HĐND TP chất vấn công tác quản lý các cơ sở giáo dục tư thục (15:59 06/07/2018)


HNP - Tiếp tục phiên chất vấn tại kỳ họp thứ Sáu, HĐND TP khóa XV, chiều 6/7, HĐND TP đã dành thời gian để các đại biểu chất vấn các thành viên UBND TP về công tác quản lý các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc chủ trì phiên chất vấn.

Chủ tọa kỳ họp điều hành phiên chất vấn


Mở đầu phiên chất vấn buổi chiều, thay mặt UBND TP, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý đã trình bày báo cáo tóm tắt về công tác quản lý các cơ sở giáo dục tư thục. Theo đó, hiện, trên địa bàn TP có 477 trường tư thục với 234.399 học sinh (chiếm tỷ lệ 12,4% tổng số học sinh các cấp học toàn Thành phố). Trong đó có 34 trường đạt chuẩn Quốc gia (chiếm tỷ lệ 7,12% số trường tư thục), cụ thể: Giáo dục mầm non có 320 trường với 148.374 trẻ (chiếm tỷ lệ 26,2% của cấp học), trong đó, có 20 trường đạt chuẩn Quốc gia (chiếm tỷ lệ 6,25% số trường tư thục); Giáo dục tiểu học có 40 trường với 31.941 học sinh (chiếm tỷ lệ 4,7% của cấp học), trong đó, có 06 trường đạt chuẩn Quốc gia (chiếm tỷ lệ 15% số trường tư thục); Giáo dục trung học cơ sở (THCS) có 22 trường với 19.731 học sinh (chiếm tỷ lệ 4,62% của cấp học), trong đó, có 02 trường đạt chuẩn Quốc gia (chiếm tỷ lệ 9% số trường tư thục); Giáo dục trung học phổ thông (THPT) có 95 trường với 39.796 học sinh (chiếm tỷ lệ 20,25% của cấp học), trong đó, có 06 trường đạt chuẩn Quốc gia (chiếm tỷ lệ 6,3% số trường tư thục).
 
Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý trình bày báo cáo tại phiên chất vấn

Về cơ sở vật chất, toàn Thành phố có 477 trường tư thục, có 12.697 phòng học kiên cố đã đáp ứng cơ bản đáp ứng được điều kiện dạy và học. Trong đó, có 91 trường đã được UBND TP giao đất và cho thuê đất (chiếm tỷ lệ 20%). Tổng số cán bộ, giáo viên các trường tư thục hiện nay là 28.173 người. 100% cán bộ quản lý và giáo viên có trình độ đạt chuẩn trở lên.
 
Tính đến nay, đã có 5 trường tư thục được TP công nhận trường chất lượng cao. Các trường tư thục trên địa bàn TP có đủ cơ sở vật chất đảm bảo dạy và học 2 buổi/ngày và hầu hết đã đáp ứng được chất lượng theo quy định. 
 
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý, mạng lưới các trường tư thục trên địa bàn TP đã được phủ khắp các bậc học từ mầm non đến phổ thông, đây là sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng trong việc tạo dựng một xã hội học tập, giúp giảm tải gánh nặng cho ngân sách TP. Nhiều trường đã thể hiện rõ nét tính hội nhập quốc tế, với những mô hình đa dạng, tăng sự lựa chọn đối với học sinh và cha mẹ học sinh. So với năm học 2008-2009 (năm đầu tiên hợp nhất) quy mô trường tư thục tăng 265 trường, trong đó, tăng 30 trường đạt chuẩn Quốc gia, tăng 8.461 nhóm lớp, tăng 138.472 học sinh, tăng 6.377 cán bộ, giáo viên.
 
Bên cạnh những thành tựu đáng khích lệ, công tác quản lý các trường tư thục của Hà Nội vẫn còn một số tồn tại hạn chế như: Một số trường tư thục cơ sở vật chất vẫn còn phải thuê mượn địa điểm để thực hiện công tác giáo dục nên còn nhiều khó khăn; Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của các nhà trường không ổn định, công tác bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ quản lý, giáo viên còn nhiều hạn chế; Vẫn còn hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo tại một cơ sở giáo dục tư thục, tạo dư luận bức xúc trong xã hội; Trên địa bàn Thành phố vẫn còn hiện tượng một số nhóm trẻ chưa được cấp phép những vẫn hoạt động; Chất lượng giáo dục tại một số trường tư thục còn hạn chế, chưa thu hút được sự quan tâm của phụ huynh và học sinh; Công tác xã hội hóa đầu tư các trường tư thục có tiến bộ tuy nhiên việc triển khai một số dự án còn chậm. 
 
Trong thời gian tới, để khắc phục các tồn tại, hạn chế trên, UBND TP sẽ điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường học trên địa bàn Thành phố đến năm 2030, là cơ sở để thu hút đầu tư và phát triển hệ thống trường lớp tư thục. Tăng cường bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý và giáo viên các trường tư thục để không ngừng nâng cao chất lượng và thực hiện tốt chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Bên cạnh đó, sẽ tạo các điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra và kiểm định chất lượng giáo dục đối với hệ thống các trường tư thục trên địa bàn TP để kịp thời ngăn chặn và chấn chỉnh các sai phạm có thể xảy ra. Rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện các văn bản, chính sách liên quan đến xã hội hóa giáo dục, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thuận lợi để khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo.
 
Chất vấn nội dung này, đại biểu Vũ Mạnh Hải (Thường Tín) đặt câu hỏi: Gần đây thường xảy ra những vụ việc, một số nhóm trẻ tư thục được chuyển nhượng song không có sự khai báo với chính quyền, vậy, Sở GD&ĐT có biện pháp xử lý vấn đề này như thế nào?
 
Đại biểu Hoàng Thị Tú Anh (Đan Phượng) cho biết, theo báo cáo, đội ngũ giáo viên tại một số trường học trên địa bàn TP Hà Nội đạt chuẩn 100%, tuy nhiên thông qua quá trình giám sát của Ban Văn hóa Xã hội, trong một số trường đội ngũ giáo viên không ổn định, chất lượng chưa cao, có nơi sử dụng giáo viên chưa qua đào tạo, tại hầu hết các cơ sở giáo dục mầm non tư thục, tỷ lệ tham gia bảo hiểm cho các giáo viên, nhân viên đạt thấp, đề nghị Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết nguyên nhân, trách nhiệm cũng như giải pháp để giải quyết những vấn đề trên?
 
Theo đại biểu Đỗ Thùy Dương (Cầu Giấy), dựa trên kết quả giám sát của Ban VHXH, hiện nay, cán bộ quản lý các trung gian, cụ thể là phòng giáo dục quận, huyện, thị xã thiếu năng lực quản lý giáo dục, đặc biệt với việc thẩm tra và đánh giá giáo dục có yếu tố nước ngoài. Từ việc yếu kém về năng lực dẫn tới việc sử dụng sai mục đích. Năm 2018, Hà Nội tập trung nâng cao hiệu quả hệ thống chính trị, thúc đẩy hóa giáo dục, vậy với tư cách là Sở chuyên ngành, Sở GD&ĐT đã tham mưu cho TP trong vấn đề này như thế nào?
 
Đại biểu Đỗ Thùy Dương chất vấn tại kỳ họp

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương (Đông Anh) cho biết, gần đây, địa bàn Thủ đô có nhiều trung tâm đào tạo ngoại ngữ, cơ sở giáo dục liên kết với nước ngoài, phát triển nhiều loại hình đào tạo. Trong đó, có một số cơ sở sử dụng nhiều giáo viên nước ngoài không có trình độ sư phạm, không có hợp đồng lao động đúng quy định pháp luật, ảnh hưởng chất lượng giảng dạy. Đại biểu Hương đề nghị Sở GD&ĐT cho biết nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp cho tình trạng này?
 
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương phát biểu tại phiên chất vấn

Thay mặt UBND TP, Giám đốc Sở GD&ĐT Chử Xuân Dũng trả lời chất vấn các đại biểu. Về câu hỏi của đại biểu Vũ Mạnh Hải, theo phân cấp quản l‎ý, UBND cấp quận huyện, thị xã sẽ tăng cường công tác kiểm tra, nắm bắt tình hình, ngăn chặn tình trạng nêu trên. Sở cũng đề nghị các đơn vị theo phân cấp quản lý cần công khai tên các nhóm trẻ, công tác quản lý, chủ các nhóm trẻ và danh tính nhóm trưởng trên website, phương tiện thông tin đại chúng để người dân tham gia giám sát. Đặc biệt, hiện đã có chế tài xử phạt nghiêm minh, chặt chẽ, quyết liệt với những trường hợp sai phạm.
 
Đối với câu hỏi của đại biểu Hoàng Thị Tú Anh, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, hiện tại, trên một số địa bàn, một số nhóm mầm non, nhóm trẻ, có xảy ra việc không đóng bảo hiểm xã hội - y tế và sử dụng đội ngũ giáo viên trẻ chưa ổn định. Hiện 100% các trường, nhóm lớp mầm non tư thục được cấp phép khi có đầy đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên theo quy định. Về cơ bản, các trường mầm non có đội ngũ giáo viên ổn định, được đóng bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, tại một số khu đông dân cư, các trường công lập chưa đáp ứng hết nhu cầu học tập của trẻ em. Các chủ đầu tư, các khu xây dựng cao tầng chưa xây dựng các trường như cam kết ban đầu. Do đó các nhóm lớp tư thục phát triển để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh với phần nhiều là con em công nhân, điều này ảnh hưởng đến việc duy trì đội ngũ giáo viên. 
 
Giám đốc Sở GD&ĐT Chử Xuân Dũng trả lời tại phiên chất vấn

Để khắc phục tình trạng này, Sở GD&ĐT đã tổ chức nhiều hội thảo tăng cường quản lý nhóm lớp tư thục, qua đó, giúp các xã phường, chủ nhóm lớp trao đổi, khắc phục khó khăn. Tiếp đó, khi phê duyệt xây dựng khu công nghiệp, chế xuất, nhà cao tầng cần đồng bộ với việc xây dựng khu nhà trẻ. Sở GĐ&ĐT tiếp tục tăng cường công tác quản lý, triển khai các văn bản do UBND TP và Bộ Giáo dục đưa ra, điều chỉnh hệ thống trường lớp, qua đó các nhà đầu tư có căn cứ tham gia đầu tư triển khai.
 
Đối với câu hỏi đại biểu Đỗ Thùy Dương nêu về nội dung giảng dạy liên kết ngoại ngữ, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, đơn vị đã có văn bản hướng dẫn quy trình thẩm định chương trình làm quen Ngoại ngữ và dạy bổ trợ Ngoại ngữ trong các trường phổ thông tại Hà Nội, qua đó, Sở chịu trách nhiệm về thẩm định chương trình, nhà trường lựa chọn bộ giáo trình và các đơn vị cung ứng dịch vụ.
 
Về việc công khai kiểm định chất lượng 71 trường ngoài công lập đang được triển khai, hiện, Sở đã đánh giá được 35 trường ở mức độ 1,2,3. Theo đó đã đạt được một số tiêu chí. Sở GD&ĐT xin tiếp thu và triển khai tốt hơn công tác kiểm định và công khai nội dung này trên website của Sở.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t