Không chủ quan, lơ là với bệnh dịch tả lợn châu Phi (21:53 29/04/2019)


HNP - Diễn biến bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thành phố vẫn phức tạp. Bệnh dịch này tiếp tục phát sinh tại một số địa phương, trong khi chưa có vắc xin phòng bệnh. Trước thực trạng này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã không chủ quan, lơ là mà tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp ứng phó với bệnh dịch tả lợn châu Phi, nhất là dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.

Tỷ lệ lợn mắc bệnh, tiêu hủy chiếm 1,07% tổng đàn

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, bệnh dịch tả lợn Châu Phi xảy ra đầu tiên trên địa bàn thành phố vào ngày 24/2/2019, tại quận Long Biên. Mặc dù đã được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các giải pháp, song do thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp, trong khi nhiều tỉnh, thành phố giáp với Hà Nội đã xảy ra dịch bệnh, hơn nữa bệnh dịch này chưa có vắc xin phòng bệnh nên dịch bệnh có chiều hướng lây lan nhanh trên diện rộng. Đến nay, bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn thành phố xảy ra tại 178 xã, phường thuộc 22 quận, huyện, làm mắc bệnh và tiêu hủy 31.806 con lợn. Tỷ lệ hộ gia đình có lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi chiếm 2,76% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi; còn tỷ lệ lợn mắc bệnh, tiêu hủy chiếm 1,07% tổng đàn lợn toàn thành phố.

Qua kiểm tra thực tế, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn thành phố chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ (chỉ có 6 hộ có số lượng từ 200 - 400 con lợn). Hiện tại, các hộ chăn nuôi quy mô lớn, các trang trại, gia trại nuôi từ 500 con trở lên do làm tốt công tác an toàn sinh học trong chăn nuôi nên chưa xảy ra dịch bệnh.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, nguyên nhân dịch bệnh có chiều hướng lây lan nhanh, nhất là từ ngày 10/4 trở lại đây, chủ yếu do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa thực hiện tốt công tác phòng bệnh theo phương pháp an toàn sinh học. Do các hộ sử dụng thức ăn tận dụng, thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt, mua thịt lợn từ các chợ truyền thống không rõ nguồn gốc. Mặt khác, do thói quen người chăn nuôi nhỏ lẻ thường hay đi thăm hỏi nhau, ở nhà có dịch sang nhà không có dịch. Người kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thương lái, phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ở một số số nơi dịch bệnh lây lan là do chính lực lượng trực tiếp đi tiêu hủy lợn, do lợn đực giống không được quản lý tốt… cũng là nguyên nhân phát sinh bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Phòng bệnh là chính

Dự báo thời gian tới diễn biến bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn phức tạp, nguy cơ lây lan trên diện rộng là rất lớn, kể cả ở các hộ chăn nuôi quy mô lớn, các trang trại, gia trại. Để sớm khống chế, ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Đăng đề nghị các quận, huyện, thị xã: Tập trung làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền về “5 không”, “4 tại chỗ” trong ứng phó, phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi; đồng thời tuyên truyền để người chăn nuôi làm tốt việc chăn nuôi an toàn sinh học. Cụ thể: Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hỗ trợ thuốc sát trùng để các hộ chủ động phun phòng ngay từ chuồng nuôi, thực hiện tốt vệ sinh khử trùng tiêu độc, dùng bạt hoặc lưới quây kín chuồng nuôi ngăn chặn vật chủ trung gian (chó, mèo, gà, ruồi, muỗi, chim,...) mang trùng từ nơi này sang nơi khác và phun thuốc sát trùng thường xuyên. Không sử dụng thức ăn thừa ở nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể, cửa hàng ăn cho chăn nuôi.

Khuyến cáo người chăn nuôi hạn chế thấp nhất việc qua lại thăm nhau khi các gia đình đang xảy ra dịch. Khi mua thịt về sử dụng cần mua ở những nơi có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nước rửa thịt lợn hoặc sản phẩm động vật cần được xử lý ngăn chặn mầm bệnh lây nhiễm.

Đối với hộ chăn nuôi quy mô lớn, các trang trại, gia trại, ông Nguyễn Huy Đăng khuyến nghị tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt chăn nuôi an toàn sinh học; đồng thời, quản lý chặt chẽ việc vận chuyển lưu thông, thực hiện tốt việc khử trùng tiêu độc phương tiện, dụng cụ trang thiết bị chuồng nuôi khi ra vào trại. Chủ động sử dụng thịt lợn ngay tại trại, trang trại, không nên mua từ nơi khác về sử dụng. Với lợn thương phẩm cần xuất bán sớm để giảm mật độ đàn, hạn chế nguy cơ lây nhiễm.

Đặc biệt, các địa phương phải quản lý chặt chẽ việc sử dụng thức ăn dư thừa tại các khách sạn, nhà hàng, bếp ăn tập thể, các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể sử dụng thùng chứa thức ăn thừa phải đảm bảo có nắp đậy và được vệ sinh tiêu độc diệt ruồi, diệt muỗi. Công tác quản lý giết mổ, các cơ sở giết mổ phải được kiểm soát của cơ quan Thú y; các chợ, cửa hàng bán thịt lợn phải rõ nguồn gốc, phải có dấu kiểm soát giết mổ, tuyệt đối không được bán thịt lợn không rõ nguồn gốc và không có dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan Thú y đóng trên thân thịt lợn.

Đi đôi với thực hiện các giải pháp trên, các địa phương trên địa bàn thành phố tiếp tục thực hiện tổng tẩy uế môi trường; tăng cường sử dụng các loại thuốc diệt ruồi, muỗi, côn trùng để ngăn chặn mầm bệnh lây lan từ nhà này sang nhà khác từ nơi này qua nơi khác. Đặc biệt, phải xử lý môi trường các nơi công cộng, bãi rác thải, khu vực kênh mương có nước thải tồn đọng. Sử dụng vôi bột để xử lý hệ thống cống rãnh, nơi thoát nước thải, nên sử dụng bao vôi đặt tại các hệ thống cống rãnh để nước thải chảy qua nhằm ngăn chặn mầm bệnh, vôi bột rắc quanh chuồng trại chăn nuôi.

Các nơi đã xảy ra bệnh dịch tả lợn Châu Phi, phải thực hiện tốt việc tiêu hủy đúng quy trình theo hướng dẫn của cơ quan thú y, hạn chế người dân đến xem, đến chơi. Những nơi không thực hiện được tiêu hủy tại chỗ, chuẩn bị tốt địa điểm tiêu hủy, đồng thời, bố trí lực lượng phù hợp, phương tiện vận chuyển đầy đủ để di chuyển lợn đến nơi tiêu hủy không để lây lan sang hộ xung quanh. Thường xuyên kiểm tra các hố tiêu hủy gia súc, kịp thời xử lý các hố bị sụt, lún, súc vật đào bới làm phát sinh dịch bệnh…


Minh Huệ


Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         L?y l?i m� b?o m?t