Thơ Đường về Thăng Long - Hà Nội (20:34 29/04/2015)


HNP - Nữ sĩ Ngân Giang, sinh năm 1916, tại phố Hàng Trống - Hà Nội. Suốt cuộc đời bà đã “sống, chết” cùng thơ trên mảnh đất Hà Thành. Thơ Ngân Giang gợi hồn dân tộc, khi phảng phất như ca dao, khi là những bài thơ Đường luật trang trọng uyên thâm nhưng vẫn thấm đẫm nhạc điệu tâm hồn Việt Nam. Đặc biệt những bài thơ Đường bà viết về Thăng Long - Hà Nội đã tiếp nối được cái tứ, cái tâm, cái hồn cao vời vợi của một Thăng Long văn hiến. Đó là các bài: Đền Ngọc Sơn, Chùa Trấn Quốc, Thăm Văn Miếu, Năm bài Bích Câu.

Đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc soi bóng xuống Hồ Gươm (Ảnh: Phương Anh)


Đền Ngọc Sơn hiện ra trong thơ Ngân Giang như một tồn tại vĩnh hằng trong vũ trụ với:
 
“Hoa cỏ thiên nhiên một cảnh trời
Hồ Gươm muôn thưở nước đầy vơi”.
 
Hồ Gươm được mở rộng cả không gian lẫn thời gian, nối liền quá khứ với hiện tại, trong bầu vũ trụ: trời nước, gió mây, cỏ cây, hương hoa, lá rơi, cành liễu… Ở đây, cuộc sống kinh thành Thăng Long vàng son nghìn năm trước chẳng phai mờ qua những cái tên: Hồ Gươm, cung Tả Vọng, Đài Nghiên, Tháp Bút, bóng Rùa Thần. Song chìm trong lớp ngôn từ tinh túy của bài thơ Đường luật chặt chẽ, nghiêm trang này là cả một thế giới cảm xúc của nhà thơ, nó trở nặng cái hồn Việt Nam trong nhạc điệu buồn chơi vơi mà âm điệu của các thanh “bằng”, “trắc” cao thấp, trầm bổng như những nốt nhạc: “đầy vơi”, “bay thoảng”, “thấp thoáng”, “rơi rơi” giữa mấy nhịp cầu cao liễu ngắn dài” trên cầu Thê Húc. Hồn thơ như sầu nhớ, tiếc nuối khôn nguôi, như muốn với theo cái đẹp cao sang của một thời mà không thể nào tới được.
 
Nhịp điệu chơi vơi ấy bay lên, cao rộng hơn ở bài Chùa Trấn Quốc, làm sống dậy không gian xưa, thời gian xưa đã mất:
 
Trông vời sóng bạc lô xô
Trấn Quốc hoa rơi ngát mái chùa
Thẳm lối thiền am dăm tượng Phật
Rợp đường võng lọng mấy triệu vua.
 
Toàn cảnh chùa Trấn Quốc (Ảnh: Phương Anh)
 
Nhà thơ nhớ tiếc thế giới xưa trong tình yêu đắm say, quằn quại mà chơi vơi… chơi vơi… chỉ biết hỏi mây hồng, nước biếc, hỏi hương sen Tây Hồ, hỏi tiếng chuông ngân nhạt nhòa mặt nước Hồ tây:
 
Mây hồng đâu thưở màu xiêm áo
Nước biếc còn đây vẻ nắng mưa
Ngan ngát Tây hồ sen bốn mặt
Chiều hôm chuông vọng tiếng ngàn xưa.
 
Và nhà thơ đã đớn đau. Đau thời gian đã mất. Đau không gian đã mất. Đau người xưa đã mất. Đau nỗi đau trần thế. Đau thế thái nhân tình nghìn năm rồi vẫn vậy. Đau cho thân phận mình qua tiếng gọi Tố Như khi Thăm Văn Miếu:
 
Văn Miếu tưng bừng nhạn ríu ran
Nửa hiên Lãm Thúy nửa gươm đàn
Thi hào ví biết tình Dân tộc
Thì ngọn Tiên Đường chẳng rửa oan
 
Song, không gian Văn Miếu trong thơ Ngân Giang như còn đầy ắp bóng người xưa với nhân, tâm, trí, dũng tỏa sáng đến bây giờ:
 
Túi đàn cặp sách nay còn đó
Nước biếc non xanh đã khác màu
Hiu hắt lá cây cùng ngọn cỏ
Một trời quan tái nhân đâu
 
Đi giữa thời gian, đi giữa không gian thơm ngát hồn kẻ sĩ Bắc Hà ngàn năm truyền lại, Ngân Giang nữ sĩ Hà Thành trở về với chính mình giữa lòng Hà Nội “không năm tháng” Thăng Long xưa, Hà Nội nay, vẫn đọng đầy sức sống, vượt qua bão táp, nắng mưa, để sống với những câu chuyện tình yêu bất tử. Nó có sức sống như âm thanh vĩnh hằng của vũ trụ truyền năm tháng để rồi lại thu về thành bản nhạc Chiều Xuân Hà Nội qua bài thơ Năm bài Bích câu của Ngân Giang:
 
Nhịp hát thanh bình lẩn gió mưa
Chiều xuân rẽ lối khách thăm chùa
Rượu nào để lấy thơ nào đấy
Ai thuở nay mà tiên thuở xưa
 
Khúc nhạc chiều xuân lặp đi lặp lại qua năm khổ thơ Đường thất ngôn, bát cú này xây nên một không gian huyền ảo của Kinh thành Thăng Long đượm màu huyền thoại. Không gian đó âm vang nhịp điệu của con người và vũ trụ, tan vào nhau:
 
Trầm tỏa hương bay hoa thấp thoáng
Đàn dâng phách giục trống mau thưa
Qua đây xuống bút mừng sông núi
Nhịp hát thanh bình lẩn gió mưa
 
Bích Câu đạo quán (Ảnh: Phương Anh)
 
Nhịp điệu thanh bình lẩn gió mưa này cưa trở đi trở lại xuyên suốt Năm bài Bích Câu tạo nên bản nhạc Chiều Xuân Hà Nội không bao giờ tắt nối hồn Hà Nội với hồn Thăng Long. Bản nhạc đó là sự giao thoa của vũ trụ và tâm linh trong nhịp khói trầm, hương bay, hoa thấp thoáng, trong nhịp gió mưa; trong tiếng đàn, tiếng phách, tiếng trống, trong hồi mõ, hồi chuông rộn rã khua, và trong nhịp điệu trái tim Ngân Giang rung lên nhiều cung bậc. Nhà thơ lúc thẫn thờ tưởng như mình đang uống rượu, đề thơ cùng ai đó. (Phật, Tiên hay người? Xưa nay vẫn thế thôi. Vẫn đau khổ, khóc, cười, vẫn đi tìm, mải miết tìm ánh sáng Chân - Thiện - Mỹ và đau đớn như lột xác trong cuộc đi tìm này. Nhà thơ thẩn thơ rẽ lối hoa, lạc bước mơ màng tìm rùa vàng, hạc trắng, tìm lại người xưa trong nghĩ suy vừa u hoài, vừa có sức bùng nổ:
 
Tú Uyên dẫu có tài văn học
Đạo lý xem ra thấy đáng ngờ.
 
Nữ sĩ Hà Nội hôm nay đi tìm người xưa trong bản nhạc bất tận chiều xuân với một nét buồn cao quý, với một cái nhìn đảo ngược không gian, thời gian để suy ngẫm về duyên kiếp con người với câu hỏi còn bỏ lửng:
 
Chuông rót đêm dài vào tịch mịch
Mõ dồn tiếng ngạc đến hư vô
Tranh xưa đâu dáng hình tiên nữ
Để lại duyên trần chuyện tóc tơ…
 
Bằng thể loại thơ Đường với “khí cốt” phong nhã, uyên thâm, cô đọng mà đa nghĩa, đa tầng, nữ sĩ Ngân Giang đã nối hồn mình với hồn Thăng Long vốn là nơi địa linh, nhân kiệt, có bề dày lịch sử nghìn năm, trải qua các biến cố và các cuộc thăng trầm, nhưng con người luôn đạt tới đỉnh cao của nhân cách mà biểu trưng là những kẻ sĩ Bắc hà “ngậm ngùi giọt máu ba trang sách” với những ông vua “tóc trắng… giang san… nát cõi lòng”.

Theo thanglonghanoi.gov.vn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t