Tình hình báo chí trong tuần (Từ ngày 22/8/2015 đến ngày 30/8/2015) (15:16 01/09/2015)



Những nội dung trọng tâm:
1. Thời sự, chính trị


Thông tin Đại hội Đảng các cấp tiến tới ĐH đảng bộ Hà Nội lần thứ XVI, ĐH đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng: Ngày 28/8, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội XII của Đảng đã họp phiên thứ 3, thảo luận và cho ý kiến về Báo cáo của Thường trực Tiểu ban về kết quả triển khai thực hiện công tác tổ chức phục vụ Đại hội XII của Đảng của các cơ quan, đơn vị thời gian qua và các nhiệm vụ triển khai trong thời gian tới; các báo cáo của một số cơ quan trình xin ý kiến Tiểu ban về một số vấn đề liên quan đến công tác tổ chức phục vụ Đại hội XII của Đảng. Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội XII của Đảng đã ghi nhận, biểu dương tinh thần khẩn trương triển khai công việc và các kết quả đã đạt được trong thời gian qua của các cơ quan, đơn vị. Đồng thời yêu cầu các cơ quan, đơn vị thời gian tới cần khẩn trương, quyết liệt hơn công tác tổ chức phục vụ Đại hội XII của Đảng, sớm trình Tiểu ban các đề án cần xin ý kiến, các đề xuất, kiến nghị để kịp thời được giải quyết. Tại Hà Nội, để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI, tuần qua, nhiều Đảng bộ các cấp đã họp, tổng kết, rút kinh nghiệm và tổ chức khen thưởng các tập thể, đơn vị đã có thành tích tốt trong công tác phục vụ Đại hội (Hà Nội mới, Kinh tế đô thị, 28/8).

Tuần qua, tại Hà Nội, nhiều hoạt động Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 đã diễn ra như: Triển lãm thành tựu Kinh tế - Xã hội năm 2015 với chủ đề "Đổi mới, hội nhập và phát triển" tại Trung tâm triển lãm Giảng Võ; Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam với sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển (1945-2015)”; Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng Hà Nội tổ chức trên 100 buổi chiếu phim miễn phí phục vụ nhân dân; Thành đoàn Hà Nội đã tổ chức chương trình điểm hẹn thanh niên “Tôi yêu Tổ quốc tôi”; Báo Hànộimới tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Viết tiếp những trang sử hào hùng của những ngày tháng 8-1945 lịch sử"…

Trong tối ngày 29/8, tại Quảng trường Ba Đình, Ban Tổ chức cấp Quốc gia kỷ niệm các ngày lễ lớn trong hai năm 2014 - 2015 đã tổ chức lễ tổng duyệt chương trình mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Mặc dù thời tiết không thuận lợi, nhưng với sự cố gắng, nỗ lực của các tập thể, cá nhân, buổi tổng duyệt được tổ chức trang trọng, hào hùng, bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối.

Trước đó, ngày 26-8, UBND TP Hà Nội đã tổ chức họp rà soát công tác chuẩn bị, triển khai kế hoạch cho lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2015). Theo đó, công tác tuyển chọn, luyện tập diễu binh, diễu hành các khối của Hà Nội được thực hiện khá nhuần nhuyễn; CATP Hà Nội đã có thông báo về việc phân luồng giao thông phục vụ lễ mít tinh, diễu hành; Sở Y tế Hà Nội đã chuẩn bị sẵn sàng phương án đảm bảo công tác khám chữa bệnh, thường trực cấp cứu; Sở GTVT Hà Nội cũng ra kế hoạch tạm dừng cấp phép giấy phép thi công đào hè đường trên toàn Thành phố. Trước dự báo có mưa vừa đến mưa to trong dịp nghỉ lễ 2-9, TP Hà Nội cũng đã bố trí hơn 2.000 cán bộ, 100 xe ô tô để ứng phó khi có ngập lụt xảy ở các tuyến phố. Đồng thời, công nhân sẽ được huy động trực 24/24h trong ngày 2/9.

Trên các báo Trung ương và Hà Nội tuần qua tiếp tục đăng tải nhiều bài viết về các hoạt động nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9: Khai mạc Triển lãm 70 năm Thành tựu kinh tế-xã hội  (Infonet, 28/8). Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 với sự nghiệp đổi mới (Hà Nội mới, 24/8). Tọa đàm trực tuyến "Viết tiếp những trang sử hào hùng của những ngày tháng 8-1945 lịch sử" (Hà Nội mới, 27/8). Trên 100 buổi chiếu phim miễn phí phục vụ nhân dân tại Hà Nội (Vietnamplus, 27/8). Tổng duyệt chương trình mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm Quốc khánh 2-9 (Hà Nội mới, 30/8), Nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 (Quân đội nhân dân, 30/8). Sẵn sàng 2.000 người chống ngập dịp Quốc khánh (VnExpress 30/8), Huy động 2.000 người chống ngập lụt ngày Quốc khánh (Tiền phong, 31/8).Phân luồng giao thông phục vụ lễ mít tinh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Quốc khánh (Hà Nội mới, 25/8) Hà Nội đảm bảo công tác y tế phục vụ lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh (Vietnamplus, 30/8).

2. Kinh tế, xây dựng và quản lý đô thị

UBND Thành phố vừa yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Cục Thuế, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan tăng cường các biện pháp quản lý, bảo đảm việc thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi giao đất, cho thuê đất đối với các tổ chức, cá nhân. Cụ thể, phải thu đúng, đủ các khoản tiền trước khi bàn giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đối với các chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính nhưng đã bán nhà ở, công trình, Sở Tài nguyên và Môi trường phải khẩn trương kết luận, đề xuất phương án xử lý với từng dự án cụ thể. Tăng cường quản lý, bảo đảm thu đủ tiền sử dụng đất (Nhân dân, 24/8).

Tại hội nghị “Xúc tiến đầu tư thành phố Hà Nội năm 2015” diễn ra ngày 24/8, Hà Nội công bố chính thức 11 dự án quy mô lớn thu hút đầu tư. Các dự án này tập trung trong các lĩnh vực: công nghiệp, thương mại, dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị. Trong đó, 8 dự án đang kêu gọi, lựa chọn chủ đầu tư và 3 dự án đang kêu gọi nhà đầu tư thứ phát. Hà Nội cam kết tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, phù hợp tiến trình hội nhập quốc tế; thực hiện các giải pháp để hỗ trợ, giải quyết vướng mắc cho các nhà đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư kinh doanh, làm ăn lâu dài tại Thủ đô. Hà Nội kêu gọi đầu tư 11 dự án lớn (An ninh Thủ đô, 25/8), Hà Nội mời gọi đầu tư (Hà Nội mới, 24/8).

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, HNX sẽ tổ chức đấu thầu 2.000 tỷ đồng trái phiếu xây dựng Thủ đô vào ngày 28/8. Theo Đề án phát hành trái phiếu xây dựng Thủ đô đã được UBND Thành phố phê duyệt, năm 2015 Hà Nội sẽ phát hành 4.000 tỷ đồng trái phiếu. Toàn bộ số tiền thu được sẽ sử dụng cho các dự án phát triển an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố gồm 13 dự án chuyển tiếp trong năm 2015, 3 dự án ODA đang triển khai cần phải đối ứng vốn để đảm bảo tiến độ, 7 dự án hoàn thành sau năm 2015… Đấu thầu 2.000 tỷ đồng trái phiếu xây dựng Thủ đô (An ninh Thủ đô, 24/8)

Trước đề xuất lát đá mặt đường một số tuyến phố đi bộ trong khu phố cổ Hà Nội, UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi UBND quận Hoàn Kiếm, các sở Xây dựng, GTVT, thống nhất với đề nghị tạm dừng đề xuất trên và giữ nguyên kết cấu mặt đường các tuyến phố. Trong trường hợp cần cải tạo, nâng cấp các công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật trong khu vực phố cổ có ảnh hưởng đến kiến trúc, cảnh quan đô thị, UBND quận Hoàn Kiếm có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành, khảo sát, nghiên cứu kỹ, thống nhất đề xuất phương án cụ thể, phù hợp; tổ chức lấy ý kiến cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn và cộng đồng nhân dân; báo cáo UBND thành phố xem xét, chấp thuận trước khi triển khai. Hà Nội: Giữ nguyên kết cấu mặt đường các tuyến phố đi bộ (Hà Nội mới, 26/8)

Trong khi Hà Nội đang nỗ lực xử lí nhà siêu mỏng thì hiện tại trên một số tuyến đường của Thành phố vẫn xuất hiện những ngôi nhà “dị kỳ”. Theo khảo sát của báo Infonet, trên đường Nguyễn Văn Huyên hiện đã xuất hiện gần 10 ngôi nhà siêu mỏng siêu méo, thậm chí có căn chỉ rộng 2,5m2. Cuối tuyến đường này, gần Bảo tàng Dân tộc học còn xuất hiện gần chục ki-ốt nhà siêu dị kỳ, chiều dài khoảng 2,5m rộng chưa đầy 1m, tầng 2 được gia cố bằng sắt chòi ra vỉa hè hơn 1m. Tại đường Trần Phú – Kim Mã cũng có nhiều ngôi nhà với những bức tường phá dở nhô ra thụt vào nằm chễm chệ trước mặt phố. Cùng với đó là không ít những ki - ốt nhỏ xíu chưa đầy 1m2. Hà Nội vỡ kế hoạch vì "đường đắt nhất hành tinh" (Infonet, 27/8)

Liên quan đến thông tin về việc có đinh rải trên cầu Nhật Tân, ngày 26/8, Công ty TNHH MTV Công trình giao thông Hà Nội cho biết, khi thấy có tình trạng xe máy bị sự cố thủng săm do va vào các vật nhọn rơi vãi trên mặt đường cầu Nhật Tân, công ty đã yêu cầu đơn vị được giao nhiệm vụ quét dọn, thu gom rác thải trên mặt đường tuyến cầu Nhật Tân tăng cường xuất xe quét rác hoạt động. Đinh nhọn trên cầu Nhật Tân đã được thu gom (An ninh Thủ đô, 27/8).

Hiện Hà Nội đã đưa vào khai thác 100% các hầm bộ hành và triển khai biện pháp nâng cao công tác quản lý, duy tu, khai thác, sử dụng hầm. Theo số liệu quản lý hiện tại, hiệu suất của các hầm bộ hành ở Hà Nội có từ 500 đến 5.000 lượt người qua lại hầm/ngày đêm, cao nhất là hầm bộ hành khu vực bến xe Mỹ Đình có 3.000 - 5.000 lượt người qua lại/ngày đêm. Hệ thống chiếu sáng, thông gió, bơm nước trong hầm được tăng cường, chốt trực vệ sinh hầm, hướng dẫn giao thông giúp đỡ người tàn tật qua hầm. Tình hình trật tự trị an và các thông tin liên quan đều được phản ánh với đơn vị quản lý và ban quản lý dự án để xử lý kịp thời. Tuy nhiên, tình trạng người tham gia giao thông vứt rác xuống hầm, người dân bày bán hàng quán bên cửa hầm làm mất vệ sinh vẫn tồn tại. Người dân Thủ đô không còn sợ hầm bộ hành (Tin tức, 24/8).

Những ngày qua, nhiều ki-ốt bánh Trung thu bày bán tràn ra vỉa hè nhiều tuyến phố của Thành phố. Cùng với việc mất mỹ quan đô thị, việc này còn ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm bánh được bày bán và việc tham gia giao thông của người dân. Trước thực tế trên, Sở GTVT Hà Nội đã yêu cầu Thanh tra giao thông phải vào cuộc xử lý và báo cáo kết quả trước 20/9. Ki-ốt bánh trung thu tràn ra vỉa hè: Báo cáo kết quả giải tỏa trước 20/9 (Tiền phong, 25/8).

Ngày 27/8, UBND thành phố Hà Nội tổ chức lễ khánh thành và đưa vào sử dụng nhà máy xử lý và chế biến rác Phương Đình (huyện Đan Phượng), ứng dụng công nghệ lò đốt Martin. Nhà máy xử lý và chế biến rác Phương Đình chính thức đi vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Đan Phượng, các khu vực phụ cận như huyện Hoài Đức, Quốc Oai và rác thải công nghiệp không nguy hại tại các làng nghề, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố. Hà Nội: Khánh thành nhà máy xử lý rác công nghệ lò đốt Martin (VietnamPlus, 27/8)

3. Văn hóa, Y tế và Giáo dục

Tại cuộc họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 25/8, Sở Văn hóa Thể thao cho biết, Bảo tàng Hà Nội hoạt động từ năm 2010 nhưng hiện vật trong bảo tàng chỉ là trưng bày tạm nên chưa thu hút được đông đảo du khách tham quan. Đại diện Ban Quản lý dự án xây dựng Bảo tàng cho biết, dự kiến Thành phố sẽ tiếp tục bổ sung khoảng 70 tỷ đồng để mua hiện vật trưng bày ở Bảo tàng. Tuy nhiên đến năm 2014, Thông tư hướng dẫn cụ thể về việc mua hiện vật mới có hiệu lực nên Bảo tàng Hà Nội mới thực hiện được một hợp đồng mua hiện vật với trị giá 61 triệu đồng. Hiện nay, công tác sưu tầm 614 hiện vật theo chủ đề Tự nhiên và Tài nguyên thiên nhiên Hà Nội đã được sưu tầm theo đúng kịch bản, đồng thời hoàn thành công tác sưu tầm, phục chế hiện vật phục vụ khu trưng bày ngoài trời. Bảo tàng cũng đã tiếp nhận hơn 3000 tài liệu, hiện vật do các tổ chức, cá nhân hiến tặng. Đối với việc sưu tầm hiện vật theo chủ đề Hà Nội thời tiền sử - sơ sử, bảo tàng cũng đã thu được gần 600 hiện vật. Bảo tàng nghìn tỷ: Chỉ đang trưng bày tạm thời (VnMedia, 26/8).

Mạc Thái Tổ và Mạc Thái Tông là hai vị vua đã lập nhiều công lao trong công cuộc dựng nước, giữ nước của dân tộc và có những đóng góp quan trọng trong tiến trình lịch sử Việt Nam. Để tưởng nhớ đến công lao đó, ngày 25/8, lễ gắn biển phố Mạc Thái Tổ và Mạc Thái Tông đã diễn ra trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội. Đây là 2 trong số 19 tên đường, phố mới được HĐND TP Hà Nội vừa thông qua. Hai con đường song song kéo dài từ ngã ba giao cắt với đường Phạm Hùng đến ngã tư giao cắt với phố Trung Kính, quận Cầu Giấy. Ngoài hai tuyến đường này, trong số các đường, phố mới được đặt tên còn có 9 tuyến đường, phố mang tên địa danh; 4 phố mang tên di tích lịch sử văn hóa; 4 đường, phố mang tên danh nhân. Hà Nội gắn biển phố Mạc Thái Tổ và Mạc Thái Tông(VTV, VnMedia, 25/8); Hà Nội chính thức có phố Nguyễn Đình Thi và Trịnh Công Sơn (Dân trí, 26/8).

Ngày 27-8, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức hội nghị đánh giá công tác an toàn thực phẩm (ATTP) của bếp ăn tập thể thuộc các nhà máy tại khu công nghiệp trên địa bàn thành phố. Chi cục ATVSTP Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, Chi cục đã thành lập 3 đoàn thanh tra, kiểm tra tại 111 cơ sở bếp ăn tập thể của 9 khu công nghiệp trên địa bàn. Qua kiểm tra, một số bếp ăn vẫn có sai phạm về vệ sinh cơ sở, vệ sinh trang thiết bị dụng cụ và bảo quản thực phẩm hoặc bảo quản thực phẩm không đúng quy định… Chi cục ATVSTP Hà Nội đã ra quyết định xử lý vi phạm hành chính về ATTP đối với 36 bếp ăn tập thể (chiếm 32,4% số cơ sở được kiểm tra), với tổng số tiền phạt là 265 triệu đồng. Xử phạt 36 bếp ăn tập thể vi phạm an toàn thực phẩm (An ninh Thủ đô, 27/8).

Để triển khai thực hiện tốt các công việc đầu năm học 2015-2016, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa có văn bản gửi các phòng Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường tiếp tục duy trì hát Quốc ca trong sinh hoạt đầu tuần, các buổi Lễ kỷ niệm. Các trường thực hiện phân công học sinh luân phiên trực nhật lớp hàng ngày (không thuê dịch vụ làm việc này). Về đồng phục của học sinh, yêu cầu các trường thực hiện nghiêm túc các quy định theo Thông tư 26 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không bắt buộc học sinh phải mua đồng phục mới, chỉ cần mặc sạch sẽ, gọn gàng để khuyến khích tiết kiệm và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn….Hà Nội yêu cầu các trường không bắt buộc học sinh mua đồng phục (VOV, 28/8).



Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t