2 năm thực hiện phân cấp về hạ tầng, kinh tế-xã hội: Tiếp tục tháo gỡ khó khăn (15:39 15/01/2019)


HNP - Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 08/2016/NQ-HĐND của HĐND thành phố Hà Nội về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố, đến nay, chất lượng phục vụ công ích đô thị trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến, tạo diện mạo mới về môi trường, cảnh quan đô thị… Song theo khảo sát của HĐND thành phố, vẫn còn một số lĩnh vực còn bất cập, cần tháo gỡ.

Đô thị đã khang trang

Thực hiện Nghị quyết của HĐND thành phố về phân cấp, ngoài ban hành Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế-xã hội, UBND thành phố còn ban hành 9 quyết định phê duyệt danh mục các công trình phân cấp theo ngành, lĩnh vực làm căn cứ cho các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tổ chức tiếp nhận bàn giao để quản lý theo phân cấp.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản, việc phân cấp quản lý đã quy định rõ vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của các cấp trong bộ máy chính quyền địa phương, trong đó, đã tăng cường quyền hạn, trách nhiệm, tính tích cực và chủ động cho cơ sở, bảo đảm việc quản lý thống nhất, xuyên suốt của các cấp. Đặc biệt, các nội dung phân cấp phù hợp với quy định của pháp luật, có tính kế thừa, khắc phục một số nhược điểm, hạn chế trong quy định phân cấp giai đoạn 2011-2015. Trong quá trình triển khai thực hiện, UBND thành phố cũng tổ chức các cuộc họp định kỳ, hoặc đột xuất để nghe các sở, ngành, quận, huyện báo cáo tình hình triển khai thực hiện các nội dung phân cấp; đồng thời chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp và các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công ích. Qua đó, đã kịp thời khắc phục những sự cố xảy ra về môi trường, cây xanh, chiếu sáng, thoát nước.

Đến nay, sau 2 năm thực hiện, bộ mặt đô thị trên địa bàn các quận, huyện, thị xã đều có sự thay đổi rõ nét. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật-xã hội của các cấp được đầu tư nâng cấp, đáp ứng nhu cầu đời sống dân sinh và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đặc biệt, các lĩnh vực chiếu sáng công cộng, công viên, vườn hoa, cây xanh, thảm cỏ, thoát nước đô thị, xử lý nước thải, vệ sinh môi trường, nước sạch có nhiều chuyển biến.

Trong đó, nổi bật nhất về quản lý thoát nước đô thị và xử lý nước thải, thành phố đã lắp đặt, đưa vào vận hành trạm quan trắc nước tự động, di động tại Hồ Tây, giám sát chặt chẽ mực nước trong cống Xuân Mai Thưởng và mực nước Hồ Tây; đã lắp đặt xong trạm quan trắc nước mặt tự động hồ Hoàn Kiếm, đang vận hành phục vụ công tác đánh giá, dự báo ô nhiễm môi trường nước hồ, để đưa ra các giải pháp xử lý kịp thời.

Về lĩnh vực thủy lợi, đến nay, đã có 17/22 đơn vị hoàn thành công tác bàn giao toàn bộ công trình trên địa bàn cho các doanh nghiệp thủy lợi trực thuộc thành phố quản lý. Sau khi tiếp nhận, các doanh nghiệp thủy lợi đã bước đầu rà soát, loại bỏ những công trình cũ nát, không phù hợp quy hoạch, khai thác thống nhất theo hệ thống từ công trình đầu mối đến công trình thủy lợi nội đồng.

Khó khăn vẫn còn

Trưởng Ban Đô thị HĐND thành phố Nguyễn Nguyên Quân cho biết, thực tiễn phân cấp một số lĩnh vực về hạ tầng và kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố có chuyển biến tích cực, song cũng còn nhiều trở ngại. Nhất là lĩnh vực thủy lợi, do các công trình được UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng khai thác từ lâu, sau nhiều lần cải tạo sửa chữa hồ sơ lưu trữ không đầy đủ, dẫn đến việc xác định thông số kỹ thuật, giá trị tài sản công trình rất khó khăn. Cũng vì lý do trên, đến nay một số địa phương chưa thực hiện bàn giao xong các trạm bơm, hệ thống điện, kênh mương do chưa đánh giá được giá trị tài sản, việc hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình do hợp tác xã vay vốn, người dân đóng góp xây dựng. Bên cạnh đó, do số lượng công trình tiếp nhận lớn, nên các doanh nghiệp thủy lợi khó khăn trong việc sắp xếp, bố trí nhân lực phục vụ quản lý, khai thác toàn bộ hệ thống, nên vệc bảo đảm phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp có nơi còn chưa kịp thời. Cùng với lĩnh vực thủy lợi, thì lĩnh vực đê điều cũng còn bấp cập. Vì theo phân cấp, cấp huyện quản lý đê cấp IV, V, nhưng ngân sách một số huyện có đê như ở Mỹ Đức, Chương Mỹ, Mê Linh… thực sự khó khăn trong việc đầu tư, cải tạo, nâng cấp tuyến đê thuộc địa bàn quản lý.

Ngoài ra, đối với lĩnh vực chiếu sáng, việc thay thế bóng đèn hỏng hóc của một số nơi tại các quận, huyện: Thanh Xuân, Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Hoài Đức, Quốc Oai chậm trễ, do trình tự thủ tục, gây bức xúc trong nhân dân.

Để tháo gỡ những khó khăn, bất cập trên, cuối năm 2018, UBND thành phố đã chỉ đạo sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quý 1/2019, tham mưu cho UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo khắc phục hạn chế trong thực hiện phân cấp lĩnh vực thủy lợi, đê điều. Đối với công trình thủy lợi mà việc khai thác liên quan 2 tỉnh trở lên và các công trình thủy lợi lớn, vừa và nhỏ, cấp thành phố thống nhất đầu tư, quản lý sau đầu tư, giao các công ty thủy lợi của thành phố vận hành khai thác. Đối với công trình thủy lợi nội đồng, thành phố cho phép các công ty thủy lợi ký hợp đồng với các tổ chức thủy lợi cơ sở (hợp tác xã, tổ hợp tác) thực hiện quản lý, khai thác. Theo đó, các tổ chức thủy lợi cơ sở có trách nhiệm xây dựng chi phí quản lý, vận hành thông qua hội nghị xã viên; tổ chức thu và sử dụng kinh phí dịch vụ thủy lợi nội đồng theo đúng quy định.

Về khắc phục hiện tượng chưa xử lý kịp thời thay thế các bóng đèn bị cháy, nắp hố ga bị vỡ, mất nắp, UBND thành phố đã giao Sở Xây dựng tổ chức cuộc họp với UBND các quận, huyện, thị xã, đơn vị quản lý hệ thống thoát nước, chiếu sáng công cộng sau đấu thầu để thống nhất quy trình quản lý vận hành hệ thống; xây dựng cơ chế phối hợp xử lý sự cố, đồng thời, cung cấp số điện thoại đường dây nóng để phản ánh khi có sự cố trên địa bàn các địa phương.


Hà Vy


Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         L?y l?i m� b?o m?t