Tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch sốt xuất huyết (15:53 05/09/2017)


HNP - Chiều 5/9, tại hội nghị giao ban báo chí thường kỳ, do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đã thông tin về diễn biến dịch SXH trên địa bàn Thành phố thời gian qua và trọng tâm công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong chủ trì hội nghị.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội nghị


Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, tuần qua (từ 28/8 đến 3/9) toàn Thành phố ghi nhận 2.605 trường hợp mắc SXH, giảm 307 trường hợp so với tuần trước (21/8 đến 27/8) và giảm 973 trường hợp so với tuần cao điểm (6/8 đến 13/8).
 
Một số đơn vị có số mắc cao trong tuần: Hoàng Mai (354 trường hợp); Đống Đa (271 trường hợp); Thanh Xuân (250 trường hợp); Hà Đông, Hai Bà Trưng (232 trường hợp); Thanh Trì (229 trường hợp)… Như vậy, tính chung từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận 24.264 trường hợp mắc SXH, 7 trường hợp tử vong. Hiện, 22.176 trường hợp đã khỏi, 2.088 bệnh nhân đang điều trị. Thành phố cũng đã khống chế 3.036/3.662 ổ dịch SXH.
 
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thông tin thêm, tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, tình hình dịch SXH vẫn diễn biến phức tạp. Hiện nay, cả nước ghi nhận trên 110 nghìn trường hợp mắc, 26 trường hợp tử vong, số mắc SXH tăng gần 50% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù số ca mắc mới trong những tuần gần đây có xu hướng giảm, tuy nhiên, trước diễn biến thời tiết và số lượng học sinh, sinh viên nhập học nên nguy cơ dịch SXH có thể vẫn diễn biến phức tạp với số ca mắc tăng.
 
Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh thông tin tại hội nghị
 
Ông Hoàng Đức Hạnh cho biết, trong tuần qua, Thành phố tiếp tục đi kiểm tra việc phòng, chống SXH tại các đơn vị; triển khai phun hóa chất diện rộng tại các chợ, trường học, công trường, nghĩa trang, các khu đất trống… đồng thời có kế hoạch phối hợp với các trường học để triển khai giải pháp phòng, chống SXH trước thềm năm học mới.
 
Trong thời gian tới, Thành phố xác định đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, huy động sự tham gia của toàn dân cùng tham gia phòng, chống SXH, diệt bọ gậy là giải pháp quan trọng hàng đầu; tiếp tục kiểm tra, đôn đốc việc phòng, chống SXH tại cơ sở; kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động các đội xung kích phòng, chống SXH; tiếp tục ra quân tổng vệ sinh môi trường đợt 3 tại các xã, phường, thị trấn kết hợp phun hóa chất diện rộng…
 
Liên quan đến thông tin có một số đối tượng giả danh cán bộ dịch tễ đến gạ các hộ dân phun thuốc diệt muỗi và thu tiền, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết: hiện nay, Thành phố đang tiến hành phun diện rộng tại những khu vực có dịch và không thu tiền, tuy nhiên có một số khu vực không có chỉ định mà người dân có nhu cầu thì có thể ký kết với một số công ty đủ điều kiện, có tư cách pháp nhân tiến hành phun hóa chất diệt muỗi. Sở đã nhận được thông tin có tình trạng giả danh cán bộ y tế và đã có văn bản nhắc các địa phương về tình trạng này, đồng thời, khuyến cáo các hộ dân trước khi phun phải kiểm tra, xác minh kỹ…
 
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá: Trong 3 tuần trở lại đây, Thành phố đã ghi nhận giảm cả số người mắc bệnh và số ổ dịch SXH, đó là kết quả sự chỉ đạo từ Bộ Y tế đến thành phố Hà Nội, nhất là vai trò của các cơ quan truyền thông, giúp nâng cao nhận thức phòng, chống dịch của người dân.
 
Tuy kết quả bước đầu có giảm, nhưng vẫn diễn biến phức tạp, bởi từ tháng 9-10 mới là đỉnh dịch, bên cạnh đó, thời tiết thuận lợi để muỗi sinh sôi, phát triển. Đặc biệt, từ ngày hôm nay 1,8 triệu học sinh, cùng với 1 triệu sinh viên bước vào năm học mới, trong khi vệ sinh môi trường các khu nhà trọ còn chưa tốt, tiềm ẩn nguy cơ dịch bùng phát… Chính vì thế, trong 7 giải pháp, Bộ Y tế và TP Hà Nội xác định phải đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền. Bởi theo thống kê, có 10% hộ gia đình đóng cửa, không hợp tác phun hóa chất; 35% số hộ gia đình chỉ đồng ý cho phun tầng 1… 
 
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy nhấn mạnh, mục tiêu là tuyên truyền, phủ sóng tới 100% hộ gia đình để nâng cao nhận thức, ý thức hợp tác phòng, chống dịch; nâng cao ý thức phòng bệnh của sinh viên, người lao động ngoại tỉnh, bởi hiện các đối tượng này chiếm 50% số ca mắc SXH toàn Thành phố; nhắc nhở các đơn vị còn chưa quyết liệt, chưa coi phòng, chống SXH là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách… Đặc biệt, để việc phòng, chống dịch hiệu quả bền vững, mấu chốt vẫn là phải huy động sự tham gia của người dân trong việc diệt bọ gậy, không để muỗi sinh sôi, phát triển.

Trọng Toàn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t