Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với doanh nghiệp nhà nước (20:43 24/03/2022)


HNP - Ngày 24/3, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) về "Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội".

Quang cảnh hội nghị


Dự tại điểm cầu Hà Nội có các đồng chí: Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ngành.
 
DNNN đóng góp hơn 29% GDP
 
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến đầu năm 2021, Việt Nam còn khoảng gần 500 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và gần 200 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Hiện nay, nếu loại trừ các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và nông lâm nghiệp thì chỉ còn 94 DNNN quy mô lớn gồm: 09 tập đoàn kinh tế; 67 tổng công ty nhà nước, 18 công ty hoạt động theo mô hình nhóm công ty mẹ - công ty con.
 
Chỉ riêng các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đang nắm giữ, mặc dù chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong nền kinh tế (khoảng 0,08% số doanh nghiệp hoạt động tại thời điểm 31/12/2020) nhưng lại nắm giữ nguồn lực lớn của nền kinh tế (khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường, chiếm khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh).
 
Quy mô tài sản bình quân của 1 DNNN là 6.095 tỷ đồng, cao gấp 18 lần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và gấp 139 lần doanh nghiệp dân doanh. Nhiều DNNN đã xây dựng được các thương hiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có uy tín, có  ảnh hưởng lớn trong khu vực và quốc tế về nhiều lĩnh vực như dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, cảng biển và logistic… Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân cả giai đoạn 2016 - 2020 là 10,46%; tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng tài sản bình quân cả giai đoạn 2016 - 2020 là 4,87%, cao hơn khối doanh nghiệp ngoài nhà nước (1,26%).
 
Mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ (0,08%) nhưng DNNN đóng góp 28% tổng số thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước. Xét về hiệu quả sử dụng lao động, các DNNN thu hút khoảng 0,7 triệu lao động, chiếm khoảng 7,3% lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Mức thu nhập bình quân tháng của một lao động tại các DNNN trong năm 2020 đạt khoảng 20 triệu đồng. Các DNNN của Việt Nam đang chiếm thị phần rất lớn trong một số lĩnh vực như năng lượng, viễn thông, ngân hàng… đóng góp hơn 29% GDP của đất nước.
 
Hà Nội: Tổng lợi nhuận trước thuế khối DNNN đạt trên 8.600 tỷ đồng
 
Điểm cầu Hà Nội
 
Cập nhật tình hình các DNNN hoạt động trên địa bàn, Chủ tịch UBDN thành phố Chu Ngọc Anh cho biết, đến đầu năm 2022, Hà Nội còn 27 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và 29 doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư. Tổng vốn chủ sở hữu tại 27 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước là 22.175 tỷ đồng. Các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực cung ứng dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công, cung cấp các sản phẩm có tính đặc thù như cấp thoát nước, chiếu sáng đô thị, thủy lợi, công viên, cây xanh, vệ sinh môi trường… Các doanh nghiệp tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động, có vai trò quan trọng đối với việc bảo đảm an sinh xã hội, có đóng góp tích cực trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
 
Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, trong giai đoạn 2016-2020, về cơ bản các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi. Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 8.654 tỷ đồng, số phát sinh phải nộp ngân sách là 9.579 tỷ đồng. Công tác sắp xếp, tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp giai đoạn 2016-2021 của thành phố mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng đã được thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện theo đề án và chỉ đạo của Trung ương. Các doanh nghiệp trước khi triển khai được từng bước xử lý tồn tại về công nợ, tài chính, tài sản; công tác xây dựng phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa được chú trọng, đã xây dựng và xác định rõ các mục tiêu, nguyên tắc làm cơ sở rà soát, thu hồi về thành phố các địa điểm nhà đất sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích...
 
Về phương hướng và giải pháp tập trung triển khai, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, thành phố sẽ tiếp tục nắm giữ quyền đại diện chủ sở hữu tại các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo tiêu chí phân loại doanh nghiệp do nhà nước đầu tư vốn của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, căn cứ tình hình thực tế của thành phố để xem xét chưa thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đầu tư đối với các doanh nghiệp có hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công hoặc sản phẩm đặc thù, doanh nghiệp có tính đặc thù…
 
Đối với các doanh nghiệp có khó khăn, vướng mắc, tồn tại kéo dài về tài chính, tài sản, đặc biệt là việc quản lý, sử dụng các cơ sở nhà, đất thì xem xét, đề xuất chưa thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025; chuyển giao quyền đại diện phần vốn nhà nước về các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước khác để thực hiện quản lý theo quy định; đồng thời, tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc. Thành phố chỉ thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025 đối với các doanh nghiệp đủ điều kiện để triển khai, đảm bảo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch và tuân thủ quy định pháp luật.
 
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng nêu một số đề xuất, kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ban Đổi mới phát triển doanh nghiệp thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp thuộc UBND thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 theo nội dung Báo cáo số 354/BC-UBND ngày 6-12-2021; trong đó, đề nghị thống nhất với đề xuất của thành phố cho phép chưa thực hiện cổ phần hoá, thoái vốn đối với 13 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và 6 doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư. Trong giai đoạn 2021-2025, khi các doanh nghiệp đủ điều kiện để triển khai, thành phố tiếp tục đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung vào danh mục doanh nghiệp thực hiện sắp xếp lại, cổ phần hoá, thoái vốn giai đoạn 2021-2025.
 
Thành phố kiến nghị nghị Chính phủ chỉ đạo tổng rà soát nguồn lực đất đai của các doanh nghiệp Trung ương trên địa bàn thành phố và xây dựng phương án sử dụng hợp lý, đúng pháp luật, tránh lãng phí, đặc biệt là việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất; bóc tách làm rõ diện tích đất phục vụ sản xuất kinh doanh và diện tích đất không còn nhu cầu sử dụng, sử dụng không hiệu quả; Đề xuất cho phép thí điểm cơ chế khoán lợi tức và thưởng khi có lợi tức vượt mức khoán cho doanh nghiệp nhà nước.
 
"Hà Nội cần có các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công do thành phố giữ 100% vốn điều lệ để phục vụ nhiệm vụ chính trị; vì thế trước mắt và lâu dài đề xuất không thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp này", từ đặc thù vị trí Thủ đô của cả nước, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh nêu.

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t