Bảo tồn phát huy giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu (10:03 28/11/2017)


HNP - Tín ngưỡng thờ Mẫu đang ngày càng phát triển, nhất là từ khi được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tuy nhiên, để tín ngưỡng thờ Mẫu thích ứng xã hội hiện đại mà không mất đi vẻ đẹp vẫn cần những giải pháp tích cực và sự vào cuộc của cả cộng đồng.

Nghi thức trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu


Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại
 
Hoạt động nổi bật của tín ngưỡng thờ Mẫu là nghi lễ hầu đồng, mang giá trị văn hóa nghệ thuật độc đáo. Nó là kho tàng truyền thuyết, thần tích, huyền thoại về thần linh. Đó còn là các hình thức diễn xướng với âm nhạc, ca hát, nhảy múa thông qua hình thức hát văn, các hình thức trang trí, kiến trúc dân gian phong phú, hấp dẫn. Không chỉ thỏa mãn ước mơ về đất trời mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, vạn vật nảy nở sinh sôi của người nông dân thời phong kiến, tín ngưỡng thờ Mẫu còn đáp ứng nhu cầu tâm linh của tầng lớp thương nhân đô thị, hình thành từ thế kỉ 16, 17 và phát triển mạnh đến nay. 
 
Cùng với việc chứa đựng giá trị đạo đức và nhân văn sâu sắc, đó là tâm thức “Uống nước nhớ nguồn”, trong đó người Mẹ - Mẫu là trung tâm, tín ngưỡng thờ Mẫu còn thể hiện một cách độc đáo tinh thần yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn thông qua việc tôn vinh những người có công với đất nước. Nhân vật được thờ ở các phủ, điện thờ Mẫu thường là những anh hùng đã chiến đấu hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc.
 
Là một loại hình tín ngưỡng dân gian phản ánh rõ nét tâm hồn người Việt, tín ngưỡng thờ Mẫu có sức sống mãnh liệt, dẻo dai, phù hợp với mọi hoàn cảnh lịch sử đất nước. Không chỉ có vậy, nhờ khả năng tích hợp tôn giáo tín ngưỡng cao mà tín ngưỡng thờ Mẫu luôn có sự gắn bó, dung hòa với các tôn giáo tín ngưỡng khác, nương tựa, bổ sung để cùng bảo lưu những giá trị tiêu biểu của lịch sử và văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, cũng bởi những đặc tính ấy cùng với việc thực hiện nhu cầu tâm linh ở nhiều nơi nên việc thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu còn nảy sinh không ít biến tướng. 
 
Thanh đồng Nguyễn Thị Thìn (Hoàng Hoa Thám, Ba Đình) cho biết: Tín ngưỡng thờ Mẫu đang "bị" thực hành khá tùy tiện ở nhiều không gian chưa phù hợp như đình, chùa... Người thực hành nghi lễ có biểu hiện lệch chuẩn từ trang phục, đạo cụ, văn hầu đến vũ đạo làm mất đi sự nghiêm túc và tính linh thiêng. Đặc biệt, còn có hiện tượng thương mại hóa, đưa bói toán, phù chú, bắt ma, trò phù thủy... vào các canh hầu; yêu cầu con nhang đệ tử bỏ ra khoản tiền lớn để tổ chức hầu đồng khiến họ tán gia bại sản... Những hiện tượng này đang làm xói mòn những giá trị tốt đẹp của di sản. 
 
Theo Phó Giáo sư Nguyễn Thị Yên, Viện Nghiên cứu Văn hóa: để tránh sự biến tướng, cần xây dựng quy chế thực hành nghi lễ. Đây là bộ khung cơ bản để phân biệt được sự đúng – sai trong thực hiện nghi lễ thờ Mẫu. Tiến sĩ Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Thăng Long - Hà Nội cho rằng: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có một quyết định riêng về quản lý nhà nước đối với thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu… Các tỉnh, thành phố cũng cần có quy chế cụ thể phù hợp với tình hình. Về lâu dài, cần nghiên cứu lập “Hội Thánh Mẫu”, để xây dựng tổ chức nghề nghiệp - xã hội vững mạnh, thông qua đó quản lý các hội viên hoạt động đúng chủ trương, chính sách của Nhà nước, bảo đảm duy trì bản sắc văn hóa của thờ Mẫu.
 
Chú trọng công tác tuyên truyền
 
Sau gần một năm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tiếp tục được cộng đồng giữ gìn, phát huy. Cùng với việc được vinh danh, vấn đề đặt ra hiện nay là trách nhiệm của chúng ta trong việc tuyên truyền để người dân, những người thực hành tín ngưỡng nhận thức đúng giá trị di sản, từ đó gìn giữ, phát huy nét đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu, để đạo Mẫu xứng tầm là di sản, là niềm tự hào của người Việt.
 
Để bảo tồn và phát huy hiệu quả di sản thì ngành văn hóa phải đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của những người thực hành di sản và người dân, để người dân nhận thức đúng đắn về các giá trị của tín ngưỡng. Và quan trọng nhất vẫn là việc giáo dục đối với đội ngũ những người hành nghề của tín ngưỡng này… Bên cạnh hầu đồng, cần tuyên truyền cho người dân hiểu rất rõ, tín ngưỡng thờ Mẫu còn rất nhiều nghi thức như lễ hội, sáng tạo văn chương, nó có tình thương của người mẹ…
 
Tại cuộc hội thảo Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trên địa bàn Hà Nội - nhận diện, bảo tồn và phát triển do Hội Di sản Văn hóa Thăng Long - Hà Nội tổ chức mới đây, các nhà khoa học, các chuyên gia và cả nhiều thanh đồng, cung văn đã tập trung phân tích làm sao để tín ngưỡng thờ Mẫu thích ứng được với xã hội đương đại. Trong đó, nhiều thanh đồng cùng đồng quan điểm cho rằng cần tuyên truyền, tập huấn kiến thức văn hóa cho ban quản lý các di tích, các ông đồng, bà đồng, con nhang đệ tử để họ có định hướng khi thực hành. Bên cạnh đó, cần nghiêm cấm hầu đồng ở những di tích không phải nơi thờ Mẫu…

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t