Ứng phó biến đổi khí hậu ở Hà Nội: Hành động cụ thể, thiết thực (12:15 08/08/2019)


HNP - Nâng cao năng lực dự báo, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó và thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu để giảm nhẹ các thiệt hại do thiên tai gây ra. Cùng với đó, lồng ghép các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đây là những hành động cụ thể, thiết thực của thành phố Hà Nội trong thực hiện các điều ước quốc tế về biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu ngày càng biểu hiện rõ nét

Theo thống kê, dân số tại Hà Nội đã lên tới trên 7,7 triệu người, trong đó, dân số đô thị chiếm trên 40%. Toàn địa bàn Thành phố có 17 khu công nghiệp, khoảng 1.350 làng nghề và có nghề, khoảng 5,3 triệu xe gắn máy và 560.000 ô tô các loại. Trung bình mỗi ngày, trên địa bàn thành phố tiêu thụ ước tính khoảng 38 triệu kwh điện và hàng triệu lít xăng dầu... Ngoài ra, các hoạt động trong sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải là nguồn phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu.

Song song với quá trình phát triển kinh tế một cách nhanh chóng và mạnh mẽ, thành phố Hà Nội cũng đang phải hứng chịu những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu gây ra với tần suất ngày càng nhiều, các hiện tượng thời tiết cực đoan có xu hướng ngày càng gia tăng như: Nắng nóng kéo dài, rét đậm rét hại, mưa lớn, lũ lụt, hạn hán... Việc quy hoạch phát triển thành phố còn chưa đồng bộ, thiếu lồng ghép các giải pháp giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu trong phát triển kinh tế. Sự hạn chế trong nhận thức của cộng đồng dân cư về những tác hại do biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến đời sống... đã và đang là những thách thức không nhỏ đối với thành phố Hà Nội.

Kết quả theo dõi cho thấy: Trong vòng 60 năm qua, các đợt lũ lụt xảy ra tại Hà Nội trở nên thường xuyên hơn với tần suất 5-7 năm/lần. Điển hình là trận mưa to bất thường vào cuối tháng 10/2008, mực nước của các sông đang lên mức báo động 3, nước ở các hồ chứa cũng vượt quá mức lũ thiết kế. Mưa lớn đã gây ngập úng trên diện rộng và làm thiệt hại gần 55.000ha hoa màu vụ Đông, gần 100.000 hộ dân bị ảnh hưởng. Mới đây, năm 2018, trên địa bàn thành phố chịu ảnh hưởng của 7 đợt nắng nóng gay gắt, 15 đợt mưa trên diện rộng và 8 đợt không khí lạnh. Đặc biệt, từ ngày 13/7 đến 22/7/2018, xảy ra đợt mưa lớn phổ biến 250-300mm, có nơi trên 409mm… đã gây ngập úng nặng, làm thiệt hại nghiêm trọng về tài sản của nhà nước và nhân dân. Trong đó, huyện Chương Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nề khiến 3 người bị chết, 2 người bị thương, hơn 3.000 hộ dân bị ảnh hưởng, hơn 5.000ha lúa, gần 2.000ha rau màu bị thiệt hại, hơn 12.000 con gia súc, gia cầm bị chết hoặc lũ cuốn trôi, gần 2.000ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định, biến đổi khí hậu diễn ra trên địa bàn thành phố Hà Nội từ lâu đã không còn là câu chuyện xa vời, khi hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều và ngày càng khắc nghiệt. Minh chứng rõ nhất, từ đầu năm đến nay, hình thái thời tiết xuất hiện những yếu tố cực đoan, có thời điểm đang xảy nắng nóng gay gắt chuyển ngay sang thời tiết giá lạnh, sương mù. Thời gian gần đây, thời tiết nắng nóng gay gắt liên tục kéo dài, có thời điểm trên 40 độ C và xảy ra mưa lớn cục bộ ở một số khu vực, gây ngập úng, nhất là khu vực nội thành mấy ngày vừa qua…

Chủ động ứng phó

Để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thành phố đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp ứng phó. Trong đó, cùng với việc nâng cao năng lực dự báo, chủ động phòng, chống thiên tai nhằm giảm nhẹ các thiệt hại do thiên tai gây ra, thành phố đã lồng ghép các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội. Hà Nội cũng đã thực hiện việc kiểm kê khí nhà kính, trong đó tập trung vào 2 lĩnh vực chất thải và năng lượng. Nhờ vậy, đã giảm mức phát thải khí nhà kính, hoàn thành mục tiêu từ 8-10% trên đơn vị GDP so với năm 2010.

Cùng với đó, thành phố Hà Nội cũng đã xây dựng 5 nhóm giải pháp khắc phục ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trong đó, phân cấp trách nhiệm của các sở, ban, ngành, quận, huyện, xã phường, thị trấn nhằm chủ động quản lý, thực hiện và giám sát các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường năng lực về quản lý rủi ro thiên tai ở tất cả các cấp và chuẩn bị ứng phó trong trường hợp khẩn cấp; xây dựng cơ chế phối hợp và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa các cấp, các ngành để tăng cường sự phối hợp trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu…

Về các giải pháp quản lý môi trường bền vững, thành phố đã hoàn thành việc xử lý ô nhiễm 25/25 cơ sở theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ; thu gom và xử lý 90% chất thải nguy hại, 100% chất thải y tế; tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị của 12 quận và thị xã Sơn Tây đạt 98%, của 17 huyện ngoại thành đạt 89%... Đặc biệt, thành phố đã thực hiện tốt các điều ước quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu mà Việt Nam là thành viên. Theo đó, UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối, tổ chức theo dõi, báo cáo đánh giá quá trình thực hiện; đồng thời là cơ quan đầu mối điều phối các hoạt động trong khuôn khổ nhóm tham gia mạng lưới tổ chức các thành phố dẫn đầu về sáng kiến khí hậu (C40). Còn các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan phối hợp thực hiện các nhiệm vụ. Thông qua việc này, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền cụ thể, thiết thực để nâng cao nhận thức của cộng đồng về ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu, trong đó, có những chương trình được Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá cao, như: Hạn chế đốt rơm rạ, sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý rơm rạ sau thu hoạch; hạn chế sử dụng than và bếp than tổ ong…

Ông Lê Tuấn Định cho biết, trong khuôn khổ C40, hiện nay, các sở, ngành thành phố đang tiếp tục rà soát kết quả kiểm kê các nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí và lượng khí thải phát sinh, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về hiện trạng chất lượng không khí; tuyên truyền, huy động sự tham gia của cộng đồng trong công tác cải thiện chất lượng không khí nói riêng, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu nói chung; tổ chức tham vấn cộng đồng, tạo kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc đề xuất các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện chất lượng không khí, môi trường trên địa bàn thành phố…


H. Hải


Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         L?y l?i m� b?o m?t