Bài 2: Công nghiệp Thủ đô phát triển vượt bậc (17:39 28/07/2018)


HNP - Để đẩy mạnh sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, Sở Công thương Hà Nội đã tham mưu UBND TP nhiều giải pháp như hỗ trợ lãi suất vốn vay, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước thông qua các gói kích cầu đầu tư và kích cầu tiêu dùng… Do đó, kết quả sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp vẫn duy trì được mức tăng trưởng tương đối ổn định. Giá trị tăng thêm công nghiệp giai đoạn 2011-2017 ước đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 9,2%/năm.

Hà Nội ngày càng có nhiều khu công nghiệp công nghệ cao để đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa công nghiệp


Tham mưu nhiều chính sách thúc đẩy sản xuất công nghiệp
 
Trong phát triển công nghiệp, giai đoạn từ năm 2008 đến nay, bị ảnh hưởng mạnh do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, từ năm 2012 đến nay, hàng năm, Sở Công thương đều tổ chức hội nghị giao ban, trao đổi để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; Tổ chức khảo sát nắm bắt kết quả sản xuất, kinh doanh tại 225 doanh nghiệp; Đã kết nối được 5 doanh nghiệp với ngân hàng với tổng số tiền cho vay ưu đãi là 265 tỷ đồng; Tháo gỡ vướng mắc đảm bảo cung cấp điện phục vụ sản xuất của 2 doanh nghiệp...
 
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, từ năm 2011 - 2015, Thành phố đã có Quyết định hỗ trợ lãi suất sau đầu tư và thí điểm hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các doanh nghiệp. Qua đó, đã hỗ trợ cho 19 doanh nghiệp với tổng số tiền trên 80 tỷ đồng, trong đó, có doanh nghiệp được hỗ trợ cả lãi suất sau đầu tư và lãi suất vốn vay, liên tục từ  2 - 3 năm. Các khoản hỗ trợ lãi suất đã giúp các doanh nghiệp bù đắp một phần chi phí lãi vay, có thêm nguồn lợi nhuận dùng để phân phối các quỹ, động viên người lao động, góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.
 
Thực hiện chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, năm 2012, Sở đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Chương trình về “Hỗ trợ sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp mũi nhọn có chất lượng và sức cạnh tranh cao; sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trên địa bàn Thành phố Hà Nội”; năm 2013, ban hành Quyết định phê duyệt “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, đẩy mạnh đầu tư vào các sản phẩm, mặt hàng có thế mạnh Thủ đô”. Qua đó, giúp các doanh nghiệp thuận lợi tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và thế giới.
 
Trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, từ năm 2008 đến nay, Sở Công thương có rất nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực, cụ thể như: tổ chức các hội thảo, hội nghị nhằm tạo diễn đàn để trao đổi, đối thoại, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm thực tiễn giữa các nhà quản lý nhà khoa học và nhà doanh nghiệp; tổ chức nhiều lớp đào tạo về quản trị, về ứng dụng công nghệ cao cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, để nâng cao trình độ quản lý, giúp các doanh nghiệp trở thành đối tác cho các doanh nghiệp vốn FDI lớn; lồng ghép với các chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, chương trình xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ để được hưởng chính sách của Thành phố về lãi suất sau đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp đi tham gia hội chợ, khảo sát hợp tác với nước ngoài…
 
Gặt hái những thành tựu nổi bật
 
Những chính sách thiết thực của Thành phố, sự sát sao trong việc hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của Sở Công thương đã đem lại những hiệu quả lớn trong phát triển công nghiệp Thủ đô, sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp vẫn duy trì được mức tăng trưởng tương đối ổn định. Giá trị tăng thêm công nghiệp giai đoạn 2011-2017 ước đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 9,2%/năm.
 
Đến hết năm 2017, Hà Nội đã có 8 khu công nghiệp đi vào hoạt động ổn định với 629 dự án đầu tư, trong đó, có 325 dự án FDI với vốn đăng ký 5,4 tỷ USD, 304 dự án trong nước vốn đăng ký 13.386 tỷ đồng. Doanh thu của các khu công nghiệp này năm 2017 đạt 6,5 tỷ USD, tăng 2,5 lần so với năm 2008; nộp ngân sách 180 triệu USD, tăng ba lần so với năm 2008. Ngoài ra, thành phố đã và đang triển khai đầu tư, xây dựng Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã hoàn thành giai đoạn I với diện tích 800ha, Khu công nghệ cao sinh học rộng 200ha, Khu công viên công nghệ thông tin... Các cụm công nghiệp cũng được đầu tư phát triển với 43 cụm đã được lấp đầy và đi vào hoạt động ổn định.
 
Hà Nội ngày càng xuất hiện nhiều các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp với dây chuyền hiện đại
 
Cùng với hình thành các khu, cụm công nghiệp, thành phố và doanh nghiệp cũng chú trọng nâng cao chất lượng, giá trị sản xuất công nghiệp, phát triển ngành ứng dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng, hàm lượng chất xám lớn… Hết năm 2016, thành phố có 59 sản phẩm công nghiệp chủ lực của 46 doanh nghiệp. Tốc độ tăng trưởng bình quân của các doanh nghiệp này từ 10-11%/năm. Nhiều doanh nghiệp có mức doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng/năm như: Cơ điện Trần Phú, Cơ nhiệt điện lạnh Bách Khoa, Dệt 10-10… Các tiến bộ mới về khoa học công nghệ như: gia công chế tạo sử dụng điều khiển kỹ thuật số CNC, tự động hoá, rô-bốt, nano, plasma, laser, công nghệ sinh học… đã và đang được áp dụng. Công nghệ thông tin, kết nối máy tính, ứng dụng mạng internet được sử dụng ngày càng phổ biến. Trên nền tảng đó đã ứng dụng các phần mềm chuyên dụng trong thiết kế, gia công chế tạo, quản lý, quản trị…, hình thành các dây chuyền sản xuất đạt trình độ công nghệ tiên tiến của khu vực.
 
Để thúc đẩy phát triển công nghiệp, trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước để thúc đẩy phát triển công nghiệp, TTCN - làng nghề theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển các nhóm sản phẩm công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn và sản phẩm xuất khẩu. Đẩy mạnh phát triển các làng nghề có sản phẩm tiêu thụ lớn trên thị trường, tập trung vào những sản phẩm có giá trị cao. Tổ chức triển khai Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030; Tăng cường thu hút đầu tư lấp đầy các khu, cụm công nghiệp, thúc đẩy hình thành và phát triển các cụm công nghiệp gắn với phát triển doanh nghiệp dân doanh; Rà soát, nâng cao hiệu quả các khu, cụm công nghiệp, bảo đảm an toàn, an ninh cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong khu, cụm công nghiệp.

Minh Đăng


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t