Hà Đông phát huy lợi thế trở thành động lực phát triển khu vực phía Tây Nam Thủ đô (19:38 26/07/2023)


HNP - Chiều 26/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đã làm việc với Quận ủy Hà Đông về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023; nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.  

Các đồng chí Thường trực Thành ủy chủ trì buổi làm việc


6 tháng đầu năm 2023, đạt 11/14 chỉ tiêu kế hoạch
 
Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Quận ủy Hà Đông Nguyễn Thanh Xuân cho biết: Năm 2022, quận đã đạt 22/23 chỉ tiêu kế hoạch năm, trong đó, 13 chỉ tiêu vượt kế hoạch, đạt 93,39%. Năm 2023, quận đặt 26 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, trong đó, có 9 chỉ tiêu đánh giá theo năm và 14 chỉ tiêu đánh giá được trong 6 tháng đầu năm. Kết quả, có 11/14 chỉ tiêu đạt kế hoạch, trong đó, 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Năm 2022, tổng giá trị sản xuất một số ngành chủ yếu của quận tăng 15,88%, vượt 12,72% kế hoạch. Vốn đầu tư xã hội thực hiện cả năm 2022 đạt 93.790 tỷ đồng, tăng 8,1% so với năm 2021; 6 tháng đầu năm 2023, đạt 49.450 tỷ đồng, đạt 46,48% kế hoạch năm. Tổng thu NSNN năm 2022 đạt 4.921 tỷ đồng, (93,39% dự toán giao); 6 tháng đầu năm, thu NSNN đạt hơn 2.037 tỷ đồng (38,7% dự toán giao); thu Ngân sách địa phương hơn 3.693 tỷ đồng.
 
Tổng vốn kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 của quận 3.814 tỷ đồng, trong đó, 474 công trình, dự án với kinh phí hơn 3.569 tỷ đồng; 03 chương trình đề án và 3 nhiệm vụ cấp bách thực hiện hàng năm với kinh phí 139,257 tỷ đồng…Kết quả, năm 2021 giải ngân 615,465 tỷ đồng; Năm 2022, giải ngân 463,066 tỷ đồng (98,7% kế hoạch vốn); Năm 2023, giao kế hoạch 105 dự án tổng số vốn 594,068 tỷ đồng, đến 30/6/2023, đã giải ngân 254,853 tỷ đồng (42,9% kế hoạch vốn).
 
Bí thư Quận ủy Hà Đông Nguyễn Thanh Xuân báo cáo tại buổi làm việc

Văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được đảm bảo, chất lượng cuộc sống người dân được nâng lên. Năm học 2021-2022, ngành Giáo dục - Đào tạo quận được công nhận 13/13 chỉ tiêu thi đua đạt xuất sắc. Toàn quận có 213/254 tổ dân phố có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng (đạt 83,9%), 16 sân vận động, 41 sân bóng đá mini, 44 nhà đa năng, 19 bể bơi, 38 điểm lắp đặt thiết bị thể dục thể thao ngoài trời. Các mô hình văn hóa được triển khai, đạt kết quả tích cực. Từ năm 2021 đến nay quận không còn hộ nghèo. Năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, đã giảm 105 hộ cận nghèo, hiện còn 156 hộ cận nghèo (chiếm 0,15% tổng số hộ) (trong đó, có 5 phường không còn hộ cận nghèo); chỉ tiêu đến 2025, sẽ có thêm 9/17 phường không còn hộ cận nghèo.
 
Kiến nghị, đề xuất với Đoàn, Bí thư Quận ủy Hà Đông Nguyễn Thanh Xuân đề nghị UBND Thành phố xem xét khoản thu tiền sử dụng đất theo hướng: Tiền thu sử dụng đất sau khi trừ chi phí GPMB và đầu tư hạ tầng được nộp ngân sách Nhà nước và phân chia theo tỷ lệ quy định, bởi hiện nay, tiền GPMB và đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá được lấy từ đầu tư công trong khoản kinh phí 40% tiền thu từ đất quận được hưởng không đảm bảo; đề nghị Thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư thống nhất hướng dẫn cụ thể để đăng ký danh mục các dự án thu hồi đất đối với trường hợp thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định, tạo điều kiện cho quận thực hiện xã hội hóa đầu tư xây mới các chợ dân sinh.

Bên cạnh đó, đề nghị Thành phố làm việc với nhà đầu tư Dự án xây dựng các tuyến đường đấu nối hạ tầng các khu dân cư quận Hà Đông cam kết tiến độ thực hiện, nếu vướng mắc không tiếp tục triển khai đề nghị cho dừng thực hiện dự án BT chuyển sang hình thức đầu tư công và giao quận làm chủ đầu tư. Nguồn thực hiện từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất các khu đất đối ứng. Bí thư Quận ủy cũng đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo các chủ đầu tư các khu đô thị mới cam kết tiến độ thực hiện, sớm đầu tư trường học hoặc bàn giao quỹ đất cho quận thực hiện đầu tư công đáp ứng nhu cầu trường học trên địa bàn…
 
Cần đặt Hà Đông đúng tầm để đầu tư phát triển
 
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn cho rằng cần nhìn nhận Hà Đông là quận trung tâm không giống các quận khác, bởi, vốn dĩ Hà Đông trước là Thành phố trực thuộc tỉnh, là trung tâm văn hóa, chính trị hành chính của tỉnh Hà Tây trước đây. Do đó, xét về quy mô, tính chất, văn hóa, lịch sử, địa chính trị, khi mở rộng địa giới hành chính, thì quận chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức như một trung tâm đô thị. Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố nhấn mạnh phải xác định đây là thế mạnh, là động lực để phát triển khu vực phía Tây của Thành phố. Theo đồng chí, quận Hà Đông phải quan tâm, tập trung giải quyết những tồn tại, hạn chế do lịch sử để lại; phải có chiến lược và kế hoạch lâu dài để giải quyết dứt điểm các tồn tại, yếu kém nếu như muốn phát triển thực sự mạnh mẽ.
 
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu tại buổi làm việc
 
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng cho rằng Hà Đông không chỉ là một quận mà còn là trung tâm của tỉnh Hà Sơn Bình trước đây. Tuy nhiên, hiện nay, toàn bộ thiết chế văn hoá tại đây không có. Do đó, đề nghị quận khi thực hiện quy hoạch phải quan tâm xây dựng các thiết chế văn hóa; cần làm sớm quy hoạch làng nghề lụa Vạn Phúc để thúc đẩy du lịch của quận. Hiện nay, Trung tâm văn hoá tại phố Phùng Hưng, do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội quản lý hiện nay không sử dụng, đồng chí đề xuất nên giao cho quận Hà Đông quản lý để khai thác, sử dụng.
 
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi làm việc
 
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn thống nhất với báo cáo và các ý kiến của các đại biểu. Đồng chí ghi nhận những kết quả quận đã đạt được trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, đặc biệt là công tác GPMB dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô, đạt 84%. Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn cũng đồng tình với các ý kiến cho rằng Hà Đông trước đây là Thủ phủ của tỉnh Hà Tây và Hà Sơn Bình, có bề dầy văn hóa lịch sử, do đó, quận phải có những đề xuất, đưa ra sản phẩm xứng tầm; quan tâm giải quyết các vấn đề liên quan đến quản lý đô thị, như: quản lý chung cư, đất đai, trật tự xây dựng, môi trường. Nhấn mạnh quận phải khai thác triệt để Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2025”, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị quận quan tâm giải quyết vấn đề đất dịch vụ, không để tiềm ẩn các vấn đề phức tạp.
 
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh phát biểu tại buổi làm việc
 
Còn theo Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, khách quan nhìn lại quận đã làm được nhiều việc, nhất quyết tâm thực hiện Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô qua địa bàn quận; tháo gỡ khó khăn thực hiện Trạm bơm Yên Nghĩa… Tuy nhiên, thời gian tới, quận làm tốt các dự án BT; rà soát lại toàn bộ quỹ đất liên quan đến xây dựng hạ tầng xã hội tại các khu đô thị trên địa bàn; triển khai sớm GPMB để triển khai các dự án giao thông…
 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại buổi làm việc
 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhận định Hà Đông có lợi thế với làng nghề truyền thống, là trung tâm chính trị của tỉnh Hà Sơn Bình và Hà Tây trước đây. Tuy nhiên, sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, quận chưa phát huy được tiềm năng để phát triển. Đồng chí cho rằng, khó khăn nhất của quận là tăng dân số quá nhanh tạo áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị. Mới đây, Thành phố đã phê duyệt, triển khai một số dự án giao thông lớn trên địa bàn như: đường Vành đai 4, đường 21B, đường Vành đai 3, đường Lê Văn Lương kéo dài…Tuy nhiên, đến thời điểm này, chưa có dự án đô thị nào mới được triển khai xây dựng.
 
Thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị quận cần quan tâm đầu tư hạ tầng kết nối các đô thị hiện có, tập trung giải quyết các tồn tại trong công tác quản lý đất đai; quyết tâm tháo gỡ từng dự án chậm triển khai và giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là tại sông Nhuệ. Bên cạnh đó, tập trung vào công tác cán bộ, đảm bảo sự đoàn kết, ổn định, tập trung để phát triển.
 
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu kết luận buổi làm việc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng ghi nhận, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Hà Đông trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023. 
 
Theo đồng chí, Hà Đông có bề dày truyền thống lịch sử, có vị trí địa lý quan trọng, giao thông thuận lợi là trung tâm phía Tây Nam Thủ đô rất thuận lợi cho phát triển. Do đó, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu quận, trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ xác định rõ thứ tự ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm, nhất là tập trung cho các dự án, công trình có tính chiến lược lâu dài và giải quyết những hạn chế, những vấn đề còn tồn đọng.
 
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh quận cần đổi mới mạnh hơn nữa trong tư duy, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Trước hết, quận cần tập trung làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; làm tốt công tác tổ chức cán bộ. Thông qua đó, tạo động lực mới nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ...
 
Cùng với đó, quận phải chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế đô thị để đảm bảo sinh kế lâu dài cho người dân. Đồng thời, tập trung các dự án trọng điểm, nhất là các dự án liên quan đến dân sinh như trường học, công viên, vườn hoa…
 
Theo Bí thư Thành ủy, quận phải hướng tới xây dựng trở thành xanh - sạch - đẹp; tập trung đầu tư dứt điểm các dự án hạ tầng giao thông quan trọng trên địa bàn, để tạo thành điểm nhấn trong nhiệm kỳ này. Bên cạnh đó, phải kiên quyết, quyết liệt hơn nữa trong xử lý các dự án chậm tiến độ; đầu tư phát triển cho văn hóa, giáo dục, y tế, cụ thể, phải tập trung triển khai quyết liệt Nghị quyết 09-NQ/TU về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045", bởi đây là tiềm năng rất lớn để góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Vương Vân


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t