Quận Long Biên: Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể (15:35 08/12/2017)


HNP - Sau 04 năm triển khai thực hiện Chương trình hành động số 24/CTr-TU ngày 19/9/2013 của Thành ủy Hà Nội về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn quận Long Biên đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức của cán bộ, đảng viên về kinh tế tập thể ngày càng được nâng cao. Cấp ủy, chính quvền các cấp đã quan tâm, chăm lo hơn đối với hoạt động và sự phát triển của kinh tế tập thể, đặc biệt là khu vực hợp tác xã và làng nghề.

Trong thời gian qua, Quận ủy, UBND quận Long Biên đã quan tâm chỉ đạo các phòng chức năng thực hiện tốt việc phát triển kinh tế tập thể, đặc biệt là khối HTX thông qua các giải pháp như: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và hội nông dân với việc sắp xếp, củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX dịch vụ nông nghiệp với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn quận. Tổ chức kiểm tra, chỉ đạo, định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết, Luật Hợp tác xã, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với kinh tế tập thể. Khuyến khích, nhân rộng, biểu dương khen thưởng kịp thời các mô hình HTX, quỹ tín dụng nhân dân, làng nghề sản xuất, kinh doanh có hiệu quả cao và có nhiều đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, quận còn triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể: Cụ thể, thường xuyên tổ chức các cuộc Hội thảo hướng dẫn xã viên sử dụng các công nghệ mới vào sản xuất. Đào tạo dài hạn, tập trung, nhân rộng mô hình xã viên sáng tạo trong sản xuất. Tổ chức lớp tập huấn tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái.

Thứ hai, tạo điều kiện để các HTX có trụ sở làm việc và cơ sở vật chất sản xuất kinh doanh; Tạo điều kiện để HTX thuê đất của nhà nước để sản xuất kinh doanh và ưu tiên các HTX dịch vụ nông nghiệp được giao quản lý các tài sản tại các khu, vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng để làm dịch vụ sản xuất như quản lý hệ thống mương máng, vận hành bơm nước, cung cấp điện sản xuất.

Thứ ba, đầu tư cơ sở hạ tầng tại vùng bãi phường Giang Biên, Phúc Lợi, Cự Khối, Thượng Thanh và Ngọc Thuỵ. Đồng thời, hỗ trợ các HTX dịch vụ nông nghiệp xây dựng nhãn hiệu tập thể vùng cây ăn quả và giao HTX duy trì, bảo vệ và phát triển thương hiệu: xây dựng thương hiệu ổi găng Cự Khối; ổi Phúc Lợi, rau an toàn Giang Biên và làng nghề truyền thống nuôi rắn Lệ Mật.

Thứ tư, quận cũng tạo điều kiện để các HTX dịch vụ nông nghiệp xây dựng phương án sản xuất kinh doanh và xác nhận phương án sản xuất kinh doanh để các HTX được vay vốn tín dụng. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, rà soát và củng cố phát triển HTX theo Luật HTX: Tiếp tục hướng dẫn HTX Việt Hưng gắn hoạt động của HTX với phát triển làng nghề Lệ Mật; hướng dẫn HTX Cự Khối gắn hoạt động của HTX với vùng sản xuất rau, quả và quản lý nhà sơ chế rau quả, quản lý thương hiệu ổi Cự Khối; HTX Đồng Tâm phát triển sản xuất rau an toàn; Hướng dẫn giải thể HTX Thượng Thanh, Phúc Đồng, Phúc Lợi, thành lập HTX mới hoặc Tổ hợp tác mới để thực hiện một số khâu dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Kết quả, sau 4 năm thực hiện chương trình, trên địa bàn quận Long Biên đã thành lập mới 05 tổ hợp tác để thực hiện các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp của các hộ trên địa bàn các phường sau khi giải thể HTX nông nghiệp. Đây là loại hình hợp tác kinh tế có quy mô nhỏ được hình thành và phát triển chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp. Thành viên trong các tổ hợp tác là các hộ gia đình, cá nhân góp vốn bằng tiền mặt hoặc tài sản (quy ra tiền) hoặc không góp vốn mà chỉ góp công lao động (đây là cách thức chủ yếu) để cùng nhau tham gia các hoạt động quản lý, sản xuất và phân chia lợi nhuận dựa trên số tỷ lệ góp vốn và công lao động đã bỏ ra.

Đã thành lập mới 1 HTX; tiến hành hướng dẫn, lập hồ sơ giải thể 03 HTX nông nghiệp; 100% HTX trên địa bàn quận đã được tập huấn, quán triệt nội dung của Luật HTX 2012; sau khi được quán triệt các HTX đã chủ động xây dựng lại Điều lệ, phương án hoạt động sản xuất kinh doanh cho phù hợp với Luật 2012 quy định; Tập trung sắp xếp, củng cố lại các HTX dịch vụ nông nghiệp như Cự Khối, Việt Hưng, Giang Biên, Đồng Tâm và Phúc Lợi gắn với các vùng sản xuất và làng nghề.

Cùng với các biện pháp trên, quận còn thực hiện việc liên doanh liên kết giữa HTX với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác để tăng hiệu quả hoạt động. Tiêu biểu như: trong quá trình hoạt động quản lý, vận hành khu nhà sơ chế tại vùng quả an toàn phường Cự Khối, HTX Cự Khối đã liên kết với Công ty TNHH Việt Liên trong hoạt động khai thác, quản lý, vận hành, sơ chế, sản xuất, đóng gói các sản phẩm rau, quả trên địa bàn phường. HTX Đồng Tâm liên kết với Trang trại giáo dục Erahouse trong việc tiêu thụ sản phẩm rau quả an toàn.

Theo phân loại, trrong tổng số 22 HTX; trong đó có 16 HTX công thương mại; 6 HTX nông nghiệp (01 HTX mới thành lập). Trong số 22 HTX có 04 HTX tạm ngừng kinh doanh; 18 HTX hiện vẫn đang kinh doanh, trong đó có 9 HTX hoạt động khá, 4 HTX trung bình; còn lại 5 HTX yếu.

 

Thời gian tới, quận Long Biên sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng phát triển các loại hình HTX trên địa bàn quận, trong đó, tập trung phát triển mô hình hợp tác xã như HTX thương mại dịch vụ, HTX sản xuất, làng nghề... Quận cũng thực hiện rà soát, tuyên truyền để kết nạp các xã viên thực sự sản xuất nông nghiệp có mong muốn sản xuất nông nghiệp để trở thành xã viên chính thức. Ngoài ra, tiếp tục hỗ trợ các HTX dịch vụ nông nghiệp xây dựng nhãn hiệu tập thể vùng cây ăn quả và giao HTX duy trì, bảo vệ và phát triển thương hiệu: xây dựng thương hiệu ổi găng Cự Khối; ổi Phúc Lợi, rau Giang Biên và tạo điều kiện để các HTX chủ động và giữ vai trò chính trong việc tiếp nhận và hướng dẫn nông dân sử dụng có hiệu quả việc hỗ trợ của quận.


Lam Sơn


Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         L?y l?i m� b?o m?t