Xây dựng Thành phố thông minh: Cần sự tham gia của Chính quyền, doanh nghiệp và người dân (12:32 29/09/2018)


HNP - Đô thị thông minh đang trở thành xu hướng trong tương lai, nhằm giúp chính quyền xử lý các thách thức của quá trình đô thị hóa. Tuy nhiên, việc phát triển các đô thị thông minh và bền vững không chỉ là vấn đề của quốc gia mà còn cần sự đóng góp của cả doanh nghiệp và người dân.

Trên địa bàn TP. Hà Nội hiện có hơn 13 triệu số thuê bao di động, hơn 14 triệu thuê bao internet (bao gồm cả thuê bao 3G,4G). Tổng số máy tính trên địa bàn khoảng trên 5,7 triệu máy, trong đó, máy tính trong cơ quan nhà nước khoảng 30 nghìn máy. Có khoảng gần 7 triệu người dùng Facebook, tỷ lệ người dùng smartphone khoảng 90% trên tổng số người dùng điện thoại, 2 triệu học sinh và hơn 400 nghìn sinh viên. Năm 2017, Hà Nội đón gần 24 triệu lượt khách du lịch bao gồm 5 triệu lượt khách quốc tế… 
 
Đây là những dữ liệu quan trọng để Thành phố đưa ra các chính sách, trong đó, trọng tâm xây dựng chính quyền điện tử của Hà Nội là cung cấp các dịch vụ công tốt nhất, thuận tiện nhất để phục vụ người dân, đáp ứng nhu cầu và lợi ích người dân.
 
Trong những năm qua, Thành phố Hà Nội đã tập trung xây dựng Chính quyền Điện tử với trọng tâm là Chính quyền Thành phố cung cấp các dịch vụ công tốt nhất, thuận tiện nhất để phục vụ người dân. Xây dựng nền hành chính điện tử, triển khai hiệu quả các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công dân, doanh nghiệp và công tác quản lý điều hành của Thành phố. Thành phố đã triển khai các hệ thống thông tin trên một nền tảng ứng dụng đồng bộ, dùng chung, thống nhất, tạo tiền đề thuận lợi trong việc liên thông, trao đổi, chia sẻ dữ liệu.
 
Thành phố đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu dân cư cho hơn 7,5 triệu người dân Hà Nội, làm nền tảng cho việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 cho các tổ chức và công dân. Cổng dịch vụ công trực tuyến cung cấp các dịch vụ công mức 3, 4 các lĩnh vực: Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông trên một nền tảng thống nhất đồng bộ tại tất cả 30 quận, huyện và 584 xã, phường.
 
Thành phố hiện đã cung cấp 556 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (trên tổng số 1.883), trong đó 386 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 170 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đạt gần 30% tổng số thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước Thành phố.
 
Về quản lý giáo dục và đào tạo, Hà Nội là thành phố đầu tiên triển khai hệ thống tuyển sinh đầu cấp trực tuyến. Hệ thống đã được triển khai ứng dụng tại 2.752 trường học; có hơn 250.000 gia đình tham gia với trên 6,3 triệu lượt truy cập vào Cổng tuyển sinh đầu cấp trực tuyến. Đồng thời, đã triển khai hệ thống sổ điểm điện tử cho 895 trường học, triển khai thí điểm phần mềm sổ liên lạc điện tử tại một số trường và triển khai phần mềm quản lý kết quả giáo dục tiểu học tại 727 trường học trên địa bàn Thành phố.
 
Về y tế, Hà Nội là thành phố đầu tiên triển khai diện rộng hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử cho nhân dân và hệ thống quản lý tầm soát ung thư sớm trên địa bàn Thành phố. Đã thiết lập được 878.888 hồ sơ sức khỏe điện tử và cập nhật thông tin của 114.998 mẫu xét nghiệm tầm soát ung thư sớm.
 
Trong lĩnh vực môi trường, thành phố Hà Nội đã triển khai hệ thống quan trắc môi trường về chất lượng không khí, chất lượng nước, lượng mưa, bản đồ ngập úng… cung cấp thông tin cho người dân trên Cổng giao tiếp điện tử của Thành phố. Các cơ sở dữ liệu cốt lõi: Dân cư, đất đai, doanh nghiệp, y tế, giáo dục, bảo hiểm…
 
Trong định hướng phát triển thời gian tới, Thành phố sẽ tập trung đẩy mạnh Ứng dụng các công nghệ ICT để cung cấp các dịch vụ công, hỗ trợ giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề được người dân quan tâm (giao thông, y tế, giáo dục, an toàn thực phẩm...), từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. 
 
Bên cạnh đó, các hệ thống thông tin quản lý những lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật - dịch vụ chủ yếu của đô thị được số hóa, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các ngành; tăng cường sự tham gia của người dân nhằm nâng cao năng lực dự báo, hiệu quả và hiệu lực quản lý của chính quyền địa phương.
 
Xây dựng các hệ thống giám sát, cảnh báo trực tuyến về môi trường (nước, không khí, tiếng ồn, đất, chất thải...); các hệ thống thu thập, phân tích dữ liệu môi trường phục vụ nâng cao năng lực dự báo, phòng chống, ứng phó khẩn cấp và chủ động ứng phó biến đổi khí hậu.
 
Xây dựng hạ tầng thông tin số an toàn, khuyến khích cung cấp dữ liệu mở để thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, mở rộng cơ hội hợp tác kinh doanh trong nền kinh tế số. Bảo đảm mọi người dân được hưởng thụ các dịch vụ công một cách nhanh chóng, thuận tiện trên cơ sở hạ tầng thông tin số rộng khắp. Tăng cường việc đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm.
 
Trên cơ sở đó, Hà Nội sẽ tập trung xây dựng Kiến trúc ICT Thành phố thông minh. Hiện nay, UBND Thành phố đang hợp tác với các tập đoàn công nghệ hàng đầu trong nước và thế giới, xây dựng Kiến trúc Chính quyền điện tử và Kiến trúc ICT Thành phố thông minh cho thành phố Hà Nội. Triển khai Trung tâm Điều hành thông minh thành phố Hà Nội và một số thành phần cơ bản của Hệ thống Giao thông thông minh, Hệ thống Du lịch thông minh và các lĩnh vực khác theo lộ trình.

Bình An


Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         L?y l?i m� b?o m?t