Hội nghị lần thứ 15 BCH Đảng bộ Thành phố: Bàn nhiều nội dung quan trọng (09:11 01/10/2018)


HNP - Ngày 1/10, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội tổ chức Hội nghị lần thứ 15 để thảo luận, quyết nghị nhiều nội dung quan trọng. Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cùng các đồng chí: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc chủ trì hội nghị.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung điều hành phiên họp buổi sáng


Hội nghị lần này, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố họp bàn 4 nội dung: Báo cáo kết quả công tác xây dựng Đảng 9 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2018 của Thành ủy; Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh 9 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm của Thành phố; Dự thảo Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội; Dự thảo Quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19/12/2017 của Bộ Chính trị.
 
Đề xuất 2 phương án tổ chức chính quyền đô thị
 
Mở đầu hội nghị, đồng chí Vũ Đức Bảo, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy đã trình bày dự thảo Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội. Theo đó, trong quá trình xây dựng Dự thảo Đề án, Thành phố đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các chuyên gia; lãnh đạo các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn của Thành phố Hà Nội; các đồng chí nguyên lãnh đạo Thành phố, các thành viên Hội đồng lý luận Trung ương; kế thừa kinh nghiệm xây dựng Đề án của thành phố Chí Minh và thành phố Đà Nẵng; tiếp thu tiếp thu có chọn lọc mô hình chính quyền đô thị ở một số nước trên thế giới.
 
Dự thảo Đề án có kết cấu 4 phần. Phần thứ nhất: Sự cần thiết, căn cứ và cơ sở lý luận, thực tiễn xây dựng Đề án. Phần thứ hai: Thực trạng tổ chức chính quyền Thành phố Hà Nội. Phần thứ ba: Định hướng và nội dung thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hà Nội. Phần thứ tư: Tổ chức thực hiện Đề án.
 
Trên cơ sở đánh giá khách quan, toàn diện thực trạng tổ chức, hoạt động của bộ máy chính quyền từ Thành phố đến các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn, Dự thảo Đề án đã đề xuất 2 phương án mô hình thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.
 
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo trình bày dự thảo Đề án
 
Theo đó, phương án 1 sẽ xây dựng mô hình tổ chức hai cấp chính quyền (cấp thành phố và cấp quận, huyện, thị xã); một cấp hành chính (tại xã, phường, thị trấn). Đối với phương án này, ở cấp Thành phố cơ bản giữ nguyên như hiện nay; Thành phố sẽ quyết định các cơ quan chuyên môn được quy định cứng và các cơ quan chuyên môn giữ ổn định hoặc hợp nhất, thí điểm hợp nhất. Đồng thời, sẽ tiếp tục điều chỉnh các chức năng, nhiệm vụ chồng chéo giữa các sở, các nhiệm vụ còn bỏ sót, chưa rõ trách nhiệm.
 
Đối với tổ chức chính quyền quận, huyện, thị xã, về cơ bản giữ nguyên như hiện nay, gồm HĐND và UBND. Trong đó, HĐND sẽ bố trí số lượng đại biểu hợp lý, không nặng về cơ cấu, giảm số lượng thành viên UBND tham gia HĐND, tăng số lượng đại biểu HĐND chuyên trách, nhằm đảm bảo cho hoạt động giám sát, chất vấn của HĐND đối với hoạt động của UBND cấp huyện và UBND cấp xã.
 
UBND cấp quận, huyện, thị xã gồm Chủ tịch, 03 Phó Chủ tịch, một số ủy viên UBND (không bao gồm toàn bộ người đứng đầu các phòng, ban chuyên môn của UBND như hiện nay) và thực hiện 2 loại nhiệm vụ chính là thực thi các nhiệm vụ cụ thể của quản lý hành chính nhà nước, tập trung vào hướng dẫn và kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, văn hóa - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự xã hội… trên địa bàn; tổ chức cung ứng một số dịch vụ công theo phân cấp, ủy quyền của UBND thành phố.
 
Ở cấp phường, xã, thị trấn sẽ không tổ chức HĐND, chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế UBND phường, xã, thị trấn, gồm: Chủ tịch, 02 Phó Chủ tịch và ủy viên phụ trách quân sự, ủy viên phụ trách công an. 
 
Dự thảo Đề án cũng nêu rõ những ưu, nhược điểm của phương án này, đó là tổ chức bộ máy gọn nhẹ hơn, hoạt động nhanh nhạy và thông suốt hơn (giảm khoảng 700 người là Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND xã, phường, thị trấn chuyên trách); đảm bảo tính kế thừa, giữ tương đối ổn định ở cấp quận, huyện, thị xã; tiết kiệm chi ngân sách trên 188 tỷ đồng mỗi năm… Tuy nhiên, phương án này chưa thực hiện triệt để yêu cầu về tinh gọn bộ máy, chưa thể hiện rõ nét mô hình tổ chức chính quyền đô thị.
 
Đối với phương án 2, Dự thảo Đề án đề xuất xây dựng mô hình tổ chức một cấp chính quyền (Thành phố), 1 cấp hành chính (quận, huyện, thị xã) và 1 cơ quan hành chính đại diện (xã, phường, thị trấn). Theo đó, phương án này sẽ không tổ chức HĐND ở cả cấp quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. 
 
Tăng cường phân cấp gắn với xây dựng Thành phố thông minh
 
Dự thảo Đề án cũng dành phần quan trọng về cơ chế phân cấp giữa Chính phủ, bộ, ngành Trung ương với chính quyền thành phố Hà Nội. Theo đó, Thành phố tiếp tục đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đẩy mạnh phân cấp cho Hà Nội trên 8 lĩnh vực với 27 nội dung cụ thể. Chính quyền Thành phố cũng sẽ thực hiện phân cấp cho chính quyền quận, huyện, thị xã trên các lĩnh vực: kế hoạch - đầu tư; xây dựng; đất đai; văn hóa; giáo dục - đào tạo; y tế và lĩnh vực lao động, thương binh, xã hội. 
 
Đặc biệt, việc xây dựng thành phố thông minh sẽ gắn với thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hà Nội, hướng đến 4 chủ thể chính của đô thị, gồm: Chính quyền, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội trên các nội dung về quản lý thông minh, xây dựng cộng đồng thông minh và người dân có thể tham gia vào công tác quản lý đô thị thông minh; khuyến khích nghiên cứu các ứng dụng thông minh, giải pháp thông minh trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội.
 
Dự thảo Đề án cũng đặt ra lộ trình thực hiện cụ thể cho các phương án. Theo đó, nếu thực hiện theo phương án 1, đề xuất sẽ thực hiện thí điểm việc không tổ chức HĐND tại phường trước từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026; sau đó sẽ thực hiện việc không tổ chức HĐND xã, thị trấn từ đầu nhiệm kỳ 2026 - 2031. Nếu thực hiện theo phương án 2, đề xuất sẽ thực hiện thí điểm việc không tổ chức HĐND xã, phường, thị trấn từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026; sau đó sẽ thực hiện việc không tổ chức HĐND quận, huyện, thị xã từ đầu nhiệm kỳ 2026 - 2031.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t