Hà Nội bước đầu đạt được những kết quả quan trọng trong quá trình phát triển đô thị số, đô thị thông minh (22:48 02/10/2024)


HNP - Phát biểu tại Hội thảo "Hà Nội - Thành phố thông minh và hệ sinh thái ngân hàng mở", sáng 2/10, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Hà Nội xác định rằng việc xây dựng một đô thị thông minh là điều tất yếu và cấp thiết. Thành phố thông minh không chỉ là giải pháp để giải quyết những thách thức về dân số, môi trường, giao thông và quản lý tài nguyên, mà còn là nền tảng để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, tối ưu hóa quản lý đô thị và phát triển xanh, toàn diện, bao trùm, bền vững.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tại Hội thảo


Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải khẳng định, 70 năm qua, từ ngày Thủ đô Hà Nội được giải phóng (10/10/1954), Hà Nội đã và đang thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mục tiêu xây dựng Hà Nội thành Thủ đô xã hội chủ nghĩa bình yên, tươi đẹp, phồn thịnh về vật chất, tinh thần. Hà Nội không ngừng vươn lên, từng bước khẳng định vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, trung tâm lớn về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước.
 
Những thành tựu phát triển của Thủ đô không chỉ thể hiện qua sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội, qua diện mạo hiện đại, phồn thịnh của đô thị, mà còn được minh chứng qua những chủ trương chính sách, chiến lược phát triển dài hạn, hướng tới một thành phố thông minh, xanh, bền vững, được Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thủ đô tổng kết tham mưu cho Đảng và Nhà nước ban hành như: Kết luận số 131/1998, Nghị quyết số 11/2012, Nghị quyết số 15/2022 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 15/2008 của Quốc hội; Luật Thủ đô và Luật Thủ đô sửa đổi; Quy hoạch Thủ đô và Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô vừa được Bộ Chính trị và Quốc hội cho ý kiến, Thành phố đang trình Chính phủ.
 
Trong chiến lược phát triển đô thị thông minh, hệ thống thanh toán thông minh, hệ sinh thái ngân hàng mở đóng vai trò trụ cột, là yếu tố thiết yếu trong việc kết nối các dịch vụ công và xã hội, cho phép tạo ra các dịch vụ và sản phẩm tài chính sáng tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, đồng thời thúc đẩy sự cạnh tranh cùng phát triển trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
 
Hệ thống này không chỉ đơn thuần phục vụ cho các giao dịch tài chính mà còn mở rộng đến mọi lĩnh vực đời sống, sản xuất kinh doanh, từ thương mại điện tử, dịch vụ công, y tế, giáo dục đến giao thông.
 
Quang cảnh Hội thảo
 
“Đặc biệt, tại Hà Nội, việc phát triển các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như thẻ ngân hàng, ví điện tử, mã QR, và thanh toán qua di động đã mang lại nhiều lợi ích to lớn. Thanh toán thông minh giúp tiết kiệm thời gian, nâng cao tính an toàn và tiện lợi cho người dân, giúp doanh nghiệp quản lý tài chính hiệu quả hơn và hỗ trợ chính quyền Thành phố trong việc quản lý ngân sách, thu chi minh bạch, hiệu quả” - Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho biết.
 
Từ việc thúc đẩy chuyển đổi số, đề án 06 của Chính phủ, cho đến triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trong dịch vụ công, giao thông, an sinh xã hội đến hóa đơn điện tử và tuyến phố thanh toán thông minh, Hà Nội bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng trong quá trình phát triển đô thị số, đô thị thông minh.
 
Trong bài viết của mình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất. Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới, tiên tiến và hiện đại - phương thức sản xuất số”.
 
Từ đó chuyển đổi số không chỉ là xu thế tất yếu, mà còn là chìa khóa để Hà Nội tiếp tục phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và đặc biệt là nâng cao chất lượng sống cho người dân. Với quan điểm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong phát triển, chuyển đổi số không chỉ giúp xây dựng một hệ thống dịch vụ công minh bạch, hiện đại và hiệu quả, mà còn góp phần vào quá trình xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô và của đất nước, đem đến hạnh phúc cho người dân.
 
Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải, trong tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội phấn đấu trở thành một đô thị thông minh, hiện đại và bền vững, thành phố kết nối toàn cầu. Để hiện thực hóa mục tiêu này, việc chuyển đổi số, đề án 06 của Chính phủ, ứng dụng công nghệ số, xây dựng cơ sở dữ liệu số kết nối, các nền tảng số, phát triển hệ sinh thái thanh toán thông minh là yếu tố then chốt.
 
“Tin rằng, với những nền tảng đã đạt được, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Thành phố và sự đồng lòng của các cơ quan, doanh nghiệp và người dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Hà Nội sẽ tiếp tục tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số, phát triển hệ sinh thái ngân hàng mở, đóng góp vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào sự phát triển bền vững, toàn diện của đất nước” - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải bày tỏ.

Lê Hải


Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t