Hà Nội tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp Nhật Bản hợp tác, đầu tư (19:49 29/03/2019)


HNP - Tại Hội nghị trao đổi hợp tác xúc tiến đầu tư, du lịch giữa Hà Nội và Nhật Bản diễn ra ngày 29/3, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã có bài tham luận về những kết quả trong thu hút đầu tư nước ngoài tại Hà Nội và những việc làm của Thành phố trong năm 2019 để tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhất là trên lĩnh vực du lịch.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền tham luận tại Hội nghị


Hà Nội là điểm đến dẫn, thị trường sôi động đối với các nhà đầu tư
 
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, trong thời gian qua, Thành phố tiếp tục khẳng định Hà Nội là điểm đến hấp dẫn, là thị trường sôi động đối với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp. Giai đoạn 2016-2018, Hà Nội đã thu hút được gần 14,05 tỷ USD, bằng 2,25 lần giai đoạn 2011-2015. Riêng năm 2018, Thành phố thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 7,5 tỷ USD, tăng 2,18 lần so với năm 2017, đứng đầu cả nước và là kết quả cao nhất kể từ 30 năm thực hiện chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài. Bên cạnh việc thu hút các dự án có vốn đầu tư lớn trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, công nghiệp chế biến chế tạo, Hà Nội đã thu hút được các dự án FDI trong lĩnh vực công nghệ cao, xử lý nước sạch, xử lý rác thải và giáo dục đào tạo. Tính đến hết tháng 2 năm 2019, lũy kế vốn đầu tư nước ngoài tại thành phố Hà Nội là 40,6 tỷ USD, tăng 10 lần so với cùng kỳ 2018. 
 
Ngành Du lịch tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, nhất là khách du lịch quốc tế. Năm 2018, khách du lịch đến Hà Nội đạt 26,3 triệu lượt, tăng 10,4%, trong đó: Khách quốc tế 6 triệu lượt, tăng 21,3%, về đích trước 02 năm về chỉ tiêu thu hút khách du lịch quốc tế; khách nội địa 20,3 triệu lượt, tăng 7,5%. Tổng thu khách du lịch đạt 75.815 tỷ đồng, tăng 11,7%. Công suất sử dụng buồng phòng khách sạn bình quân đạt 64,86%. 
 
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng cho biết, tại Hà Nội, Nhật Bản luôn giữ vị thế là quốc gia hàng đầu trong đầu tư trực tiếp FDI với trên 10 tỷ USD (chiếm 25,5% tổng giá trị thu hút FDI của Hà Nội) và hỗ trợ ODA với 32 dự án và tổng vốn đã cam kết gần 3 tỷ USD (chiếm 58,8% giá trị vốn ODA cam kết cho Hà Nội). Riêng năm 2018, Nhật Bản đăng ký 131 dự án đầu tư mới với tổng vốn 4,7 tỷ USD, chiếm 89% số vốn đăng ký mới của toàn thành phố Hà Nội trong đó điển hình là dự án Thành phố Thông minh với 4,138 tỷ USD, 02 dự án công nghệ cao của Tập đoàn Nidec với 400 triệu USD, Dự án xử lý rác thu hồi điện Xuân Sơn với 90 triệu USD. Các doanh nghiệp Nhật Bản đã đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 6.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó Nhật Bản là đối tác lớn thứ ba về du lịch với trên 300 nghìn lượt khách, chiếm 36,7% khách du lịch vào Việt Nam. 
 
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, để đạt được những kết quả tích cực như trên là do lãnh đạo Thành phố đã quyết tâm xây dựng nền hành chính phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp; sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Thành phố về cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; đổi mới trong công tác xúc tiến đầu tư, xác định rõ các đối tượng trọng tâm, trọng điểm. Chủ tịch UBND Thành phố đã trực tiếp chỉ đạo kêu gọi đầu tư, tiếp xúc với các Tập đoàn lớn, chỉ đạo thực hiện giải quyết các thủ tục nhanh chóng cho các nhà đầu tư. Thành phố Hà Nội định kỳ hàng năm tổ chức các Hội nghị xúc tiến đầu tư với quy mô lớn và sự tham gia của hàng nghìn đại biểu là đại diện của Chính phủ; các Bộ, ngành Trung ương; các tổ chức quốc tế, đại diện các địa phương lân cận và đặc biệt là đông đảo các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh tại Hà Nội. Thành phố tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự năng động và tiên phong của lãnh đạo các cấp chính quyền và đội ngũ cán bộ công chức trong hỗ trợ nhà đầu tư/doanh nghiệp; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hồ sơ hành chính; Công bố công khai, minh bạch toàn bộ các quy hoạch theo nhiều hình thức để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin. Thành phố Hà Nội cũng đã thường xuyên tham gia các cơ chế đối thoại giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các tổ chức JICA, JCCI, là kênh quan trọng cùng với Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, góp phần tích cực vào việc hoàn thiện thể chế chính sách, cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam. 
 
Trong lĩnh vực du lịch: Thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển kinh tế xã hội gắn với phát triển văn hóa, du lịch. Thủ đô Hà Nội được Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới đề cử là 01 trong 17 ứng viên bình chọn hạng mục giải thưởng "Điểm đến thành phố hàng đầu Thế giới 2018". Vào tháng 3 hàng năm, thành phố Hà Nội tổ chức Lễ hội Hoa Anh Đào Nhật Bản – Hà Nội với nhiều hoạt động nhằm quảng bá kinh tế, văn hóa của hai quốc gia. 
 
Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài
 
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, thành phố Hà Nội khẳng định nguồn lực đầu tư xã hội là động lực cho sự phát triển của Thủ đô. Riêng đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài, Hà Nội luôn mong muốn tăng cường hợp tác đầu tư, kinh doanh, mua, nhận chuyển giao công nghệ mới, kinh nghiệm và công nghệ quản lý trong phát triển đô thị thông minh; tăng cường kết nối, đẩy mạnh giao thương, xuất nhập khẩu... Một số ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với xu hướng phát triển chung, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và khai thác được các lợi thế của Thủ đô, bao gồm: Phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ và hiện đại: Giao thông, khu đô thị thông minh, hạ tầng cấp nước, thoát nước, môi trường; Lĩnh vực sản xuất, gia công và các lĩnh vực dịch vụ có mức độ giá trị gia tăng cao, người lao động có mức lương cao hơn và được phát triển kỹ năng như Dịch vụ CNTT, Công nghệ sinh học, Du lịch, Thương mại, Giáo dục đào tạo, Y tế - Chăm sóc sức khỏe, Logistic vốn là các lĩnh vực thế mạnh của các nhà đầu tư Nhật Bản.
 
Để tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, năm 2019, Thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh các công tác như: Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; nâng cao năng lực cạnh tranh, chỉ số PCI, nhất là trong các lĩnh vực: Quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép đầu tư. Thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi, nhất là về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực; Tăng cường xúc tiến đầu tư, thực hiện các giải pháp huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển. Rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Tháo gỡ về thủ tục cho các nhà đầu tư; chú trọng các dự án lớn để tập trung hoàn thành thủ tục đẩy nhanh tiến độ cấp phép và triển khai thực hiện dự án. Mục tiêu thu hút FDI năm 2019 đạt trên 5 tỷ USD và tỷ lệ giải ngân đạt trên 2,3 tỷ USD. 
 
Về du lịch, Thành phố Hà Nội sẽ tập trung phát triển cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, đảm bảo tính bền vững; đưa du lịch Hà Nội thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thông qua việc thúc đẩy tiến độ đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, có chất lượng cao, hấp dẫn khách du lịch. 
 
Riêng với Nhật Bản, thành phố Hà Nội tiếp tục tăng cường, thường xuyên trao đổi, liên kết trong việc phối hợp tổ chức các đoàn FAMTRIP, PRESSTRIP  và các sự kiện giao lưu văn hóa giữa thành phố Hà Nội và các thành phố của Nhật Bản...

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t