Hà Nội: Nỗ lực đưa nông sản đến tay người tiêu dùng (14:03 03/10/2017)


HNP - Nông sản, thực phẩm an toàn là mối quan tâm hàng đầu của các cấp, các ngành TP Hà Nội hiện nay. Đáp ứng sự kỳ vọng, ngành Nông nghiệp đã vào cuộc quyết liệt, nỗ lực đưa nông sản an toàn đến tay người tiêu dùng Thủ đô.

Kiên quyết trong xử lý vi phạm

Theo tính toán, nhu cầu thực phẩm của Hà Nội một năm khoảng 890 nghìn tấn gạo, 139 nghìn tấn thịt lợn, 42 nghìn tấn thịt gà, 900 triệu quả trứng các loại, 54 nghìn tấn hải sản tươi sống và chế biến, 900 nghìn tấn rau xanh… Thế nhưng, Hà Nội mới tự bảo đảm được khoảng 69% nhu cầu thịt gia súc các loại, 32% cá các loại, 97,7% trứng gia cầm, 19% sữa, 38% gạo, 60% rau củ tươi và 18% quả tươi các loại. Còn lại thực phẩm phải nhập từ các tỉnh khác hoặc từ nước ngoài.

Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cho biết, để bảo đảm an toàn nông sản, thực phẩm cho người tiêu dùng, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành kế hoạch, tích cực tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra; đồng thời xây dựng, kết nối chuỗi cung ứng nông sản an toàn. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã xây dựng được: 23 chuỗi liên kết - tiêu thụ sản phẩm thu hút gần 3 nghìn hộ chăn nuôi, khoảng 100 doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thức ăn, cung cấp thuốc thú y, cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tham gia; hình thành 27 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật, 5.000ha rau an toàn, 244ha rau trồng theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) và gần 50ha rau sản xuất theo hướng hữu cơ. Sản lượng rau an toàn của thành phố cung cấp cho thị trường ước đạt 350 nghìn tấn/năm, chiếm 58% so với tổng sản lượng của thành phố, đáp ứng được 35% nhu cầu của thành phố.

Theo ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng với tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người sản xuất, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, cảnh báo chất lượng nông sản, thực phẩm cũng được các đơn vị thuộc ngành Nông nghiệp triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, xử lý nghiêm vi phạm. Từ đầu năm đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lấy 1.505 mẫu nông sản, trong đó phát hiện, xử lý 68 mẫu vi phạm; đồng thời giải quyết nhiều vụ việc về an toàn thực phẩm mà phương tiện thông tin đại chúng cung cấp và phản ánh qua đường dây nóng...

Thực hiện chỉ đạo của thành phố, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND quận, huyện, thị xã đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Tính riêng từ đầu năm đến nay, các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND quận, huyện, thị xã đã thanh tra, kiểm tra 950 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, qua đó, phát hiện 135 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính 83 cơ sở gần 546,5 triệu đồng; ngoài ra, thanh tra, kiểm tra 5.811 cơ sở, phát hiện 597 cơ sở vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 292 cơ sở gần 1,5 tỷ đồng...

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý

Theo đánh giá, công tác bảo đảm nông sản, thực phẩm trên địa bàn thành phố ngày càng thiết thực, hiệu quả cao. Qua đây thể hiện sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, trong đó có ngành Nông Nghiệp Hà Nội trong công tác quản lý giết mổ, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, quản lý vật tư nông nghiệp và an toàn nông sản, thực phẩm. Đáng nói, trên địa bàn thành phố, bước đầu đã hình thành một số điểm bán nông sản an toàn được kiểm soát theo chuỗi và được truy xuất nguồn gốc bằng mã Qrcode và có chỉ dẫn địa lý, tạo niềm tin cho người tiêu dùng... Đáng nói, việc chấp hành pháp luật, nhận thức của người tiêu dùng về nông sản, thực phẩm cũng được nâng cao.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Huy Đăng cho rằng, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán, trong khi một số hoạt động sản xuất kinh doanh theo mùa vụ, thường xuyên biến động; mặt khác số cơ sở áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến như: GMP, SSOP, HACCP còn ít. Khắc phục những hạn chế này, đi đôi với tăng cường công tác tuyên truyền, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh áp dụng các quy phạm thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Trong đó, trọng tâm là sử dụng đúng cách thuốc bảo vệ thực vật trong trồng rau, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh, chất bảo quản trong chăn nuôi; xử lý sự cố vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp kịp thời thông tin kiểm chứng cho người tiêu dùng; công khai các cơ sở không đạt điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm… Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát đối với các sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp trước khi đưa ra thị trường nhằm đánh giá, cảnh báo nguy cơ và truy xuất, xử lý các trường hợp vi phạm.

Hy vọng, với sự vào cuộc tích cực của ngành Nông nghiệp Hà Nội và các bên liên quan, cộng với sự hưởng ứng tích cực của toàn xã hội, nông sản, thực phẩm khi đến tay người tiêu dùng Thủ đô chắc chắn được bảo đảm an toàn, chất lượng.


Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t