Đẩy mạnh việc khai thác mạng xã hội phục vụ công tác Tuyên giáo (15:00 29/12/2017)


HNP - Sáng 29/12, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 15/11/1997 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về "Nâng cao chất lượng, tăng cường sự lãnh đạo và quản lý công tác báo chí - xuất bản Hà Nội"; sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 3/10/2012 của Thành ủy Hà Nội (khoá XV) về "Tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố Hà Nội"; tổng kết công tác tuyên giáo thành phố năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018. 

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng trao Bằng khen cho các tập thể tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ công tác Tuyên giáo 2017


Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; đồng chí Phạm Văn Linh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Trần Quang Cảnh, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Huy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong.
 
Báo cáo đánh giá kết quả công tác Tuyên giáo năm 2017, Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Phạm Thanh Học nhấn mạnh: công tác Tuyên giáo thành phố đã tham mưu giúp Thường trực Thành ủy, cấp ủy các cấp nhiều vấn đề bức thiết trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng; chất lượng, hiệu quả công tác tuyên giáo tiếp tục được nâng lên.
 
Ngành Tuyên giáo đã tích cực tham mưu giúp cấp ủy các cấp triển khai thực hiện học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Trung ương 4 tới cán bộ, đảng viên và tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; tổ chức học tập, quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 4,5, 6 (khoá XII), chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, gắn với nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
 
Cùng với đó, công tác tuyên giáo đã nắm bắt và dự báo kịp thời diễn biến những vấn đề lớn, phức tạp, tác động đến tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác tuyên giáo; chú trọng bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo thành phố; đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng CNTT, kết hợp với bảo mật thông tin trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ...
 
Về kết quả 20 năm thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TU, báo cáo của Ban Tuyên giáo chỉ rõ, năm 1997, Hà Nội có 8 cơ quan báo chí với 8 ấn phẩm chính và Đài PTTH Hà Nội. Đến nay, hệ thống báo chí Hà Nội gồm có 22 cơ quan, trong đó, có 13 báo in, 8 tạp chí và Đài PTTH Hà Nội với 21 ấn phẩm chính, 11 ấn phẩm phụ, 7 cơ quan đã xuất bản báo điện tử.
 
Báo chí Hà Nội cùng báo chí Trung ương, trong những năm qua, đã có nhiều cố gắng, vượt qua khó khăn để đổi mới vươn lên, có bước phát triển không ngừng cả về chất lượng nội dung, quy mô và hình thức, thể hiện rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ là tiếng nói của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, là diễn đàn tin cậy của nhân dân Thủ đô.
 
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng và làm tốt, nhất là cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang Thủ đô đã gương mẫu trong việc chấp hành những quy định của Nhà nước, quy ước của địa phương, cơ quan, đơn vị về nếp sống văn minh, chống xa hoa lãng phí, vụ lợi trong việc tổ chức đám cưới, tạo được sức lan tỏa và từ đó có ảnh hưởng tích cực đối với nhân dân.
 
Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh đánh giá cao kết quả ngành Tuyên giáo Thủ đô đạt được trong năm 2017. Đồng chí nhấn mạnh, với vị trí, vai trò là Thủ đô, trong năm 2018, ngành Tuyên giáo cần bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, đặc biệt cần chủ động nắm bắt và dự báo những điểm nóng có thể phát sinh, từ đó, chủ động trong công tác định hướng, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận. Đồng chí cũng lưu ý Hà Nội tiếp tục đổi mới công tác quản lý báo chí, theo hướng đẩy mạnh báo điện tử, từng bước giảm dần đầu mối báo in…
 
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng ghi nhận, biểu dương những nỗ lực và sự đóng góp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác Tuyên giáo Thủ đô, qua đó góp phần vào thành tích chung của Thành phố trong năm 2017.
 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu chỉ đạo hội nghị
 
Bên cạnh những kết quả tích cực đã nêu, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế để ngành Tuyên giáo tập trung khắc phục. Đó là một số nội dung công tác tuyên giáo tính hiệu quả, thuyết phục chưa cao. Việc dự báo tình hình tư tưởng chính trị ở một số địa bàn, trong một số thời điểm chưa sâu, chưa kịp thời dẫn đến bị động trong giải quyết vụ việc. Còn chưa cập nhật, thích ứng trong việc khai thác và sử dụng internet, nhất là mạng xã hội phục vụ cho công tác tuyên giáo. Chất lượng hoạt động của công tác tuyên giáo ở cơ sở, nhất là ở cấp xã, phường, thị trấn còn không đồng đều, lúng túng, kém hiệu quả trong giải quyết những vấn đề phát sinh ở cơ sở...
 
Trên cơ sở đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị trong năm 2018, ngành Tuyên giáo Thủ đô cần tăng cường đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc hơn nữa về nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tuyên giáo, để từ đó nâng cao vị thế, vai trò công tác tư tưởng văn hóa trong công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới.
 
Đồng chí yêu cầu cấp ủy các cấp quan tâm thực hiện các giải pháp nhằm xây dựng đội ngũ tuyên giáo từ thành phố đến cơ sở; chăm lo, tạo điều kiện để hệ thống tuyên giáo các cấp thực hiện tốt việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo, với phương châm “nhanh nhạy, hiệu quả, thiết thực, bám sát thực tiễn”.
 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đặc biệt lưu ý ngành Tuyên giáo cần tăng cường dự báo tình hình, phát hiện, nắm bắt kịp thời những vấn đề bức thiết trong cuộc sống để định hướng tư tưởng chính trị và dư luận xã hội; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền toàn diện mọi mặt trong đời sống xã hội; tăng cường vai trò chỉ đạo, định hướng đối với hoạt động báo chí - xuất bản. 
 
Trong năm 2018, ngành Tuyên giáo phải tạo đột phá về việc khai thác, sử dụng mạng xã hội vào phục vụ công tác tuyên giáo của thành phố, lấy thông tin tích cực lấn át thông tin tiêu cực trên internet, mạng xã hội. Chủ động cung cấp, định hướng thông tin cho báo chí, xuất bản.
 
Sau tổng kết 20 năm Chỉ thị 25-CT/TU, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy khẩn trương nghiên cứu và đề xuất việc cập nhật, bổ sung hoặc ban hành Chỉ thị, văn bản mới của Thành ủy về công tác báo chí - xuất bản để tăng cường chỉ đạo trên lĩnh vực này gắn với triển khai thực hiện Luật Báo chí và Quy hoạch Báo chí Thủ đô đã được Ban Thường vụ Thành ủy thông qua.
 
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu trao Cờ thi đua và Bằng khen của UBND TP cho các tập thể ngành Tuyên giáo
 
Nhân dịp này, Ban Thường vụ Thành ủy đã tặng Bằng khen cho 10 tập thể, 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Tuyên giáo năm 2017; tặng Bằng khen cho 10 tập thể, 8 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TU và tặng Bằng khen cho 10 tập thể, 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU. UBND TP cũng tặng Cờ thi đua xuất sắc cho 4 tập thể, tặng Bằng khen cho 2 tập thể ngành Tuyên giáo Thủ đô.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t