Thúc đẩy sinh viên sáng tạo trong học tập, nghiên cứu khoa học (13:59 14/07/2018)


HNP - Năm học 2017-2018, Hội Sinh viên các cấp đã có nhiều hoạt động thiết thực, tạo môi trường giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho sinh viên. Nhiều cách làm mới, ngày càng tiệm cận, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng hội viên, sinh viên như: Chăm lo, hỗ trợ sinh viên học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp, hỗ trợ học bổng cho sinh viên, hỗ trợ sinh viên các kỹ năng thực hành xã hội và hội nhập.

Cán bộ Hội Sinh viên Việt Nam góp ý vào chương trình công tác năm học 2018-2019


Tiếp tục nắm bắt, định hướng tư tưởng trong sinh viên

Thời gian qua, công tác Hội và phong trào sinh viên đã có chuyển biến tích cực, đặc biệt trong công tác tổ chức xây dựng Hội. Các cấp bộ Hội phát huy tối đa tinh thần chủ động, tích cực và sáng tạo của cán bộ Hội, sinh viên trong công tác Hội, bám sát với chủ đề năm học.

Các hoạt động tạo môi trường giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho sinh viên được quan tâm chú trọng với nhiều cách làm mới, ngày càng tiệm cận, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng hội viên, sinh viên. Các hình thức chăm lo, hỗ trợ sinh viên học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp, hỗ trợ học bổng cho sinh viên, hỗ trợ sinh viên các kỹ năng thực hành xã hội và hội nhập tiếp tục được triển khai dưới nhiều hình thức sáng tạo.

Hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng tiếp tục được các cấp bộ Hội đầu tư triển khai với hình thức đa dạng, gắn nhiều hơn với việc phát huy chuyên môn các đội hình tình nguyện; tăng cường các hoạt động tình nguyện thường xuyên, tại chỗ.

Công tác công tác tuyên truyền, giới thiệu về tổ chức Hội Sinh viên có nhiều phương thức mới, sáng tạo; công tác tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ Hội được quan tâm triển khai. Việc ứng dụng công nghệ trong quản lý hội viên bước đầu được triển khai đã phát huy hiệu quả nhất định.

Phong trào “Sinh viên 5 tốt” được các cấp Hội triển khai tích cực tạo thành phong trào thi đua trong sinh viên trường. Hoạt động chăm lo, hỗ trợ “Sinh viên 5 tốt” sau tuyên dương được các cấp Hội quan tâm hơn so với năm học trước.

Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Hợp tác Quốc tế Thanh niên Bùi Diễm Hường nhận định việc nắm bắt, định hướng tư tưởng của thanh niên nói chung và sinh viên nói riêng rất quan trọng. Thế giới hiện đang thay đổi với tốc độ không thể dự đoán được, để đưa ra dự báo trong tình hình cụ thể hiện nay là rất khó khăn. Vì vậy, việc nắm bắt tình hình tư tưởng của thanh niên, sinh viên là vấn đề cần thiết. “Cách thức nắm bắt hiệu quả thông qua việc tiếp xúc với lực lượng sinh viên tham gia hoạt động đối ngoại. Bởi sinh viên hiện nay đang rất quan tâm đến tình hình chính trị, kinh tế của đất nước. Vì vậy, cần tăng cường nắm bắt qua nhiều kênh thông tin khác nhau, ví dụ như thông qua chính việc tiếp cận với thanh niên, để thanh niên tự nói lên những nhu cầu, mong muốn, nguyện vọng của mình. Hoặc thông qua các đầu mối là các ban, đơn vị của Trung ương Đoàn có nhiều điều kiện tiếp xúc với đối tượng sinh viên để nắm bắt thêm thông tin” - chị Bùi Diễm Hường đề xuất.

Đối với việc nắm bắt, định hướng tư tưởng trong đối tượng đặc thù là sinh viên dân tộc thiểu số, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Tây Bắc Tòng Thị Nguyên cho rằng, sinh viên dân tộc thiểu số hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc cập nhật thông tin chính thống, đã có nhiều bạn bị lôi kéo, bị tà đạo tác động dẫn đến lệch lạc về tư tưởng, lối sống. Trong thời kỳ cách mạng 4.0, các bạn sinh viên dành khá nhiều thời gian hoạt động trên các không gian mạng, phần lớn là dành cho các mạng xã hội. Tuy nhiên, sinh viên lại chưa quan tâm, tìm hiểu thông tin trên các trang chính thống của Đoàn, Hội, mặc dù các cán bộ Hội đã chia sẻ nhiều thông tin định hướng trên trang mạng xã hội nhưng không thu hút được nhiều sinh viên quan tâm.

Theo chị Chu Hồng Minh - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, một trong những tồn tại, hạn chế lớn của công tác Hội là chưa có giải pháp triệt để trong khắc phục sinh viên tham gia vào các đạo lạ và mạng lưới bán hàng đa cấp trá hình dưới nhiều hình thức khác nhau. Nguyên nhân một phần là do chưa có giải pháp triệt để trong việc kịp thời nắm bắt, định hướng tư tưởng sinh viên và đấu tranh phản biện trên mạng xã hội. Hiện tượng này đang là một trong những thách thức với công tác Hội và phong trào sinh viên trong giai đoạn tới, cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn để triển khai thực hiện trong chương trình công tác Hội giai đoạn tới.

Đồng chí Chu Hồng Minh cho rằng, Trung ương Hội cần chủ động hơn trong việc cung cấp các thông tin chính thống, định hướng kịp thời để các cấp bộ Hội có thể chia sẻ, lan toả nguồn thông tin này, đón đầu các vấn đề đang là điểm nóng, không để các cấp bộ Hội bị động, nhiễu loạn thông tin hoặc hiểu sai bản chất vấn đề dẫn đến lúng túng trong xử lí tình huống. Đồng chí Phó Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam đề xuất, trong thời gian tới, trước những sự kiện nhạy cảm, những điểm nóng được dư luận, thanh niên, sinh viên quan tâm, Trung ương Hội nên tổ chức giao ban trực tuyến giữa Chủ tịch Trung ương Hội với cán bộ, hội viên, sinh viên để cung cấp thông tin kịp thời, giúp cơ sở có sự chuẩn bị và điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.

Giải quyết bài toán về chất lượng cán bộ Hội

Để nắm bắt được tư tưởng thanh niên, sinh viên, thì vị trí, vai trò của các chủ tịch Hội Sinh viên rất quan trọng. Sẽ rất khó khăn nếu Chủ tịch Hội sinh viên chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và bản lĩnh để đại diện cho sinh viên nói lên tiếng nói của mình, đặc biệt trong điều kiện hiện nay, các trường đại học đang thực hiện việc cắt giảm chức danh Phó Chủ tịch Hội Sinh viên sẽ đặt ra đòi hỏi về năng lực của Chủ tịch Hội Sinh viên cấp trường phải cao hơn.

Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam Lê Quốc Phong cho biết, trong thời gian qua, công tác Hội, phong trào sinh viên đạt được nhiều kết quả tốt, thể hiện ở các mặt, như: Tổ chức Hội nắm bắt, theo sát tình hình, tư tưởng sinh viên; đã tập trung triển khai nhiều giải pháp từ Trung ương đến cơ sở như tập huấn, trang bị kỹ năng phương pháp, kiểm tra, hỗ trợ các đơn vị trong nâng cao chất lượng hoạt động Hội; phong trào “Sinh viên 5 tốt” chuyển biến tích cực, phát triển tạo sự lan tỏa; liên tục có nhiều giải pháp để giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho sinh viên;…

Tuy nhiên, dù đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động Hội và phong trào sinh viên, nhưng chất lượng giải pháp chưa đồng đều; về nâng cao chất lượng hoạt động tại cơ sở, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa hoạt động cần tốt hơn nhưng vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn…

Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam đề nghị, trong năm học mới, các cấp bộ Hội cần cải thiện việc gắn kết, trao đổi với sinh viên, cán bộ Hội Sinh viên các cấp phải thường xuyên gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe sinh viên; phải thúc đẩy tính sáng tạo, tăng vai trò chủ thể, đổi mới cách tiếp cận, đa dạng môi trường, hiện đại hoá môi trường sinh hoạt, để sinh viên bước vào sân chơi của Hội với tư thế chủ động.

Đặc biệt, cần xây dựng tổ chức Hội, hình ảnh Hội trong nhà trường, trong sinh viên mạnh mẽ hơn, trở thành nơi cần tìm đến của sinh viên, các tổ chức khác muốn tiếp cận với sinh viên cũng phải tìm đến Hội.

“Trước khi vào năm học mới 2018-2019, các cấp bộ Hội cần tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong cộng đồng sinh viên để phát hiện thêm các vấn đề có liên quan đến công tác Hội; tiếp tục tập huấn, tăng cường trang bị kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Hội; thường xuyên nắm bắt tình hình sinh viên thông qua nhiều kênh thông tin, chủ động chỉ đạo cơ sở để có giải pháp tháo gỡ kịp thời” - Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam Lê Quốc Phong nhấn mạnh.


Việt Hoàng


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t