Nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường (17:13 26/10/2017)


HNP - Trong thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức và khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu của cả cộng đồng dân cư trong từng giai đoạn ngắn hạn và dài hạn nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của TP Hà Nội. 

Để đối phó với tình hình và giảm tác động của anh hưởng của BĐKH, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cán bộ thuộc các ngành, lĩnh vực, địa phương và cộng đồng dân cư về BĐKH trên địa bàn thành phố được đẩy mạnh. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã xây dựng "Sổ tay về Biến đổi khí hậu", tổ chức các Hội thảo chuyên đề "Kinh tế xanh trong điều kiện Biến đổi khí hậu", “Ứng phó với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng”. Tổ chức đạp xe cổ động tuyên truyền về Biến đổi khí hậu trên địa bàn các quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội.
 
Việc triển khai thích ứng với BĐKH được triển khai bằng những việc làm cụ thể như: Tuyên truyền, hướng dẫn công tác chuyên môn về khí tượng thủy văn, tác động và các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tăng cường công tác truyền thông môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học tại rừng đặc dụng Hương Sơn, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức. Xử lý ô nhiễm một số hồ trên địa bàn Thành phố. Ngành TN&MT cũng phối hợp với các sở ngành triển khai mô hình sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch trong các cơ sở sử dụng năng lượng, trong quy mô hộ gia đình như hầm biogas, thiết bị đun nước nóng, bình năng lượng mặt trời.
 
Để thống nhất quản lý hoạt động khai thác, tận dụng khoáng sản, tránh lãng phí tài nguyên, ngành đã khoanh định: khai thác, sử dụng khoáng sản với 36 mỏ (thuộc các trường hợp đã bao gồm phê duyệt trữ lượng và cấp phép khai thác) trên địa bàn thành phố, bao gồm đá vôi 5 mỏ (42,97ha), đá bazan 11 mỏ (230,01ha), cát xây dựng và san lấp 16 mỏ (703,80ha), sét gạch ngói 2 mỏ (49,92ha), phuzolan 1 mỏ (18,9ha), than bùn 1 mỏ (30ha).
 
Sở Tài nguyên và Môi trường đã thành lập đoàn kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản, hoạt động bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông. Riêng năm 2016 đến nay, các cấp ngành của Thành phố đã kiểm tra, tạm giữ 318 phương tiện tàu thuyền các loại, tịch thu 6 tàu thuyền, xử phạt vi phạm hành chính 5 tỷ 485 triệu đồng.
 
Không chỉ quản lý tốt công tác sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên khoáng sản, việc cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng được triển khai kịp thời. Ngành đã tiến hành cập nhật theo các kịch bản BĐKH quốc gia và lồng ghép vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố theo từng giai đoạn, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về BĐKH trên địa bàn thành phố.
 
Riêng năm 2016, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tiến hành thống kê, đánh giá và đề xuất cấc giải pháp quản lý phát thải khí nhà kính trên địa bàn thành phố Hà Nội đối với lĩnh vực chất thải. Để giải quyết vấn đề ô nhiễm ở các làng nghề, ngành đã ban hành quy hoạch đưa các công đoạn sản xuất gây ô nhiễm lớn tại các làng nghề ra khu sản xuất tập trung. Quản lý chặt chẽ việc vận hành hệ thống xử lý nước thải tại các khu/cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố, yêu cầu các khu/cụm công nghiệp phải có trạm quan trắc tự động và truyền dữ liệu về Sở TN&MT.
 
Bằng những việc làm thiết thực, ngành đã xây dựng mô hình sống xanh phân loại rác, tận dụng chất thải thực phẩm thừa làm phân hữu cơ, hướng dẫn trồng rau sạch, cây xanh cho 150 hội viên tại các hộ gia đình. Thiết kế và in ấn Sổ tay phân loại rác thải tại nguồn phục vụ mô hình sống xanh, mô hình sinh kế bảo tồn đa dạng sinh học và thích ứng với Biến đổi khí hậu. Xây dựng báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện của 2 năm 2016-2017 làm tài liệu nghiên cứu và chia sẻ, nhân rộng mô hình cho các địa phương khác.
 
Ông Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội cho biết, để tạo ra hiệu quả cao trong việc thích ứng với BĐKH trong giai đoạn tới ngành TN&MT sẽ phối hợp với các ban, ngành, địa phương trực thuộc thành phố Hà Nội xây dựng cơ chế, chính sách để tăng cường sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa với nhau để việc thực hiện công tác chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ngày càng sát sao và cụ thể.
 
Trong hệ thống các giải pháp ứng phó với BĐKH của thành phố Hà Nội, những giải pháp về thích ứng với BĐKH liên quan đến phòng tránh thiên tai và bảo vệ môi trường đối với từng ngành/lĩnh vực sẽ cần được ưu tiên hơn cả. Bên cạnh đó, những giải pháp về giảm nhẹ BĐKH, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng cần có sự quan tâm lớn liên quan đến giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Đoàn Nguyên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t