Hà Nội: Nhiều chuyển biến trong bình đẳng giới (21:26 03/01/2017)


HNP - Sau 5 năm nỗ lực thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, công tác bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ của Hà Nội có nhiều tiến bộ. Đến nay, không chỉ năng lực quản lý nhà nước được tăng cường mà nhận thức của cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân về công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ tiếp tục được nâng lên. Tỷ lệ phụ nữ tham gia hoạt động trên các lĩnh vực như: lao động, việc làm, kinh tế, giáo dục, y tế… ngày càng cao góp phần kéo giảm tình trạng bất bình đẳng giới.

Giảm tình trạng bất bình đẳng giới

Trong những năm qua, thành phố có nhiều cố gắng trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Nhận thức và trách nhiệm của các cấp về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ được nâng lên rõ rệt. Các chỉ tiêu thuộc Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới được thực hiện có hiệu quả. Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và gia đình luôn được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm, tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động. Một trong những minh chứng rõ nét là ngày càng có nhiều phụ nữ nắm giữ cương vị quan trọng trong xã hội, thực hiện vai trò lãnh đạo các cấp từ thành phố đến cơ sở và đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực. Từ năm 2011 đến nay, toàn thành phố đã điều động, đề bạt, giới thiệu ứng cử đối với 83 cán bộ nữ giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý, chủ chốt trong các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội; luân chuyển 11 cán bộ nữ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý. Qua tổng kết đại hội đảng bộ cấp cơ sở nhiệm kỳ 2015- 2020, số lượng cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ cấp cơ sở là 4.139 đồng chí, đạt 22,1% so với tổng số cấp ủy viên, vượt chỉ tiêu tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2015-2020 đạt từ 20% trở lên theo kế hoạch của UBND thành phố về triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020.

Nhìn chung việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về bình đẳng giới trên địa bàn thành phố đều đạt và vượt kế hoạch đề ra trong đó nhiều lĩnh vực như: lao động việc làm, xoá đói giảm nghèo, y tế, giáo dục đã vượt so với kế hoạch. Trong 5 năm, có 694.950 lao động được tạo việc làm, trong đó, lao động nữ được giới thiệu tạo việc làm chiếm 42%. Ngoài ra, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn thành phố đã tuyển sinh và đào tạo nghề cho 130.068 lao động nông thôn, trong đó, số lao động nữ nông thôn được đào tạo nghề là 83.417 người, chiếm trên 60%. Các quận, huyện có tỷ lệ phụ nữ được đào tạo nghề cao như: Tây Hồ, Đan Phượng, Nam Từ Liêm, Ba Đình, Sóc Sơn, Hà Đông, Quốc Oai… Các cấp Hội phụ nữ đã giúp 14.393 hộ thoát nghèo và có cuộc sống ổn định. Hiện nay, toàn thành phố có 26 câu lạc bộ doanh nghiệp nữ cấp thành phố và quận, huyện, 63 câu lạc bộ cấp cơ sở với tổng số 3.056 thành viên.

Công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng ngày càng được nâng cao, góp phần cải thiện tình trạng sức khỏe của phụ nữ, nam giới và trẻ em. Các trạm y tế tuyến xã và bệnh viện tuyến huyện được đầu tư, nâng cấp, xây mới, tạo điều kiện cho người dân, trong đó, nữ giới được tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình được các cấp, ngành, địa phương tuyên truyền dưới nhiều hình thức, cách tiếp nhận của người dân cũng dễ dàng và hiệu quả hơn; các vụ bạo lực gia đình giảm…

Nâng cao vị thế phụ nữ

Tuy đạt được nhiều kết quả thiết thực, song công tác bình đẳng giới cũng gặp một số khó khăn như: Trình độ, năng lực của một bộ phận lao động nữ còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ đổi mới đất nước. Một số cấp ủy Đảng, các cơ quan, đơn vị chưa thật sự quan tâm đến công tác cán bộ nữ; tỷ lệ cán bộ phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý còn thấp. Việc thực hiện lồng ghép các chỉ tiêu, mục tiêu giới vào chương trình, kế hoạch hoạt động hằng năm của địa phương, đơn vị còn chưa được chú trọng. Kinh phí đầu tư cho công tác bình đẳng giới ở nhiều đơn vị chưa được quan tâm đầu tư. Cán bộ làm công tác bình đẳng giới các cấp còn kiêm nhiệm, chưa được đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ, thường xuyên biến động vì vậy chất lượng tham mưu thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bình đẳng giới tại cơ sở còn hạn chế, đặc biệt là ở cấp xã.

Để khắc phục hạn chế trên, đi đôi với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn về bình đẳng giới; xây dựng những giải pháp chiến lược để nâng cao chất lượng cán bộ nữ; bảo đảm bình đẳng giới trong đời sống gia đình và trong việc tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; tăng cường đầu tư kinh phí cho các hoạt động của công tác bình đẳng giới ở các cấp, các ngành… thì một trong những nhiệm vụ cần ưu tiên là nâng cao vị thế của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của cuộc sống thông qua tăng cường sự tham gia lãnh đạo và quản lý của phụ nữ; thực hiện bình đẳng giữa nam và nữ; lồng ghép cơ chế, chính sách cụ thể về độ tuổi trong quy hoạch đào tạo, bổ nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức nữ. Các cấp, các ngành cầm nâng cao trách nhiệm trong chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ, trong đó, đảm bảo tỷ lệ nữ lãnh đạo quản lý theo quy định; gắn quy hoạch với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đề bạt cán bộ nữ đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài; có tiêu chí đánh giá việc thực hiện các nội dung này trong bình xét xếp loại thi đua, xét khen thưởng của tập thể và người đứng đầu.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch đào tạo và triển khai thực hiện việc đào tạo của ngành, đảm bảo tỷ lệ cán bộ nữ được cử đi đào tạo, nhất là cán bộ nữ lãnh đạo quản lý để nâng cao trình độ, năng lực mọi mặt, với hình thức phù hợp, thiết thực đối với từng đối tượng để đáp ứng yêu càu nhiệm vụ, tạo nguồn cán bộ nữ lãnh đạo quản lý trong thời gian tới. Đảm bảo các phòng ban của mỗi cơ quan cấp thành phố, cấp huyện hầu hết có nữ là lãnh đạo, quản lý làm nguồn cho lãnh đạo nữ ở cấp sở, ngành, huyện tham gia cấp ủy. Tăng cường công tác bồi dưỡng phát triển đảng viên nữ, mạnh dạn giao việc, có kế hoạch phân công công tác nhằm tạo điều kiện đê đảng viên nữ được rèn luyện, có cơ hội thể hiện khả năng, qua đó lựa chọn đào tạo, tạo nguồn. Tiếp tục hoàn thiện các chính sách cụ thể, nhằm tăng cường công tác cán bộ nữ trong tổng thể chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức của thành phố trong thời kỳ mới; xây dựng cơ chế chính sách để thu hút, khuyến khích cán bộ nữ giỏi, tài năng…


Hồng Hạnh


Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         L?y l?i m� b?o m?t