Các đại biểu HĐND Thành phố đánh giá cao những nỗ lực vượt khó của Thành phố (08:16 02/07/2024)


HNP - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 17 HĐND Thành phố khóa XVI, chiều 1/7, thảo luận tại tổ, các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội đánh giá cao những nỗ lực vượt khó của Thành phố để đạt được những kết quả cao trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội.

Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn thảo luận tại Tổ 1


Phát biểu thảo luận tổ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (Tổ đại biểu huyện Chương Mỹ) đánh giá, 6 tháng đầu năm 2024, Thành phố rất nỗ lực, cố gắng để vượt qua những khó khăn. Tăng trưởng kinh tế của Thành phố đạt được 6% so với kế hoạch cả năm đặt ra là 6,5% đến 7%. Về thu ngân sách Thành phố đạt kết quả khá cao, so với dự toán đạt 61,7% và tăng 12,5% so với cùng kỳ.
 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho biết, Hà Nội đang tập trung triển khai dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và các dự án vành đai, dự án trọng điểm khác, tuy nhiên, hiện nay việc hoàn thiện bước cuối cùng của các dự án đường vành đai gặp nhiều khó khăn về giải phóng mặt bằng, về tái định cư, về cơ chế bồi thường đối với người dân.
 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu thảo luận tại tổ
 
Theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội, đối với các quận, không còn tái định cư bằng đất, chỉ có tái định cư bằng nhà, nhưng quỹ nhà ở hiện nay xét thấy không tương thích với nơi ở cũ của người dân, cũng rất khó vận động người dân di dời hoàn trả mặt bằng. Vì vậy, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy kiến nghị với UBND Thành phố sớm sửa đổi quyết định về cơ chế đền bù tái định cư để giải quyết vấn đề này.
 
Ngoài ra, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng chỉ rõ một số vấn đề cần làm rõ nguyên nhân như thu ngân sách từ đất còn khó khăn; hoạt động của doanh nghiệp còn khó khăn khi tỷ lệ doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng; giải ngân vốn đầu tư công của Hà Nội rất chậm; triển khai công tác tái định cư, xây dựng nhà ở xã hội chậm…
 
Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, để đạt được tăng trưởng theo kịch bản đã đặt ra, cần phải có giải pháp để đạt được mục tiêu. Giải ngân vốn đầu tư công cũng cần phải có các giải pháp tăng tỷ lệ khi hiện nay Thành phố đã thực hiện phân cấp, ủy quyền.
 
Đại biểu Trần Khánh Hưng (Tổ Ba Vì) cho rằng, năm 2024 là năm tăng tốc để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả nhiệm kỳ. Do đó, cần có giải pháp quyết liệt khi Thành phố mới chỉ giao được 57% kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025, trong đó mới giải ngân được 77,2% số vốn được giao.
 
Đại biểu Nguyễn Bích Thủy (Tổ Cầu Giấy) đánh giá cao 6 tháng qua, Thành phố đã tổ chức nhiều hội nghị đối thoại, lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, tình hình doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, do đó, đề nghị Thành phố cần đánh giá nguyên nhân, có kế hoạch cụ thể tháo gỡ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh thời gian tới.
 
Đại biểu Nguyễn Ngọc Việt trao đổi thảo luận
 
Để đạt được mục tiêu tăng của cả năm, theo đại biểu Nguyễn Minh Đức (Tổ Hoàng Mai), từ nay đến cuối năm 2024, cần xem các chính sách đã đi vào cuộc sống hay chưa, đặc biệt là các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư của Thành phố. Môi trường đầu tư kinh doanh vừa qua của Hà Nội có nhiều ảnh hưởng do biến động của thế giới. Bối cảnh này cần tiếp tục đẩy mạnh hội nghị xúc tiến đầu tư, tạo sức hút cho doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào Thành phố.
 
Trước hiện trạng đầu tư công gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính, đại biểu Trần Đức Hoạt (Tổ Hoàng Mai) cho rằng, cần chủ động kiến nghị, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là trong giai đoạn hiện nay đang khuyến khích cán bộ “dám nghĩ, dám làm”. Cùng với đó, đại biểu mong muốn tăng cường giải quyết các kiến nghị cử tri hơn nữa.
 
Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua cũng là nội dung nhận được nhiều ý kiến thảo luận. Đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng, sau khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, cán bộ, đảng viên và nhân dân phấn khởi, đánh giá cao việc Hà Nội đã chủ động xây dựng Luật, Luật được Quốc hội thông qua với tỷ lệ đồng thuận cao. Với các quy định phân cấp, phân quyền "mạnh", đây là cơ sở pháp lý để cho Hà Nội thực hiện thuận lợi các nhiệm vụ.
 
Đại biểu Nguyễn Ngọc Việt (Tổ Mỹ Đức) nêu, dù Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, nhưng ngay bây giờ, Thành phố cần có đề án tổng thể, tranh thủ nguồn lực về cơ chế, chính sách để khi có hiệu lực, các chính sách ngay lập tức đi vào cuộc sống.
 
Khẳng định, Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho Thủ đô phát triển, nhưng đại biểu Nguyễn Đình Hưng (Tổ Mê Linh) cũng cho rằng, bên cạnh cơ hội là thách thức lớn. Theo đại biểu, công tác truyền thông về Luật cần thực hiện mạnh mẽ hơn để người dân Thủ đô hiểu và ủng hộ các cấp chính quyền trong triển khai thi hành Luật sau này.

Lê Hải


Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         L?y l?i m� b?o m?t