Long Biên: Không ngừng nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn (21:12 27/11/2023)


HNP - Nhờ tiếp cận được nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH), thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn quận Long Biên, thành phố Hà Nội đã đầu tư vào sản xuất kinh doanh, chuyển đổi mô hình kinh tế, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Cán bộ NHCSXH quận Long Biên trao đổi với gia đình ông Nguyễn Huy Về về việc sử dụng nguồn vốn tín dụng thời gian qua


Đó là gia đình ông Nguyễn Huy Về - Hội viên cựu chiến binh Tổ dân phố số 7 phường Giang Biên, sau khi xuất ngũ về địa phương, ông lấy vợ, làm nông nghiệp nhưng chẳng đủ ăn, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Từ năm 2005, nhờ số vốn vay ban đầu 30 triệu đồng từ NHCSXH quận Long Biên và được nâng dần mức vay qua các năm, gia đình ông đã chuyển dịch cơ cấu cây trồng, trồng bưởi da xanh và nhãn. Đến nay, gia đình có hơn 5ha diện tích ao nuôi cá, đất trồng nhãn, bưởi da xanh và nhiều cây ăn quả khác, trở thành hộ có thu nhập khá tại địa phương. 
 
Không chỉ dừng lại ở việc trồng cây, nuôi cá, từ một người nông dân chỉ biết cuốc đất, tưới cây, ông Về còn tự tìm hiểu qua sách báo, rồi cùng con trai đi khắp nơi tìm hiểu các mô hình làm kinh tế. Và ông đã tìm ra được hướng đi mới cho trang trại của mình đó là sự kết hợp của nông nghiệp và du lịch sinh thái. Cho đến nay, nhờ mô hình trang trại nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái, gia đình người cựu chiến binh nghèo năm xưa đã cải thiện đáng kể, trừ các chi phí, trung bình mỗi năm gia đình thu không dưới 300 triệu đồng. Không những đem lại hiệu quả kinh tế cho hộ gia đình mình mà trang trại của ông Về còn tạo được công ăn việc làm cho 4 lao động thường xuyên và 8-10 lao động thời vụ.
 
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, gia đình ông Nguyễn Huy Về đã chuyển đổi mô hình từ chăn nuôi sang trồng cây có hiệu quả
 
Tương tự hộ vay như ông Về, ở phường Giang Biên còn có hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thu Hương, mặc dù chồng là cựu chiến binh, vợ là người khuyết tật, số vốn ban đầu để mở cửa hàng kinh doanh tạp hóa còn eo hẹp, song nhờ nguồn vốn của NHCSXH quận Long Biên ủy thác qua Hội Cựu chiến binh phường, đến nay, gia đình bà Hương đã mở rộng hoạt động kinh doanh, số vốn được quay vòng đều đặn, hàng hóa được nhập về thường xuyên, theo mùa. Bà Hương mong muốn NHCSXH sẽ nâng hạn mức cho vay nhiều hơn để gia đình bà tiếp tục mở rộng kinh doanh, buôn bán nhiều mặt hàng khác, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn.
 
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp gia đình bà Nguyễn Thị Thu Hương, phường Giang Biên kinh doanh hiệu quả
 
Chia sẻ về đóng góp của nguồn vốn tín dụng chính sách trong phát triển kinh tế-xã hội tại địa bàn, ông Nguyễn Công Đức, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Giang Biên cho biết, phường Giang Biên từ xưa là đất nông nghiệp, toàn bộ khu cánh bãi hiện nay đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, do vậy công ăn việc làm của hội viên và nhân dân rất mong muốn chính sách cho vay của NHCSXH để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Hiện nay, Hội Cựu chiến binh phường Giang Biên đang có dư nợ cho vay hơn 10,3 tỷ đồng với trên 200 hộ vay, trong đó có 7 hộ vay là người khuyết tật, 2 hộ chuyển đổi ngành nghề, còn lại 191 hộ vay để phát triển kinh tế, chuyển đổi cây trồng ở vùng bãi cũng như các dịch vụ khác. 
 
“Nguồn vốn vay được các hộ dân sử dụng đúng mục đích, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, thoát nghèo, do vậy thời gian tới, Hội Cựu chiến binh phường Giang Biên tiếp tục đề nghị NHCSXH mở rộng hạn mức vay để các hội viên có điều kiện phát triển hơn”, ông Đức cho hay.
 
Hoạt động tư vấn, hướng dẫn hồ sơ vay vốn tại NHCSXH quận Long Biên
 
Theo thống kê, doanh số cho vay năm 2023 của NHCSXH quận Long Biên ước đạt 130.670 triệu đồng với 1.867 lượt khách hàng được vay vốn, bằng 70% so với doanh số cho vay năm 2022. Doanh số thu nợ ước đạt 101.761 triệu đồng, bằng 59.6% so với doanh số thu nợ năm 2022 và chiếm 77.8% doanh số cho vay. Tỷ lệ thu nợ/nợ đến hạn của toàn quận năm 2023 đạt 100%. 
 
Đến 31/12/2023, tổng dư nợ của NHCSXH quận Long Biên ước đạt: 349.568 triệu đồng, tăng 28.909 triệu đồng so với 31/12/2022, trong đó, chương trình cho vay giải quyết việc làm có dư nợ cao nhất là hơn 336 triệu đồng. Tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị- xã hội ước đạt 349.568 tỷ đồng với 6.229 khách hàng đang vay tại 135 Tổ tiết kiệm và vay vốn, chiếm tỷ trọng 99.9% tổng dư nợ. Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ quản lý 209.481 triệu đồng (chiếm 59.9% tổng dư nợ uỷ thác) với 3.791 khách hàng đang vay vốn; Hội Cựu chiến binh quản lý 114.558 triệu đồng (chiếm 32.7% tổng dư nợ uỷ thác) với 1.958 khách hàng đang vay vốn; Đoàn Thanh niên quản lý 25.457 triệu đồng (chiếm 7.4% tổng dư nợ uỷ thác) với 480 khách hàng đang vay vốn.
 
Giám đốc NHCSXH quận Long Biên Nguyễn Thanh Lâm thông tin về kết quả hoạt động của đơn vị trong năm 2023 và định hướng hoạt động trong năm 2024
 
Đánh giá về chất lượng tín dụng, Giám đốc NHCSXH quận Long Biên Nguyễn Thanh Lâm cho biết: “Trong năm 2023, NHCSXH quận đã tập trung nhiều giải pháp để triển khai nâng cao chất lượng tín dụng như: nâng cao chất lượng hoạt động của điểm giao dịch phường, chất lượng công tác ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị- xã hội và chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn. Ước đến 31/12/2023, toàn quận không phát sinh nợ quá hạn.
 
Qua công tác kiểm tra, giám sát của các cấp, các ngành và cấp trên cho thấy nguồn vốn tín dụng chính sách đã đến đúng đối tượng thụ hưởng của chương trình, hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, từng bước thoát nghèo và vươn lên trong cuộc sống. Những tồn tại, hạn chế phát hiện được trong quá trình kiểm tra giám sát đều đã được kịp thời chấn chỉnh, khắc phục, giúp cho hoạt động tín dụng của NHCSXH trên địa bàn quận Long Biên ngày càng phát huy hiệu quả”.
 
Khách hàng nhận số vốn vay từ NHCSXH quận Long Biên
 
Thời gian tới, NHCSXH quận Long Biên sẽ phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban, ngành, Hội đoàn thể, UBND phường triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt tín dụng chính sách trên địa bàn quận. Nâng cao chất lượng hoạt động các điểm giao dịch, thực hiện tốt công tác kiểm tra giám sát, thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn hoạt động các Tổ Tiết kiệm và vay vốn, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động các đơn vị nhận ủy thác, quản lý tốt các nguồn vốn cho vay, phát hiện và xử lý kịp thời các vướng mắc, tồn tại, hạn chế phát sinh tại cơ sở.
 
Đồng thời, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi và hoạt động của NHCSXH để người dân nhận thức và hiểu rõ hơn, từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm trong quản lý, sử dụng vốn. Xây dựng và nhân rộng những nhân điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt trong triển khai và sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn…

Phạm Linh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t