Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tổ chức, xây dựng Đảng (21:54 07/10/2020)


HNP - Trong nhiệm kỳ qua, Thành ủy Hà Nội đặc biệt quan tâm, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ từ đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm đến sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế… Nhờ đó, nhiều việc mới, việc khó trong công tác cán bộ đã được Hà Nội triển khai rất thuận lợi, được Trung ương đánh giá cao và dư luận nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng trao chứng nhận tốt nghiệp cho các học viên lớp cán bộ quy hoạch nguồn BCH Đảng bộ TP


Đột phá vào những “việc khó”
 
Thành ủy xác định công tác cán bộ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, bởi cán bộ là cái gốc của mọi công việc; muôn việc có thành công hay thất bại là do cán bộ tốt hoặc kém. Do vậy, Thành ủy Hà Nội tập trung chỉ đạo, đổi mới toàn diện các khâu trong công tác cán bộ, trước hết là đánh giá cán bộ. Bởi đánh giá đúng là tiền đề để làm tốt công tác phát hiện, tuyển chọn, bố trí, sử dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm, khen thưởng và kỷ luật cán bộ, cũng như giúp cán bộ phát huy ưu điểm, sửa chữa, khắc phục hạn chế.
 
Nếu như trước đây, việc đánh giá cán bộ được thực hiện theo định kỳ hằng năm; ở một số đơn vị còn nặng tính cào bằng, hình thức, vô hình chung đã làm triệt tiêu tinh thần phấn đấu, thi đua của cán bộ. Nhận thức vấn đề này, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2898-QĐ/TU ngày 08/11/2017 về đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quản lý, trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy trực tiếp đánh giá, xếp loại đối với 12 nhóm chức danh; phân cấp, ủy quyền cho 05 chủ thể quản lý đánh giá, đề nghị phân loại cán bộ. Thành ủy cũng chỉ đạo và hướng dẫn cấp ủy các cấp thực hiện công tác đánh giá cán bộ bài bản, đúng quy trình, quy định, tiến hành bằng nhiều hình thức, thường xuyên, liên tục và đa chiều. 
 
Việc tổ chức đánh giá, phân loại cán bộ lãnh đạo, quản lý đã được các cấp ủy thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, thể hiện trách nhiệm cao của tập thể Ban Thường vụ Thành ủy. Thông qua đó, Thành ủy đã xem xét quyết định, điều chỉnh mức xếp loại đối với 33 trường hợp (giảm 3,7% so với các đơn vị tự đề xuất). Tỷ lệ cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, năm 2018, được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giảm mạnh so với năm trước (từ 84,48% xuống còn 16,41%). Kết quả đánh giá cán bộ là cơ sở quan trọng để xem xét, lựa chọn, quy hoạch, bố trí, thay thế cán bộ đảm bảo chất lượng và yêu cầu nhiệm vụ của từng đơn vị và Thành phố.
 
Cùng với đó, Thành ủy Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong cả nước ban hành Quyết định số 3814-QĐ/TU ngày 16/5/2018 về Quy định khung tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng (hằng tháng) trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội. Sau hơn 2 năm thực hiện cho thấy, việc đổi mới công tác đánh giá cán bộ đã giúp phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, quản lý, siết chặt kỷ cương, chuẩn hóa và xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp. Đặc biệt, đã nâng cao rõ rệt về ý thức, trách nhiệm, tính tự giác trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức...
 
Bên cạnh việc đổi mới công tác đánh giá cán bộ, Thành ủy Hà Nội cũng tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động và bổ nhiệm cán bộ, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình, quy định. Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Ðề án 04-ÐA/TU ngày 20/9/2017 về "Ðổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quản lý". Trên cơ sở đó, Thành ủy đã tổ chức hiệu quả các lớp đào tạo cán bộ nguồn, cán bộ quy hoạch cấp ủy, các chức danh bí thư cấp ủy và lãnh đạo chính quyền cấp huyện, lãnh đạo cấp sở thuộc Thành phố. Các lớp đào tạo cán bộ đã có nhiều đổi mới trong nội dung, phương thức tổ chức giảng dạy, học tập, quản lý, từ đó, giúp Thành phố chủ động một bước trong xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
 
Cũng trong nhiệm kỳ qua, Thành ủy Hà Nội đã quyết định luân chuyển 55 cán bộ; quyết định giới thiệu cán bộ ứng cử, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 442 cán bộ, trong đó: giới thiệu ứng cử 270, bổ nhiệm 81, bổ nhiệm lại 91 đồng chí. Công tác bố trí, sử dụng cán bộ thực hiện công khai, dân chủ, đảm bảo nguyên tắc đã tạo nên sự đoàn kết, thống nhất cao trong nội bộ cấp ủy, là động lực thúc đẩy, phát huy nhiệt tình công tác của đội ngũ cán bộ Thành phố.
 
Tạo đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện
 
Một trong những “điểm sáng” trong công tác tổ chức, xây dựng Đảng của Đảng bộ Thủ đô trong nhiệm kỳ qua là việc sắp xếp, tinh giản tổ chức bộ máy, biên chế theo tinh thần Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII). Theo đó, Thành ủy đã chỉ đạo, thực hiện đồng bộ nhiệm vụ này, từ các cơ quan Đảng, MTTQ, các đoàn thể đến khối chính quyền, các đơn vị sự nghiệp ở Thành phố đến các quận, huyện, thị xã...
 
Trong nhiệm kỳ qua, Thành ủy Hà Nội đã sắp xếp, giảm từ 59 đảng bộ trực thuộc xuống còn 50 đảng bộ; hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn 20 đơn vị, gồm các ban Đảng Thành ủy; củng cố, kiện toàn, chuyển giao, giải thể 215 tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp đã cổ phần hóa, thoái vốn về trực thuộc đảng bộ quận, huyện, thị xã và đảng bộ khối. Thành ủy cũng đã lãnh đạo, chỉ đạo sắp xếp giảm 5/17 Ban chỉ đạo do Thành ủy thành lập, giảm 74/102 Ban chỉ đạo do UBND Thành phố thành lập; sắp xếp giảm 21/26 Ban quản lý dự án và 121/401 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND Thành phố, 45/204 đơn vị chuyên môn thuộc các sở, ngành Thành phố; giảm 110/206 đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện và nâng mức tự chủ chi đầu tư đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đối với 257 đơn vị.
 
Cùng với việc sắp xếp tổ chức bộ máy, Thành ủy đã chỉ đạo quyết liệt nhiệm vụ tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức. Giai đoạn 2018-2020, khối các cơ quan Đảng, đoàn thể giảm trên 400 biên chế; khối chính quyền giảm gần 1.500 biên chế và, dự kiến, giảm 19.052 biên chế viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập khi thực hiện tự chủ tài chính. Chi thường xuyên của Thành phố cũng giảm mạnh, đến năm 2020, chỉ còn 51%, thấp hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước.
 
Đặc biệt, Thành ủy Hà Nội đã ban hành và triển khai hiệu quả Đề án 06-ĐA/TU gắn với Đề án 21-ĐA/TU về kiện toàn, sắp xếp tổ chức đảng và hệ thống chính trị với sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, tổ dân phố trên địa bàn Thành phố. Sau sắp xếp, toàn Thành phố đã giảm 5 đơn vị hành chính cấp xã, 2.708 thôn, tổ dân phố và 45 phòng, ban thuộc các sở, ngành; giảm 985 chi bộ và 33.583 người hoạt động không chuyên trách. Quan trọng hơn, sau sắp xếp, hệ thống chính trị các cấp đã khắc phục được tình trạng chồng chéo, qua đó tinh gọn hơn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn và cũng là một bước chủ động để Thành phố triển khai Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị.
 
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, có được những kết quả trong công tác tổ chức, xây dựng Đảng, đặc biệt là công tác cán bộ trong nhiệm kỳ qua, Thành ủy Hà Nội đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương; kịp thời cụ thể hóa, xây dựng đồng bộ hệ thống văn bản của Thành phố để chỉ đạo thực hiện trong toàn Đảng bộ. Đặc biệt, quá trình thực hiện, Hà Nội rất chú trọng công tác tư tưởng, từ tuyên truyền, vận động để tạo đồng thuận, thống nhất trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Kết quả đó tạo tiền đề quan trọng để Thành ủy Hà Nội tiếp tục chỉ đạo, tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t