Hai Bà Trưng tập trung xây dựng và phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh (13:54 26/06/2019)


HNP - Thực hiện Kế hoạch số 43/KH-UBND ngày 18/02/2016 của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014, Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, trong 3 năm qua, quận Hai Bà Trưng đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Thực hiện mục tiêu xây dựng con người quận Hai Bà Trưng phát triển toàn diện, quận đã tập trung cho công tác tuyên truyền; quan tâm, đầu tư, đổi mới phương pháp dạy môn học Lịch sử, tăng cường giáo dục bằng các hình thức trực quan như: Nói chuyện truyền thống, thăm quan bảo tàng, di tích cách mạng lịch sử, chiếu phim tư liệu. Đặc biệt, quận đã tập trung nguồn lực tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao có quy mô, chất lượng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, giải trí của nhân dân trong quận. Các hoạt động TDTT quần chúng tiếp tục được đẩy mạnh, nhiều mô hình hoạt động, nhiều câu lạc bộ tập luyện thể thao được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đã thu hút được nhiều đối tượng từ người cao tuổi đến thanh thiếu nhi tham gia. Quận đã tăng cường kêu gọi xã hội hóa cơ sở vật chất, triển khai lắp đặt 185 bộ dụng cụ tập luyện thể thao ngoài trời ở 14 phường phục vụ nhân dân. Các hoạt động thể thao được quan tâm tổ chức từ quận tới cơ sở, tạo phong trào tập luyện thể thao rộng rãi trong cán bộ và nhân dân trong quận.

Bên cạnh đó, phong trào xây dựng tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa tiếp tục được duy trì góp phần tạo những chuyển biến tích cực. Hàng năm, tỷ lệ Gia đình văn hóa đạt từ 81% đến trên 88%, Tổ dân phố văn hhóa đạt 70-75%, Đơn vị văn hóa đạt 65% đảm bảo chỉ tiêu Thành phố giao. Đặc biệt, văn hóa ứng xử của người dân chuyển biến tích cực từ nhận thức tới hành vi, nhiều nếp sống văn hóa tốt đẹp đã dần được khôi phục và trở thành thói quen giao tiếp hàng ngày. Trên địa bàn quận nhiều năm qua không có các vụ bạo hành gia đinh, tỷ lệ các vụ việc mâu thuẫn trong gia đình và giữa bà con khu phố đã giảm đáng kể.

Đáng chú ý, Bộ Quy tắc ứng xử của CB, CC, VC, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng được triển khai nghiêm túc. Đến nay, 100% các phường đã phổ biến tới từng tổ dân phố, đoàn viên, hội viên và nhân dân trên địa bàn. Năm 2018, Đội thi tuyên truyền Quy tắc ứng xử của Quận Hai Bà Trưng đã giành giải nhất Chung khảo Hội thi Thành phố. Toàn quận đã tổ chức 198 buổi tọa đàm tại 217 địa bàn dân cư, số ý kiến tham luận, đóng góp là hơn 1500 ý kiến; lắp đặt 560 biển tuyên truyền giữ gìn văn minh đô thị tại các ngõ xóm trên địa bàn dân cư thuộc 20 phường; in 3.500 poster tuyên truyền tuyến phố điểm Bà Triệu; 75.000 tờ gấp tuyên tuyền về thực hiện “Nếp sống văn hóa văn minh đô thị” phát đến các hộ gia đình trong quận; Tổ chức ra quân đồng bộ tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định; tháo dỡ, xóa xé quảng cáo rao vặt vi phạm trật tự đô thị. Thành lập các tổ xử lý, xử phạt nghiêm các trường hợp thả rông súc vật nuôi gây nguy hiểm cho cộng đồng.

Các hoạt động Văn hóa, văn nghệ được quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng nghệ thuật, thu hút sự chú ý đón xem của đông đảo nhân dân. Từ năm 2014, quận đã tổ chức 06 chương trình Liên hoan ca múa nhạc “Đảng - Mùa Xuân - Dân tộc”, “Uống nước nhớ nguồn”, 54 buổi biểu diễn nghệ thuật ngoài trời chào mừng, kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng với sự tham gia hơn 6.000 lượt diễn viên không chuyên, phục vụ hàng nghìn lượt khán giả.

Tại cơ sở, các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng được phát triển mạnh mẽ ngay tại địa bàn dân cư, tổ dân phố. Với chủ trương tạo điều kiện phát triển các nguồn lực xã hội để phục vụ nhu cầu hoạt động văn hóa, nghệ thuật của nhân dân, trong những năm qua, nhiều tổ chức, cá nhân đã được Quận tạo điều kiện đầu tư các cơ sở dịch vụ văn hóa. Đến nay, trên địa bàn có 53 cơ sở dịch vụ văn hoá, nhà hát cải lương, rạp xiếc, rạp chiếu phim, thu hút trên 10 vạn lượt người tham gia vui chơi mỗi năm. Công tác tu bổ, tôn tạo các di tích trên địa bàn được thực hiện đúng qui định Luật Di sản. Tổng kinh phí đầu tư tu bổ các di tích trên địa bàn là 141.819 tỷ đồng, trong đó, nguồn xã hội hóa là 123.108 tỷ đồng.

Quận cũng tăng cường kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm. Theo đó, đội kiểm tra liên ngành quận đã kiểm tra 129 lượt cơ sở karaoke, xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính 145 triệu đồng; Đã tiến hành tiêu hủy 84.096 đĩa tang vật và 64 quyển sách vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa. Chỉ đạo các phòng, ngành chức năng phối hợp với các phường kiểm tra, rà soát biển hiệu, biển quảng cáo sai quy định trên địa bàn quận, có 2.995 cơ sở kinh doanh vi phạm về biển hiệu và 76 biển quảng cáo, đã xử lý 2.670 trường hợp vi phạm, xử lý 28 biển quảng cáo vi phạm. Tổ chức ra quân thực hiện bóc, xóa, xé, tháo dỡ hơn 88.562 quảng cáo rao vặt hơn trên các gốc cây, cột điện, xử lý biển hiệu, biển quảng cáo sai quy định.

Đến năm 2020, quận Hai Bà Trưng phấn đấu: Tỷ lệ hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa 86%, Tỷ lệ tổ dân phố được công nhận danh hiệu tổ dân phố văn hóa 71%; Xây dựng thêm 04 trường chuẩn quốc gia để đảm bảo tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia 70%; Đầu tư xây dựng thêm 01 trường học chất lượng cao để hoàn thành chỉ tiêu 2/2 trường;  Phấn đấu 70% địa bàn dân cư có nơi sinh hoạt cộng đồng; Đầu tư xây dựng mới Trung tâm Văn hóa Thông tin và thể thao quận.

Để đạt mục tiêu trên, quận sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư nhà sinh hoạt cộng đồng và lắp đặt dụng cụ thể dục, thể thao tại địa bàn dân cư. Đồng thời, tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục, đào tạo: Tăng cường bám sát cơ sở, thực hiện kỷ cương trong quản lý, thực chất trong đánh giá chất lượng học tập. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo ý thức trách nhiệm của người dân, nhất là thế hệ trẻ trong thực hiện nếp sống thanh lịch, văn minh, giữ gìn, phát triển các giá trị văn hoá Thăng Long - Hà Nội, tôn trọng kỷ cương, pháp luật. Gắn nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh với các cuộc vận động và phong trào quần chúng khác. Phát động các phong trào thi đua yêu nước sâu rộng, với nội dung thiết thực và hiệu quả. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng những tấm gương “Người tốt, việc tốt”.


Hoàng Ngân


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t