Bắc thành thời Tây Sơn: Đời sống xã hội (20:28 29/04/2015)


HNP - Về mặt danh nghĩa, từ ngày 24/11 năm Mậu Thân (đầu năm 1789) sau khi lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu Quang Trung, triều đình Tây Sơn chính thức coi Phú Xuân (Huế) là kinh đô của đất nước.        

Gò Đống Đa nơi đây năm 1789 quân Tây Sơn đã đại phá và đánh thắng quân Thanh trong trận Ngọc Hồi - Đống Đa (Ảnh: Phương Anh)


Từ đây Thăng Long không giữ vai trò là Kinh đô, nên “Tây Sơn gọi là Bắc Thành” (Đại Nam nhất thống chí, tập III. Nxb KHXH, H. 197 1 , tr. 152). Theo lời đề nghị của Ngô Thì Nhậm, Quang Trung thực hiện chế độ phân phong cho các con trấn giữ những nơi trọng yếu. Quang Thùy được phong làm Khang công lĩnh chức Bắc Thành tiết chế thủy bộ chư quân. Bắc Thành bấy giờ gồm 7 nội trấn là Thanh Hóa ngoại (tức Ninh Bình sau này), Sơn Nam thượng, Sơn Nam hạ, Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương, Phụng Thiên và 6 ngoại trấn là: Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hưng Hóa, Thái Nguyên, Yên Quảng. Ly sở của Bắc Thành là Phụng Thiên tức kinh đô Thăng Long, do vậy Thăng Long từ đây có thêm tên gọi mới cũng là Bức Thành. (Theo Phương Đình địa dư).
 
Cũng theo Phương Đình địa dư “lúc Tây Sơn chiếm cứ (Thăng Long -TG) đã theo nền thành cũ đắp từ cửa Đông Hoa đến cửa Đại Hưng vòng quanh làm thành”. (Quyển 2, tr. 23a). Như vậy là triều Tây Sơn có tu bổ thành Thăng Long.
 
Triều Tây Sơn còn chú ý phát triển công thương nghiệp. Thăng Long đổi làm Bắc Thành, tuy không còn là kinh đô của cả nước, nhưng vẫn là một trung tâm kinh tế rất phát đạt. Cảnh tượng phồn thịnh của Bắc Thành - Thăng Long đã được Nguyễn Huy Lượng ghi lại những nét điển hình trong bài Tụng Tây Hồ phú nổi tiếng của mình. Ở đây, cảnh hoang tàn của những năm cuối thời Lê Mạt “buổi ấy cũng góp phần tang hải, sáu thu trời bao xiết nỗi hoang khô” đã đổi thay, để nhường chỗ cho những hoạt động công thương nghiệp nhộn nhịp. Thành Thăng Long xưa đã được sống lại với những hoạt động thủ công nghiệp như: Lò Thạch Khối khói tuôn nghi ngút...”, “Thoi oanh nọ ghẹo hai phường dệt gấm... lửa đóm ghen năm xã gây lò”, “Chày Yên Thái nện trong sương chểnh choảng, lưới Nghi Tàm ngăn ngọn nước quanh co...”. Và những hoạt động thương nghiệp như: “Khách Ngô Sở chợ Tây ngồi san sát...”, “Rập rình cuối bãi Đuôi Nheo, thuyền thương khách hãy chen buồm bươm bướm...”.
 
Đã nói đến Nguyễn Huy Lượng thì nói luôn đến nên văn học đời Tây Sơn ở Thăng Long. Ngoài những tác giả quê gốc ở ngoại vi Thăng Long như Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Huy Lượng còn nhiều tác giả khác tuy gốc quê các nơi nhưng đã có nhiều tác phẩm viết về đề tài Thăng Long thời đại này như Vô Huy Tấn, Đoàn Nguyễn Tuấn, Phan Huy Ích...
 
Trở lại vấn đề kinh tế, chính sách khuyến nông, phục hồi sản xuất nông nghiệp đương thời cũng nói lên sự quan tâm của Tây Sơn tới đời sống nông dân. Làng Vĩnh Ninh (nay thuộc xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì) vốn giữ được một đạo sắc đời Quang Trung (năm 1790) nội dung là miễn thuế và hoàn thuế cho làng Vĩnh Hưng Đặng và một đạo sắc đời Cảnh Thịnh (năm 1797) nội dung chỉ đạo việc sử dụng cống nước tưới ruộng của ba làng Vĩnh Hưng Đặng, Vĩnh Hưng Trung và Vĩnh Bảo.
 
Những tấm bia tiến sĩ trong Văn Miếu - Quốc tử giám (Ảnh: Internet)
 
Trong chính sách văn hóa, Quang Trung tỏ thái độ tôn trọng đối với các tín ngưỡng của nhân dân. Dân ở làng Văn Chương (khu vực quanh Văn Miếu, thuộc quận Đống Đa - Hà Nội) còn truyền rằng: Trong những biến loạn vào cuối thời Lê Mạt, những tấm bia tiến sĩ tại Văn Miếu bị lật đổ lung tung. Nhân dân địa phương nhờ nhà nho hiệu là Tam Nông cư sĩ (tên thật là Hà Năng Ngôn) làm một tờ sớ xin vua Quang Trung cho dựng lại. Quang Trung đã sai các quan ở Bắc Thành phải bỏ tiền công ra tu bổ Văn Miếu và dựng lại các bia tiến sĩ.
 
Đối với Phật giáo Ở Bắc Thành, Quang Trung không hạn chế nhưng đã chấn chỉnh. Nhà vua bắt tất cả bọn người côn đồ, lười biếng trốn tránh trong các chùa phải hoàn tục, trở về quê quán sản xuất. Những tăng nhân có đạo đức và thành tâm thờ Phật mới được phép ở lại chủ trì các chùa.
 
Đối với đạo Kitô, Quang Trung bãi bỏ chế độ cấm đạo của các triều vua trước và có thái độ rộng rãi đối với các giáo sĩ cũng như tín đồ ở Bắc Thành và trên cả nước.
 
Về việc bang giao với nhà Thanh, dưới thời Tây Sơn, Quang Trung lấy đất Bắc Thành - Thăng Long làm nơi tiếp kiến các viên sứ thần Trung Quốc. Mùa thu năm 1789, nhà Thanh lại sai viên Hậu bổ ở Quảng Tây là Thành Lâm sang phong Quang Trung làm An Nam quốc vương. Lễ tuyên phong này được tổ chức long trọng tại Bắc Thành.

Theo thanglonghanoi.gov.vn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t