Quản lý, khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi: Cần được quan tâm đúng mức (20:53 15/01/2020)


HNP - Do tốc độ đô thị hóa nhanh, cộng với biến đổi khí hậu biểu hiện ngày càng rõ nét…, trong khi đó, các công trình xây dựng từ lâu đã làm giảm năng lực của hệ thống thủy lợi trên địa bàn thành phố Hà Nội. Để quản lý, khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi của thành phố bảo đảm việc cấp, tiêu nước cho đời sống dân sinh, sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế và phòng chống lụt bão…, cần được quan tâm đúng mức.

Đối diện không ít thách thức

Kết quả rà soát của Sở NN&PTNT, trên địa bàn thành phố có 1.837 trạm bơm với 4.139 máy bơm các loại; 35.422 tuyến kênh tưới, tiêu với tổng chiều dài 20.017km; 117 hồ chứa thủy lợi lớn, vừa và nhỏ; 300 bai, đập dâng và các công trình trên kênh, các công tưới, tiêu, cầu máng… trong hệ thống thủy lợi. Hệ thống thủy lợi của thành phố không những bảo đảm cấp nước tưới cho 112.000ha diện tích đất nông nghiệp, tiêu thoát nước cho khoảng 213.000ha diện tích sản xuất nông nghiệp và khu dân cư còn phục vụ các ngành kinh tế khác, bảo vệ môi trường…

Tuy nhiên, hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố đang phải đối diện với không ít những khó khăn, thách thức. Theo kết quả kiểm tra đánh giá công trình sau mùa mưa lũ năm 2019 cho thấy, các công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố được xây dựng từ những năm 60-70 của thế kỷ trước nên quy mô và máy móc, thiết bị lạc hậu, hệ số tưới và tiêu chưa theo kịp với tốc độ đô thị hóa tăng nhanh và tình hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Lòng kênh bị bồi lắng nhiều mặt cắt kênh không bảo đảm so với thiết kế ban đầu, nhiều đoạn bờ nhỏ thấp thường bị tràn khi có mưa to. Đáng ngại, vẫn còn tình trạng, lấn chiếm đổ rác, phế thải, vật liệu rắn vào công trình thủy lợi ảnh hưởng đến công tác tưới tiêu, mức độ đô thị hóa, các khu công nghiệp, đường giao thông phát triển kéo theo nhiều hệ lụy. Hệ thống công trình bị chia cắt manh mún, chắp vá không đồng bộ, do đó úng, ngập cục bộ là không thể tránh khỏi.

Qua kiểm tra của Sở NN&PTNT, toàn bộ các hồ chứa trên địa bàn thành phố đều là đập đất, qua thời gian dài đưa vào khai thác sử dụng nhiều hồ đã xuống cấp, nhiều hồ chứa nước nhỏ chưa được xây dựng quy trình vận hành. Các hư hỏng chủ yếu, như: Lòng hồ bồi lắng làm giảm dung tích hồ; thân đập bị thấm, xuất hiện các tổ mối, tràn xả lũ xói mòn, cống lấy nước hư hỏng, xuống cấp... Nhiều tuyến kênh mương chưa được thực hiện duy trì thường xuyên; hiện tượng bèo, rác, vật cản, công trình vi phạm... chưa khắc phục làm ảnh hưởng đến việc tiêu thoát chống úng, ngập. Đặc biệt là tình trạng lấn, chiếm hành lang, an toàn công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố còn nhiều phức tạp. Phần lớn các trường hợp vi phạm xảy ra đối với những công trình gần khu dân cư, đối tượng vi phạm đều là người dân sinh sống tại địa phương nên khó xử lý triệt để.

Tập trung khắc phục những bất cập

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, sau mùa mưa lũ năm 2019, đối với những công trình thủy lợi bị hư hỏng nhỏ, Sở và các doanh nghiệp thủy lợi của thành phố đã và đang tổ chức triển khai tu sửa bằng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế và nguồn vốn sửa chữa thường xuyên để trước mắt có thể tiếp tục vận hành phục vụ sản xuất và phòng, chống thiên tai… Song ông Chu Phú Mỹ cũng thừa nhận, để phát triển thủy lợi đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội môi trường, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết khí tượng thủy văn có xu hướng ngày càng bất lợi, thiên tai xảy ra ngày càng khắc nghiệt…, việc quản lý, khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi cần được quan tâm đúng mức, nhất là vai trò của UBND cấp huyện, cấp xã và chính quyền cấp cơ sở.

Để bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh và phòng, chống thiên tai năm 2020 và các năm tiếp theo, nhiều ý kiến cho rằng, thành phố cần tiếp tục bố trí kinh phí đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi đã xuống cấp, các hồ đập trên địa bàn để đảm bảo an toàn. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý an toàn đập, có thêm các giải pháp bảo đảm an toàn cho vùng hạ du đập trong trường hợp khẩn cấp, từng bước nâng mức bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước theo tiêu chuẩn. Cùng với đó, cho phép lập quy hoạch chi tiết một số hệ thống công trình thủy lợi thuộc địa bàn thành phố trên cơ sở rà soát quy hoạch phát triển thủy lợi thành phố Hà Nội đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 đã được UBND thành phố phê duyệt nhằm thực hiện việc quản lý, khai thác, cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi, nhất là quan tâm phát triển hệ thống thủy lợi nội đồng. Đối với các sở, ngành, cơ quan đơn vị có liên quan cần đưa ra lộ trình từng bước để triển khai các giải pháp về giải tỏa hàng lang, cắm mốc công trình. Các nhiệm vụ về quan trắc khí tượng thủy văn, kiểm định an toàn hồ, đập cũng sẽ được cơ quan quản lý quan tâm đúng mức.

Trước tình trạng lấn chiếm hành lang, an toàn công trình thủy lợi, ông Chu Phú Mỹ đề nghị các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo việc phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ công trình thủy lợi và kiên quyết trong việc giải tỏa các vi phạm, các chướng ngại vật trên dòng chảy trong hệ thống, kịp thời ngăn chặn không để các vi phạm mới, tái vi phạm tạo dòng chảy thông thoáng trên các sông, kênh, mương, đặc biệt là trục chính sông Nhuệ và các hệ thống tưới, tiêu chính.

Liên quan đến vấn đề này, các doanh nghiệp thủy lợi thành phố cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện, thị xã chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý, vận hành, khai thác các công trình thủy lợi do đơn vị quản lý khai thác. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra phát hiện các vi phạm công trình thủy lợi từ khi mới nảy sinh, không để vi phạm phát triển tới mức khó xử lý. Các doanh nghiệp thủy lợi thành phố cũng cần thực hiện tốt việc duy tu, bảo dưỡng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi, sửa chữa hư hỏng các trạm bơm, cống tiêu, hồ đập, thiết bị điện, nạo vét bể hút trạm bơm, kênh, mương, đặc biệt hệ thống công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp, chống hạn vụ Đông Xuân năm 2019-2020…


Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t