Hà Nội: Siết chặt quản lý chó, mèo (09:53 13/03/2018)


HNP - Dù quyết liệt triển khai xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y nhưng công tác quản lý vật nuôi, trong đó có chó, mèo trên địa bàn TP Hà Nội vẫn còn nhiều vấn đề cần phải siết chặt. Từ đó mới chấm dứt tình trạng chó, mèo thả rông bừa bãi và chấn chỉnh tâm lý chủ quan lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi của một bộ phận người dân.

Chế tài chưa đủ mạnh

Ghi nhận tại các địa phương, nhất là khu vực ngoại thành tình trạng nuôi chó, mèo vẫn theo hình thức thả rông là chính. Nhiều nơi, hộ gia đình, cá nhân nuôi thả, mặc kệ loài gia súc này thích đi đâu thì đi. Vì thế, trong nhiều năm trở lại đây, tình trạng chó dại cắn người tử vong thường xảy ra ở các vùng nông thôn. Đáng ngại, một số người dân vẫn chưa ý thức được đầy đủ về sự nguy hiểm của bệnh dại. Có nơi, người dân vẫn chủ quan, lơ là, coi thường việc bị chó cắn, chưa thực hiện tốt việc tiêm phòng cho đàn chó, mèo. Vì vậy, mấy năm gần đây, hầu như năm nào trên địa bàn thành phố cũng có người chết do chó dại cắn. Đơn cử, năm 2016, trên địa bàn thành phố có 2 trường hợp người chết do chó dại cắn ở huyện Hoài Đức và Ba Vì. Năm 2017 có 1 trường hợp chết do bệnh dại tại huyện Quốc Oai nghi do chó lạ cắn. Tại huyện Ba Vì cũng có 1 trường hợp nghi mắc bệnh dại nhưng không rõ nguyên nhân...

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, việc đưa ra các giải pháp quản lý đàn chó, mèo nuôi, tiến tới khống chế bệnh dại là cần thiết. Tuy nhiên, với tập tục nuôi chó thả rông có từ lâu, việc lập danh sách, thông báo khi nuôi chó với chính quyền địa phương là khó khả thi. Bởi với người dân, họ thích thì họ ra chợ mua về nuôi, không thích thì bán hoặc giết thịt. Trong quá trình nuôi chó, mèo, nhiều hộ gia đình, cá nhân chưa có ý thức đăng ký nuôi chó hoặc số vật nuôi nhiều nhưng đăng ký ít. Cũng không ít hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn chưa ý thức được việc nuôi nhốt, xích chó, đeo rọ mõm, nên chất thải được thải ra ngoài môi trường gây ô nhiễm môi trường mất cảnh quan đường làng, ngõ xóm. Còn ở đô thị do mật độ dân cư đông nên việc có nhiều người nuôi chó cũng gây không ít phiền toái. Chó được nuôi nhốt trong nhà khi thả ra đường để đi vệ sinh thường rất hung dữ, dễ gây nguy hiểm cho người dân, nhất là trẻ nhỏ. Ngoài ra, chó khi được thả ra thường đi vệ sinh lung tung, thậm chí chạy cả vào nhà người khác để phóng uế.

Qua tìm hiểu, chăn nuôi chó, mèo có cả mục đích giết thịt. Nhiều người nuôi chó giết thịt nhưng việc chấp hành tiêm phòng vắc xin dại lại chưa triệt để, chưa thực hiện việc tiêm phòng bổ sung khi nhập đàn. Người chăn nuôi bị chó, mèo cắn còn coi nhẹ việc tiêm phòng, tư vấn của cán bộ y tế, thú y. Trong khi đó, nhiều nơi chưa làm tốt khâu tuyên truyền nên người dân cũng chưa thực hiện nghiêm việc quản lý chó nuôi, chưa tự giác khai báo khi nhập đàn. Việc buôn bán, giết mổ chó, mèo gần như tự do, chưa có sự quản lý của chính quyền cơ sở, chưa có quy trình giết mổ chó nên cơ quan chức năng cũng rất khó kiểm tra, quản lý đối với cơ sở, điểm giết mổ chó, mèo trên địa bàn thành phố.

Nâng cao ý thức của chủ nuôi

Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết năm 2017, tổng đàn chó, mèo trên địa bàn thành phố là 421.751 con, trong đó số lượng chó, mèo của 18 huyện, thị xã là 377.331 con; số lượng chó, mèo nuôi tại các quận nội thành là 44.420 con. So với năm 2016, số lượng đàn chó, mèo năm 2017 giảm không đáng kể (khoảng 1,5%). Phương thức chăn nuôi chó, mèo trên địa bàn thành phố chủ yếu vào mục đích nuôi làm cảnh, nuôi để trông giữ nhà, nhiều hộ gia đình chăn nuôi làm kinh tế, nuôi lấy thịt.

Tìm hiểu tình hình ở các địa phương cho thấy, hiện nay, việc lập danh sách theo dõi đàn chó, mèo, yêu cầu người nuôi phải khai báo số lượng, con số biến động và nuôi nhốt khó thực hiện được trong ngày một ngày hai. Do đó, để hạn chế tình trạng thả rông chó, không rọ mõm, chính quyền địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động các hộ gia đình nuôi chó trên địa bàn quan tâm nuôi nhốt, rọ mõm, sử dụng dây xích. Tuy nhiên, việc thực hiện hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức của người dân. Nhiều xã, phường, thị trấn đã siết chặt công tác quản lý, quy định cụ thể việc bắt giữ, thông báo và xử lý chó thả rông, tuy nhiên đến nay, một số địa phương đang rất lúng túng trong việc triển khai nhiệm vụ này.

Không thể phủ nhận những cố gắng, nỗ lực của Chi cục Thú y Hà Nội trong việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống, ngăn chặn bệnh dại và đạt được những kết quả khá rõ nét. Cùng với đó, đã đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND TP Kế hoạch số 30/KH-UBND thực hiện Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2018-2021. Đồng thời, chỉ đạo mạng lưới thú y cơ sở giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn chó, mèo, phát hiện và xử lý kịp thời theo quy định. Hằng năm các đơn vị trực thuộc Chi cục Thú y Hà Nội đã tham mưu cho chính quyền địa phương quản lý và tổ chức thống kê tổng đàn chó, mèo theo dõi rà soát biến động đàn vật nuôi; chỉ đạo hệ thống thú y cơ sở giám sát tại thôn, xóm, hộ chăn nuôi làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Song việc khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên địa bàn thành phố có đạt hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào ý thức của người dân...


Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t