện Phú Xuyên tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích các hộ nông dân vay vốn với lãi suất ưu đãi để mua các loại máy móc phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; mở rộng và nâng cấp các cơ sở chế biến theo tiểu vùng nguyên liệu, nhằm tạo ra các sản phẩm hàng hoá từ nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, được người tiêu dùng ưa chuộng...


Minh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t