Đặc sắc lễ hội truyền thống tại Di tích quốc gia đặc biệt Đình Tường Phiêu, huyện Phúc Thọ (14:04 05/02/2023)


HNP - Sáng 5/2, Ban Tổ chức Lễ hội làng Tường Phiêu, xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ, đã trang trọng tổ chức khai mạc Lễ hội truyền thống Xuân Quý Mão 2023 với nhiều nghi lễ, hoạt động văn hóa, thể thao hấp dẫn, đặc sắc thu hút đông đảo người dân trên địa bàn huyện và du khách thập phương.  

Lễ tế truyền thống trước Đình Tường Phiêu, huyện Phúc Thọ


Đình Tường Phiêu (còn gọi là Đình Cả) nằm trên địa bàn xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội là một di tích cổ kính nổi tiếng xứ Đoài, có bố cục độc đáo với duy nhất một đơn nguyên kiến trúc làm tăng dáng vẻ bề thế thâm nghiêm của di tích thờ Thành hoàng làng. Nơi đây còn bảo lưu nhiều giá trị văn hóa tiêu biểu về vật thể và phi vật thể. Hiện nay, đình Tường Phiêu thờ phụng 4 vị Thành hoàng làng, đó là: Ba vị đức Thánh Tản Viên và Quán Sơn Thành hoàng. Với giá trị đặc biệt của di tích, Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Tường Phiêu, huyện Phúc Thọ đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt, tại Quyết định số 1820/QĐ-TTg, ngày 24/12/2018.
 
Đại diện Ban Quản lý di tích Đình Tường Phiêu cho biết, Lễ hội làng Tường Phiêu dựa trên truyền thuyết Thánh Tản Viên Sơn (Sơn Tinh, Thuỷ Tinh). Trước Lễ hội vài tháng, dân làng chặt tre ngâm bùn để đợi ngày mang lên làm đuốc. Trong Lễ hội làng sẽ đốt 4 cây đuốc lớn tượng trưng cho 4 cổng làng ngày xưa. 4 cây đuốc lớn được làm theo hình chiếc đó đánh cá dựng ngược, bên trong là các thân cây tre lớn được ngâm bùn để khô, bên ngoài là tay tre. Giữa thân đuốc có nhiều cây tre bánh tẻ để khi cháy sẽ phát ra tiếng nổ, bung tàn như pháo hoa. Mỗi cây đuốc khổng lồ có chiều cao từ 9 đến 13m, đường kính trên đỉnh cây đuốc khoảng 90cm. 
 
Lễ rước Kiệu Thánh hồi Đình Tường Phiêu tối ngày 14 tháng Giêng thu hút đông đảo người dân tham gia
 
Khoảng 20h00, ngày 4/2/2023, tức ngày 14 tháng Giêng năm Quý Mão, dân làng Tường Phiêu bắt đầu đốt đuốc, đồng thời rước Kiệu Thánh từ Đền Ngô Sơn (Đền Ngo) về Đình làng. Thánh đi đến đâu thì đuốc cháy đến đó như soi đường cho Thánh đi. Trời tối đen nhưng với 4 cây đuốc lớn, cả một vùng trời được soi sáng. Một cây đuốc được dựng ngay đầu làng, người dân trong làng thích thú khi thấy cây đuốc bùng cháy, thi thoảng lại phát ra những tiếng nổ như pháo. Người dân làng Tường Phiêu dù làm ăn sinh sống ở bất cứ đâu nhưng đến ngày hội làng đều về quê tham dự.
 
Cũng theo Ban Quản lý di tích Đình Tường Phiêu, năm 1432, Đền Ngo được dựng lên với truyền thuyết thánh Tản Viên Sơn về dạy dân làng đánh cá dập sào trên sông Tích. Khi Tản Viên Sơn và Thuỷ Tinh đánh nhau thì xảy ra lũ lụt, nhân dân ra sức theo Tản Viên Sơn để đắp đê. Nhân dân trong làng rất phấn khởi, thanh niên trong làng tích cực làm theo, sau ba năm Thánh trở lại dạy dân đánh cá lần hai vào đúng lúc trời tối. Thánh theo dân đánh cá từ Sơn Tây về Tích Giang thì trời tối quá, nhân dân mới đốt đuốc, đốt cá làm cơm thiết đãi Thánh, khi về trời tối nhân dân tiếp tục đốt đuốc tiễn Thánh về núi.  Ngoài 4 cây đuốc khổng lồ, tại Lễ hội còn có nhiều cây đuốc nhỏ, gọi là đuốc rồng. Theo các cụ cao niên trong làng, Lễ Thánh tại Đền Ngo được tổ chức từ năm 1432 đến ngày nay, cứ vào các năm chẵn (Tý - Ngọ - Mão - Dậu). Trải qua hàng trăm năm lịch sử, Lễ hội làng Tường Phiêu vẫn giữ được nét độc đáo. 
 
Quãng đường từ đình làng ra Đền Ngo chỉ khoảng hơn 1km nhưng vào ngày hội luôn kín người rước Thánh trong đêm tối
 
Lễ hội truyền thống Di tích quốc gia đặc biệt Đình Tường Phiêu được tổ chức là dịp để huyện giới thiệu truyền thống lịch sử văn hóa dân tộc, đất và người Phúc Thọ đồng thời thúc đẩy hoạt động du lịch, dịch vụ, thương mại và sự phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Ngoài các nghi lễ dâng hương, tế truyền thống, trong thời gian diễn ra Lễ hội, Ban Tổ chức còn tổ chức các trò chơi dân gian như: kéo co, chọi gà, cờ tướng, đập niêu,... Trong Lễ khai mạc, Ban Tổ chức đã tặng áo lụa cho 02 cụ 100 tuổi và 08 cụ 90 tuổi; trao thưởng cho 15 giáo viên dạy giỏi và 32 em học sinh các trường mầm non, Tiểu học và THCS có thành tích cao trong học tập.

Phạm Linh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t