Kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển đô thị theo hướng giao thông công cộng (17:19 18/01/2024)


HNP - Tại phiên chuyên đề giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để phát triển đường sắt đô thị và khu vực TOD, sáng 18/1, các chuyên gia đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm để nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện thể chế có liên quan nhằm phát triển đô thị theo hướng giao thông công cộng, quy hoạch xây dựng chỉnh trang đô thị, đất đai, đầu tư, quản lý vận hành khai thác đường sắt đô thị.

Các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội dự và chủ trì phiên chuyên đề


Tách công tác GPMB thành dự án thành phần độc lập
 
Tham luận Hội nghị về ưu nhược điểm của giải pháp tách công tác GPMB thành tiểu dự án riêng để thực hiện ngay sau khi Chủ trương đầu tư được duyệt nhằm đảm bảo có mặt bằng thi công trước khi trao thầu - Kinh nghiệm từ dự án đầu tư xây dựng Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Đỗ Đình Phan cho biết, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án quan trọng quốc gia. Dự án có quy mô đầu tư 85.813 tỷ đồng, với tổng chiều dài 113,52km, đi qua ba tỉnh, thành phố: Hà Nội (57,52km), Hưng Yên (19,3km), Bắc Ninh (36,7km).
 
Sau hơn 1 năm 6 tháng kể từ khi được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư (tháng 6/2022). Ba tỉnh, thành phố đã huy động tối đa sức mạnh của hệ thống chính trị, triển khai đồng loạt các thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện các công việc. Đến nay, Dự án đã đạt được một số kết quả nhất định và bám sát tiến độ đề ra.
 
Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Đỗ Đình Phan tham luận tại Hội thảo
 
Xác định khâu giải phóng mặt bằng, tái định cư là khâu “trọng điểm của trọng điểm” phải được triển khai sớm. Thành phố Hà Nội đã đề xuất tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án thành phần độc lập để triển khai ngay sau khi Chủ trương đầu tư được duyệt. Từ đó giải phóng mặt bằng không còn phụ thuộc vào các yếu tố kỹ thuật mang tính chất chuyên ngành của công trình, thực hiện giải phóng mặt bằng ngay sau khi có chỉ giới đường đỏ được phê duyệt và khi dự án thành phần xây lắp được duyệt hồ sơ cắm mốc GPMB sẽ tiếp tục cập nhật, bổ sung cho phù hợp (đảm bảo việc giải phóng mặt bằng đi trước một bước) nhằm đảm bảo có mặt bằng thi công trước khi trao thầu. 
 
“Việc tách công tác GPMB thành dự án thành phần độc lập để triển khai ngay khi chủ trương được duyệt sẽ tranh thủ được thời gian chuẩn bị dự án, giúp GPMB đi trước một bước, đồng thời trong việc triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của từng địa phương cần vận dụng chính sách để bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân, trong đó thành phố Hà Nội chọn những khu tái định cư có điều kiện mặt bằng, giao thông thuận lợi, tốt nhất cho người dân; các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm đến cuộc sống, sinh kế của người dân trong diện di dời với mục tiêu nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ để người dân yên tâm sinh sống và làm việc và ban hành bổ sung một số cơ chế, chính sách phục vụ bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thực hiện Dự án”, đồng chí Đỗ Đình Phan chia sẻ.
 
Đổi mới phương thức chuyển dịch đất đai
 
GS.TS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, trong mô hình TOD, cần quan tâm tới 2 vấn đề chuyển dịch đất đai: đất để phát triển các tuyến giao thông công cộng nối giữa các “đô thị mắt lưới”; sự chuyển dịch đất đai để tổ chức lại các không gian đô thị tại các “đô thị mắt lưới”. Đối với đất để phát triển các tuyến giao thông công cộng, cơ chế Nhà nước thu hồi đất được áp dụng là hoàn toàn hợp lý vì đây là các dự án hạ tầng vì lợi ích công cộng không vì mục tiêu lợi nhuận.
 
Đối với các tuyến đường tàu điện trên cao, GS.TS Đặng Hùng Võ cho rằng có thể đặt thêm vấn đề khai thác không gian dưới các tuyến đường tàu trên cao như thế nào cho có khả năng sinh lợi. Đối với các tuyến đường tàu điện ngầm (Metro), việc thu hồi đất để xây dựng các ga tàu là cần thiết, ngoài ra còn phải xem xét việc bồi thường thiệt hại cho những thửa đất bên trên đường tàu điện ngầm khi không thể xây dựng nhà quá cao tầng.
 
GS.TS Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tham luận tại Hội thảo
 
“Pháp luật đất đai cần quy định cụ thể về phạm vi thực hiện quyền bề mặt của mỗi thửa đất để minh bạch phạm vi thực hiện quyền bề mặt và xác định rõ ràng mức bồi thường đối với không gian bên trên và bên dưới thửa đất. Đến nay, luật pháp chưa thống nhất cách tiếp cận cũng là một trở ngại pháp lý cho phát triển đô thị, nhất là các đô thị dạng nén”, GS.TS Đặng Hùng Võ nêu quan điểm.
 
Đối với vấn đề đổi mới cách tổ chức không gian đô thị tại các “đô thị mắt lưới”, GS.TS Đặng Hùng Võ nhận định, không thể áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất vì không thể thu hồi toàn bộ đất của một đô thị hiện hữu. Hơn nữa, cơ chế thu hồi đất làm tăng rất cao chi phí thực hiện, thậm chí không thể tìm chi phí đủ để thực hiện. Cơ chế “chuyển dịch đất đai” phù hợp nhất tại các “đô thị mắt lưới” chính là cơ chế “góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại đất đai” đã được triển khai thành công ở nhiều nước. Vấn đề còn lại là tìm ra lộ trình thực hiện sao cho phù hợp với hiện trạng “đô thị mắt lưới”.
 
“Ở các nước công nghiệp, người ta hay áp dụng cơ chế chính quyền đô thị có một số chức năng độc lập về quyết định phát triển để tạo sức cạnh tranh giữa các đô thị. Trong cuộc cạnh tranh này, chức năng quyết định về đất đai là quan trọng nhất vì đây là nguồn lực duy nhất để phát triển đô thị. Các cư dân của một đô thị trực tiếp bầu ra người đứng đầu đô thị và bầu ra hội đồng đô thị làm cầu nối giữa cộng đồng cư dân và người đứng đầu đô thị” - GS.TS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t