Nỗ lực xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh (17:17 26/10/2017)


HNP - Chương trình 04-CTr/TU về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” được xem là chương trình có độ bao phủ rộng không chỉ về mặt văn hóa mà còn ở những lĩnh vực xã hội khác về giáo dục - đào tạo, lao động việc làm, chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý nhất đã đạt được trong suốt 1 năm thực hiện chương trình (giai đoạn 2016 - 2020) phải kể đến công tác xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. 

Tăng cường quản lý lễ hội


Trải qua nhiều giai đoạn thực hiện Chương trình 04, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang luôn là điểm sáng và được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Trong những năm qua, đa số cán bộ, đảng viên, đoàn viên, cán bộ công chức, viên chức đã gương mẫu chấp hành những quy định của Nhà nước, quy ước của địa phương, tổ chức về nền nếp sống văn minh, chống xa hoa, lãng phí, vụ lợi trong việc tổ chức đám cưới. Một số đơn vị tổ chức thực hiện tốt trong việc cưới văn minh phải kể đến các quận: Ba Đình đạt tỷ lệ 99,3%, Long Biên đạt tỷ lệ 98%; huyện Mỹ Đức tỷ lệ 95%, Chương Mỹ tỷ lệ 92,03%, Ba Vì tỷ lệ 74,8%; thị xã Sơn Tây đạt tỷ lệ gần 94%... Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố khuyến khích các cơ sở hội xây dựng mô hình Chi hội phụ nữ văn minh, qua đó, đã vận động hơn 32 nghìn đám cưới tiết kiệm. Thành Ðoàn Hà Nội vận động các đoàn viên thực hiện, đồng thời, trực tiếp đứng ra tổ chức nhiều đám cưới văn minh, không cỗ bàn linh đình cho đoàn viên trẻ tuổi.
 
Trong thực hiện việc tang văn minh, các địa phương, đơn vị đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân tiếp tục thực hiện hiện một cách nghiêm túc với vai trò tiên phong của cán bộ, đảng viên. Tỷ lệ các hộ gia đình đăng ký hỏa táng cho người thân tăng lên, toàn Thành phố ước đạt tỷ lệ 55%. Qua đó, đã góp phần nâng cao chất lượng phòng trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên toàn Thành phố. Các đơn vị tiêu biểu trong công tác thực hiện tang văn minh phải kể đến: huyện Đông Anh, quận Đống Đa, quận Hoàn Kiếm, quận Ba Đình… Trong công tác quản lý lễ hội, Hà Nội hiện có trên 1.000 lễ hội diễn ra hàng năm, hầu hết đều là loại hình lễ hội dân gian truyền thống. Do đó, công tác quản lý và tổ chức lễ hội luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành chức năng Thành phố quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt…
 
Sau khi ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan TP Hà Nội, Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội, đến nay, các cơ quan, đơn vị và các địa phương hầu hết đã triển khai và bước đầu có hiệu ứng tích cực. Theo đó, các quận, huyện, sở, ngành đều đã vào cuộc một cách nghiêm túc. Tại quận Hai Bà Trưng, toàn bộ cán bộ, công chức, người lao động trong các cơ quan trực thuộc đã ký cam kết thực hiện. Huyện Mê Linh đã in hàng chục nghìn tài liệu, phổ biến trong toàn bộ đội ngũ cán bộ, công chức, phát tài liệu đến từng hộ dân. Quận Thanh Xuân đã cho in và treo Quy tắc ứng xử tại toàn bộ trụ sở cơ quan trên địa bàn để mọi người cùng thực hiện…
 
Từ khi triển khai Quy tắc ứng xử, thái độ làm việc của hầu hết cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trực thuộc các cơ quan của Thành phố đều có biến chuyển, nhất là với những cán bộ thường tiếp xúc với người dân. TP Hà Nội đang tập trung vào thực hiện Quy tắc ứng xử đối với cán bộ, công chức; từ đó, cán bộ, đảng viên sẽ thực hiện tốt để người dân noi theo. Theo ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, để Quy tắc ứng xử đi vào cuộc sống, cần triển khai quyết liệt, liên tục; trong đó, cuối năm cần gắn với bình xét thi đua của cán bộ, công chức, gia đình văn hóa. 
 
Năm học 2017 - 2018 là năm học thứ 7, ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai dạy đại trà bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch văn minh” cho học sinh từ tiểu học, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp - thường xuyên. Qua đó, nhiều học sinh đã có những thay đổi trong nhận thức về lối sống, ứng xử, giao tiếp… góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức. Đại bộ phận giáo viên được phân công giảng dạy đều ý thức về vai trò của mình trong việc nêu gương về nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh. Từ đó trau dồi thêm hiểu biết về văn hóa người Hà Nội, điều chỉnh ứng xử trong nhà trường để thể hiện tinh thần, cốt cách thanh lịch, văn minh…
 
Có thể nói, trong quá trình thực hiện công tác xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, các sở, ban, ngành đã có sự vận dụng sáng tạo và đề ra biện pháp cụ thể phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị mình. Các đơn vị đã thực hiện một cách toàn diện có trọng tâm, trọng điểm nhằm hoàn thành nhiệm vụ được giao… Thời gian tới, Thành phố tiếp tục chỉ đạo các đơn vị triển khai có hiệu quả góp phần hoàn thành đúng chỉ tiêu thực hiện Chương trình 04-CTr/TU trong giai đoạn 2016 - 2020.

Quỳnh Anh


Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         L?y l?i m� b?o m?t