Quận Hà Đông: Tiếp tục đẩy mạnh phát triển thương mại dịch vụ (14:38 10/04/2018)


HNP - Đề án số 02-ĐA/QU “về phát triển thương mại dịch vụ quận Hà Đông giai đoạn 2016 - 2020” được Quận ủy Hà Đông triển khai từ tháng 4/2016. Đến nay, sau 02 năm thực hiện Đề án đã đạt được một số kết quả nhất định, giá trị sản xuất tăng đáng kể.

Ngay sau khi Đề án được ban hành, quận đã tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung Đề án đến cán bộ, đảng viên, các tổ chức kinh tế, các hộ sản xuất, kinh doanh để cán bộ, đảng viên và các tổ chức, các hộ gia đình nắm chắc nội dung, chủ động tham gia thực hiện Đề án. Bước đầu xây dựng và thực hiện mô hình điểm trong sản xuất nông nghiệp nhằm thúc đẩy các dịch vụ của HTX phát triển và khôi phục diện tích đất xen kẹt, khó khăn trong sản xuất.

Theo Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Nguyễn Văn Trường: quá trình đô thị hoá trên địa bàn quận diễn ra với tốc độ nhanh đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là ngành thương mại, du lịch, dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế. Điều đó được thể hiện mạng lưới kinh doanh phân bổ đều, một số ngành, nhóm hàng đã được quy hoạch có hệ thống, đã áp dụng các phương thức kinh doanh theo hướng văn minh, gắn liền với các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu và giới thiệu sản phẩm, hoạt động kinh doanh hệ thống chợ đã bắt đầu đi vào ổn định, nâng cao dần chất lượng phục vụ nhân dân đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh.

Tổng giá trị sản xuất ngành dịch vụ năm 2017 là 81.230 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), so với năm 2016 tăng 20,77%, so với năm 2015 tăng 44,35%. Ước năm 2018 đạt 94.753 tỷ đồng, tăng 68,38% so với năm 2015. Tổng mức bán lẻ hàng hoá năm 2017 khu vực ngoài nhà nước đạt 54.443 tỷ 770 triệu đồng (giá hiện hành) tăng 16,40% so với cùng kỳ năm trước, tăng 35,19% so với năm 2015.

Giai đoạn 2010 - 2015, toàn quận có 02 trung tâm thương mại, 16 siêu thị. Đến nay, có 05 trung tâm thương mại, 18 siêu thị. Nhìn chung, hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn còn tương đối mới, quy mô các siêu thị chưa lớn nhưng cơ bản đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn các phường hệ thống các cửa hàng tiện ích đang phát triển rất nhanh với 41 cửa hàng tiện ích của một số hệ thống chính như: Vimart+; TMAX, Quikmart; Euromart... và nhiều cửa hàng tự chọn đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng cao của các hộ dân trên địa bàn.

Hệ thống chợ trên địa bàn phát triển khá nhanh và cơ bản đáp ứng được sự gia tăng của nhu cầu mua bán, trao đổi và tiêu dùng hàng hóa của dân cư. Hiện nay, trên địa bàn quận có 17 chợ. Các chợ đều có Ban quản lý, bộ phận kế toán, thủ quỹ, đội PCCC, tổ điện nước và tổ bảo vệ - an ninh trật tự, trông xe. Nhìn chung, cho đến nay, các chợ trên địa bàn quận phát triển theo quy hoạch, các chợ đều hoạt động ổn định, thu hút được nhiều hộ vào kinh doanh, đảm bảo việc làm cho tiểu thương và người dân địa phương.

Tuy đạt được nhiều kết quả khả quan trong phát triển thương mại dịch vụ, nhưng theo Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Nguyễn Văn Trường, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số tồn tại như: Một số phường chưa có chợ và chưa quy hoạch chợ, không đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân nên còn tồn tại một số chợ cóc, chợ tạm, điểm kinh doanh tự phát lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè gây mất trật tự giao thông và vệ sinh an toàn thực phẩm. Do có sự thay đổi cơ chế chính sách của Nhà nước về quản lý đất đai, quản lý dự án thu hút đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn Thành phố Hà Nội nên việc triển khai đầu tư các dự án phát triển hạ tầng thương mại còn chậm. Quận Hà Đông hiện có 06 làng nghề, trong quá trình hoạt động của các làng nghề vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong công tác bảo tồn, phát triển làng nghề; tuyên truyền quảng bá giới thiệu sản phẩm; xây dựng, quản lý, phát triển thương hiệu, đào tạo nhân cấy nghề, đổi mới công nghệ sản xuất...

Trong thời gian tới, quận Hà Đông tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phát triển thương mại dịch vụ trên địa bàn quận; Tập trung đẩy nhanh đầu tư xây dựng mới, xây dựng lại, nâng cấp, cải tạo và mở rộng các chợ như chợ La Cả (phường Dương Nội), Chợ Yên (phường Yên Nghĩa), Chợ Mậu Lương (phường Kiến Hưng); Quyết liệt giải tỏa các chợ cóc, chợ tạm tồn tại trên địa bàn các phường.

Đặc biệt, quận sẽ quy hoạch và đầu tư xây dựng 03 Trung tâm chuyên kinh doanh thực phẩm sạch quy mô 5.000 - 7.000m2 nhằm tạo địa điểm tin cậy cho các khách hàng tiêu dùng, đồng thời tạo động lực để khuyến khích việc sản xuất, chế biến các sản phẩm thực phẩm sạch có thị trường tiêu thụ ổn định; Thực hiện phát triển tuyến phố văn minh đô thị, tuyến phố chuyên doanh, kết hợp việc đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến phố với việc xây dựng tuyến phố văn minh đô thị tại tuyến phố Phúc La - Văn Phú (đoạn qua phường Phú La); tuyến phố Tô Hiệu, Lê Hồng Phong (phường Nguyễn Trãi, Hà Cầu); Tiếp tục chỉ đạo thực hiện xây dựng tuyến phố chuyên doanh văn minh thương mại tại phường Vạn Phúc. Xây dựng kế hoạch và triển khai xây dựng Tuyến phố chuyên doanh văn minh thương mại mặt hàng đồ gia dụng tổng hợp (phường Phú Lương); tuyến phố chuyên doanh văn minh thương mại mặt hàng và các sản phẩm làng nghề rèn Đa Sỹ (phường Kiến Hưng).

Cùng với đó, tăng cường hỗ trợ các HTX nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp xây dựng các mô hình sản xuất gắn với phát triển dịch vụ nhằm thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển, đẩy mạnh phát triển sản xuất và dịch vụ, du lịch trong các làng nghề thông qua việc khuyến khích và hỗ trợ các hộ sản xuất đầu tư máy móc thiết bị, cải tiến kỹ thuật, bổ sung mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm; Hỗ trợ các Hiệp hội làng nghề: Dệt lụa Vạn Phúc, rèn Đa Sỹ, Mộc Thượng Mạo xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm của làng nghề và của hộ sản xuất…


Thanh Tình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t