Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Không ít khó khăn, thách thức (21:48 25/12/2018)


HNP - Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy vậy, vẫn còn những thách thức, khó khăn không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Trong bối cảnh hiện nay, muốn nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần có cách làm mới.

Cơ hội việc làm cho lao động

Theo kết quả rà soát của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, từ năm 2017 đến nay, các huyện, quận Hà Đông và thị xã Sơn Tây đã tổ chức được 788 lớp đào tạo nghề cho 27.346 lao động nông thôn. Trong đó, nghề nông nghiệp 528 lớp với 1.834 người tham gia học nghề; nghề phi nông nghiệp 260 lớp với 9.002 người tham gia. Phân theo đối tượng lao động nông thôn tham gia học nghề, thì người được hưởng chính sách người có công với cách mạng là 1.116 người; dân tộc thiểu số 2.120 người; hộ nghèo 2.427 người; người bị thu hồi đất 2.871 người; người khuyết tật 106 người; người là lao động nữ bị mất việc làm 34 người; hộ cận nghèo 1.808 người; lao động nông thôn khác là 16.864 người.

Có thể nói, việc đào tạo nghề cho nông dân trên địa bàn thành phố đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt là lực lượng lao động là hội viên hội nông dân trong việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Với mục tiêu tạo điều kiện để nông dân có trình độ tay nghề nhất định, biết cách tổ chức sản xuất chính trên quê hương mình, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội, góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo bền vững của mỗi địa phương.

Trên thực tế, nhiều huyện ngoại thành đã làm khá tốt công tác đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn nói chung, dạy nghề cho nông dân nói riêng nhằm trang bị kỹ năng cho họ trong quá trình tổ chức sản xuất kinh doanh, dịch vụ tăng cường chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững. Đơn cử, mô hình điển hình trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn và các đối tượng chính sách ở huyện Đan Phượng. Nhờ thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, không những tạo cơ hội việc làm ổn định cho lao động của địa phương, mà còn giúp Đan Phượng quy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân mấy năm qua từ 10,54% trở lên. Đáng nói, thông qua công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, cơ cấu kinh tế của huyện Đan Phượng đang chuyển dịch đúng hướng, giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng, dịch vụ thương mại tăng cao; sản xuất nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao được coi trọng; giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp đạt 180 triệu đồng/ha/năm, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2008. Còn số hộ nghèo giảm từ 7% xuống 2,62%.

Không riêng Đan Phượng, được sự quan tâm, chỉ đạo, phối hợp thống nhất cao trong cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp đã giúp người lao động nông thôn hiểu rõ về chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước để tham gia học nghề nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. Từ đó, thay đổi tư duy lao động sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và giảm nghèo khu vực nông thôn.

Khắc phục những hạn chế

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn bộc lộ những hạn chế, đó là công tác tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn của thành phố chậm được triển khai, do thay đổi cơ chế chính sách. Bên cạnh đó, vẫn còn có cơ sở đào tạo chưa nghiêm túc trong việc tổ chức lớp, như chưa đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thời lượng đào tạo và tiến độ theo kế hoạch đào tạo đã đề ra... Nguyên nhân là do công tác tuyển sinh gặp nhiều khó khăn, bởi lực lượng lao động nông thôn trong độ tuổi học nghề ngày càng giảm; nhu cầu học nghề phân tán nên khó hình thành lớp học. Việc người học phải đóng góp một phần chi phí đào tạo đối với phần chênh lệch giữa định mức chi phí đào tạo và mức hỗ trợ đào tạo theo quy định nên ảnh hưởng đến việc thu hút người tham gia học nghề đối với những nghề có định mức chi phí đào tạo lớn hơn mức hỗ trợ tối đa. Trong khi đó việc huy động hỗ trợ của doanh nghiệp gặp khó khăn...

Mặt khác, vẫn còn một bộ phận người lao động nông thôn chưa hiểu đầy đủ về sự cần thiết về lợi ích và trách nhiệm của người học nghề nên còn ngại đi học và chưa chuyên cần trong học nghề. Việc tư vấn lựa chọn nghề học một số nơi chưa gắn với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và các làng nghề truyền thống. Thời gian đào tạo một số nghề nông nghiệp còn dài nên việc thu hút và duy trì sĩ số lớp học khó khăn, hiệu quả đào tạo chưa cao. Người lao động chưa thật sự có trách nhiệm khi tham gia học nghề; đăng ký học nghề nhưng không thực hiện đầy đủ các yêu cầu, quy định của lớp học, đơn vị đào tạo.

Theo kế hoạch, năm 2019, thành phố sẽ tổ chức đào tạo nghề cho 15.615 lao động nông thôn, con số này năm 2020 là 15.000 lao động. Thành phố đặt mục tiêu, sau đào tạo tối thiểu có 80% số người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.

Để hoàn thành chỉ tiêu đề ra, nhất là nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần có những cách làm mới, hướng đi mới. Theo đó, các địa phương cần rà soát, đánh giá chi tiết từng ngành, nghề, lĩnh vực cần hỗ trợ đào tạo. Căn cứ vào kết quả đó, lập phương án, kế hoạch đào tạo, tránh trường hợp nơi thực sự có nhu cầu lại thiếu kinh phí, nghề cần được đào tạo lại không có trong danh mục được hỗ trợ và ngược lại. Đồng thời, khuyến khích xã hội hóa công tác dạy nghề, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp tự tổ chức đào tạo nghề tại chỗ. Xây dựng cơ chế thu hút các nghệ nhân, người có kinh nghiệm thực tiễn lâu năm và có tay nghề cao tham gia giảng dạy, truyền nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Ngoài vai trò của các cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các doanh nghiệp cũng cần chung tay trong việc giải quyết đầu ra cho sản phẩm, giải quyết việc làm sau đào tạo. Có như vậy người lao động mới yên tâm tham gia các lớp học nghề để nâng cao tay nghề và kỹ năng, tìm kiếm cơ hội công việc với mức lương ổn định hơn.


Việt Hoàng


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t