Hiệu quả từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững (20:51 22/09/2019)


HNP - Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Thành phố Hà Nội luôn bám sát chủ trương, chính sách của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chủ động xây dựng, ban hành các chính sách xã hội đặc thù. Qua đó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế của Thủ đô và đất nước.

Trong 3 năm, từ 2016-2018, ngân sách Thành phố đã bố trí trên 6.380 tỷ đồng để thực hiện chương trình giảm nghèo, trong đó 2.494 tỷ đồng ủy thác sang Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay. Cụ thể các chương trình cho vay gồm có: Giải quyết việc làm, vay sản xuất kinh doanh, dịch vụ,...); hỗ trợ dạy nghề gắn với tạo việc làm; các giải pháp giảm nghèo đa chiều (như hỗ trợ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh miễn phí với kinh phí trên 553 tỷ đồng; miễn giảm học phí, tặng học bổng; hỗ trợ tiếp cận truyền hình số mặt đất…). Các hoạt động chung tay vì người nghèo của Thành phố đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của toàn xã hội, của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, qua đó tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, tăng cường tinh thần đoàn kết nhằm chung tay chăm lo để nâng cao đời sống nhân dân. 
 
Đặc biệt, năm 2018 là điểm nhấn quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Thành phố tập trung triển khai Chương trình hỗ trợ xây, sửa nhà ở hộ nghèo với 4.166 hộ nghèo được hỗ trợ hoàn thành trước ngày Cả nước vì người nghèo 17/10. Đây là hoạt động hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Chính phủ phát động, qua đó, khơi dậy được tinh thần tương thân tương ái, thu hút được sự tham gia nhiệt tình của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội trong công tác trợ giúp người nghèo. Chương trình là một trong 10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô trong năm 2018.
 
Thành phố cũng luôn xác định, thực hiện tốt các chính sách xã hội, đảm bảo an sinh xã hội là động lực để phát triển kinh tế Thủ đô. Vì vậy, trong những năm gần đây, cơ sở hạ tầng vùng dân tộc thiểu số, miền núi được Thành phố quan tâm đầu tư, phong trào xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh, đời sống nhân dân khu vực nông thôn, miền núi đã được cải thiện rõ rệt. Toàn Thành phố có 325/386 xã (chiếm 84,2%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (vượt kế hoạch trước 02 năm so với mục tiêu đề ra). Tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được cấp nước sạch theo tiêu chuẩn nước sạch đô thị tăng từ 37,2 % (năm 2016) đến nay 57,3%; Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 86,06% (vượt 3,26% so với kế hoạch). Chênh lệch thu nhập bình quân đầu người giữa thành thị và nông thôn giảm từ 2,03 lần (năm 2015) xuống còn 1,49 lần (năm 2018).
 
Trên cơ sở chính sách của Trung ương và Thành phố, một số quận, huyện đã triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo hiệu quả phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và đặc điểm của từng hộ nghèo như: Đẩy mạnh xã hội hóa, vận động hỗ trợ phương tiện sản xuất; nhận đỡ đầu, tặng học bổng cho học sinh nghèo; hỗ trợ hàng tháng cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Đã có nhiều mô hình giảm nghèo bền vững, điển hình như: Mô hình vay vốn tín dụng ưu đãi để chăn nuôi (bò, gia cầm...) ở khu vực nông thôn, mở cửa hàng tạp hóa nhỏ, cửa hàng ăn uống, sửa chữa xe máy, dịch vụ giặt là... ở khu vực nội thành; Mô hình vận động trợ giúp nuôi dưỡng hàng tháng đối với các hộ nghèo cao tuổi, đơn thân; tặng sổ tiết kiệm cho hộ nghèo, tạo điều kiện hỗ trợ, bố trí địa điểm kinh doanh (bán hàng tạp hóa, bán hàng ăn…), trợ giúp mua phương tiện giải quyết việc làm cho hộ nghèo (mua xe máy, máy khâu, máy ép nước mía…) cho thành viên thuộc hộ nghèo… của quận Cầu Giấy, Tây Hồ, Ba Đình; Mô hình “Chung tay hỗ trợ giảm nghèo đối với hộ có 01 nhân khẩu” (mỗi tổ chức, doanh nghiệp gắn với hỗ trợ 01 hộ nghèo cụ thể) của quận Long Biên; Mô hình chăn nuôi bò ở 1 số huyện ngoại thành…
 
Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp giảm nghèo, cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của Thành phố còn 1,16%, nếu trừ hộ nghèo chính sách BTXH còn 0,6% - hoàn thành trước 2 năm mục tiêu giảm nghèo của Thành phố giai đoạn 2016-2020. Đến nay, Thành phố có 5 quận không còn hộ nghèo, không còn xã, thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Chất lượng cuộc sống của người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện. Người dân đã được tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo, tạo động lực để phát triển kinh tế và góp phần đảm bảo ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t