Hiệu quả tích cực sau 3 năm triển khai Luật hòa giải ở cơ sở tại quận Hoàn Kiếm (09:26 18/01/2017)


HNP - Qua 3 năm triển khai thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở, có thể khẳng định công tác hòa giải tại quận Hoàn Kiếm đã phát huy hiệu quả. Tỷ lệ hòa giải thành cao góp phần giải quyết được những tranh chấp nhỏ trong nhân dân, giảm các tranh chấp lớn phải chuyển đến Tòa án hoặc các cơ quan có thẩm quyền cấp cao hơn để giải quyết.

Sau khi Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực thi hành từ 1/1/2014, để triển khai Luật được kịp thời, thống nhất, hiệu quả, UBND quận Hoàn Kiếm đã ban hành các văn bản triển khai thực hiện. Hằng năm, quận đã ban hành các kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và coi công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Năm 2014, quận đã tổ chức 182 hội nghị phổ biến, quán triệt pháp luật cho 22.852 lượt người tham dự, tổ chức 225 buổi sinh hoạt câu lạc bộ cho 40.950 hội viên; 26 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho 5.590 lượt người; phát hành 154.493 tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên địa bàn quận. Năm 2015, quận đã tổ chức 163 hội nghị với 18.922 lượt người tham dự; các đơn vị thuộc quận và phường đã biên soạn và phát hành 147.014 tài liệu tuyên truyền pháp luật; phát thanh 1.979 buổi với 330 giờ…

Bên cạnh đó, UBND quận đã quan tâm bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật, năng lực cho đội ngũ hòa giải viên. Năm 2014, tổ chức lớp tập huấn hòa giải cho 310 hòa giải viên giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật Hôn nhân và gia đình, kết hợp tập huấn kỹ năng nghiệp vụ hòa giải. Năm 2015, tổ chức tập huấn cho 930 hòa giải viên về hướng dẫn xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng và bồi dưỡng thiệt hại do hoạt động xây dựng trái phép gây ra. Năm 2016, đã tập huấn kỹ năng hòa giải ở cơ sở và những điểm mới của Bộ Luật Dân sự năm 2015 cho 637 hòa giải viên.  Đồng thời, hướng dẫn củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải ở cơ sở. Hiện nay, trên địa bàn quận có 163 tổ hòa giải và 795 hòa giải viên.

Kết quả, trong năm 2014, UBND các phường đã tổ chức 137 buổi giao ban các tổ hòa giải để trao đổi, rút kinh nghiệm trong công tác hòa giải. Các tổ hòa giải đã tiếp nhận 150 vụ việc, hòa giải thành 134 vụ, đạt tỷ lệ 89,3%. Năm 2015, các tổ hòa giải đã tiếp nhận 98 vụ việc, hòa giải thành 87 vụ, đạt tỷ lệ 88,785. Năm 2016, các tổ hòa giải đã tiếp nhận 130 vụ việc, hòa giải thành 11 vụ, đạt tỷ lệ 85,4%.

Có được kết quả trên một phần do công tác hòa giải ở cơ sở đã được MTTQ các cấp quan tâm. Ủy ban MTTQ quận, phường đã chỉ đạo lồng ghép hoạt động hòa giải trong các phong trào, cuộc vận động tại cộng đồng dân cư, đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nhằm đưa công tác hòa giải ở cơ sở gắn với nhiệm vụ phát triển văn hóa - xã hội của địa phương, đưa kết quả thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở thành một tiêu chí trong đánh giá thực hiện cuộc vận động, góp phần động viên, tôn vinh và nhân rộng các mô hình, điển hình về hòa giải ở cơ sở.

MTTQ các phường đã tích cực phối hợp với chính quyền vận động nhân dân giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong gia đình, khu dân cư bằng biện pháp hòa giải, khuyến khích những thành viên của gia đình mình và những cá nhân có uy tín, có chuyên môn và kinh nghiệm hòa giải tham gia tổ hòa giải. Trong các tổ hòa giải trên địa bàn hầu hết đều có các đồng chí Trưởng ban công tác mặt trận là thành viên của tổ hòa giải.

Thông qua hoạt động hòa giải, nhiều vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trên địa bàn dân cư đã được giải quyết từ gốc rễ qua đó góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, góp phần xây dựng và phát huy tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Đồng thời, truyền tải trực tiếp kiến thức pháp luật đến người dân.

Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai, có thể nhận thấy vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như sự quan tâm lãnh đạo, chi đạo của cấp ủy chính quyền ở cơ sở một số địa phương chưa được thường xuyên, việc củng cố kiện toàn đội ngũ hòa giải viên có lúc còn chưa kịp thời. Thêm vào đó, đội ngũ hòa giải viên cơ sở đều là những người lớn tuổi nghỉ hưu tham gia và kiêm nhiệm nên thời gian, chất lượng hòa giải còn nhiều hạn chế. Với đặc thù mật độ dân cư đông, diện tích chật hẹp, nằm trong khu phố cổ, phố cũ, vì vậy, các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân chủ yếu về sinh hoạt, nội bộ gia đình; mâu thuẫn về sử dụng đất, xây dựng, cơi nới cải tạo nhà ở giữa các hộ liền kề, trong cùng biển số nhà; về địa điểm kinh doanh đều có liên quan trực tiếp đến lợi ích cá nhân, do vậy, phải đầu tư nhiều thời gian, công sức cho việc hòa giải. Ngoài ra, còn phải kể đến hoạt động hòa giải ở một số địa bàn còn mang tính hình thức, chưa được chú trọng nhiều, hoạt động không thường xuyên, dẫn đến chất lượng hiệu quả thấp. Nhiều vụ việc hòa giải nhiều lần dẫn đến việc chi kinh phí không kịp thời, không động viên, khuyến khích được các hòa giải viên.

Để phát huy hơn nữa hiệu quả của Luật hòa giải ở cơ sở, thời gian tới, quận Hoàn Kiếm sẽ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền địa phương đối với công tác hòa giải; tích cực củng cố, kiện toàn nguồn nhân lực cho công tác hòa giải viên. Thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật và tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên. Đồng thời, khuyến khích các địa phương xây dựng mô hình hòa giải phù hợp với thực tế, gắn với công tác hòa giải với công tác hội của các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội. Đồng thời, chú trọng triển khai thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở phải được cụ thể hóa bằng kế hoạch cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn, thời điểm, từng đối tượng và đặc thù riêng của quận.


Hoàng Mai


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t