Nhân rộng các điểm trông giữ xe thông minh theo hình thức IPARKING (10:37 25/01/2018)


HNP - Chiều 24/1, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết: Sở và UBND các quận, huyện đã rà soát 151 điểm đỗ có thể ứng dụng trông giữ xe theo hình thức IPARKING để triển khai trong năm 2018.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện thông tin tại hội nghị giao ban báo chí Thành ủy


Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, tính đến ngày 31/12/2017, tổng số điểm trông giữ phương tiện giao thông dưới lòng đường, hè phố được Sở Giao thông vận tải và UBND các quận cấp phép để trông giữ phương tiện giao thông là 653 điểm với tổng diện tích 124.977,7m2, trong đó, có 403 điểm trông giữ phương tiện giao thông có thu tiền và 250 điểm không thu tiền.
 
Từ ngày 01/01/2018, mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường hè phố theo hai hình thức thu: Đối với trông giữ xe theo hình thức truyền thống (không ứng dụng IPARKING) nộp phí theo m2 cấp phép ở từng khu vực. Trong đó, mức phí để trông giữ ô tô ở các tuyến phố cần hạn chế cao nhất 240.000 đồng/m2/tháng; các tuyến phố nằm trong đường vành đai 1 là 150.000 đồng/m2/tháng, các tuyến phố nằm trong đường vành đai 2 là 80.000 đồng/m2/tháng...
 
Đối với các tuyến phố ứng dụng trông giữ xe theo hình thức IPARKING, hệ thống tự động trích nộp phí bằng 30% doanh thu từ hoạt động trông giữ xe về tài khoản tại kho bạc nhà nước của đơn vị cấp phép.
 
Trên cơ sở đó, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 44/2017/QĐ-UBND ngày 15/12/2017 về giá dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, xe ô tô trên địa bàn Thành phố. Cụ thể, tại các điểm trông giữ xe theo hình thức IPARKING áp dụng mức giá dịch vụ lũy tiến theo giờ (giờ thứ 1 và giờ thứ 2 là 25.000 đồng/h, giờ thứ 3 và thứ 4 là 35.000 đồng/h; từ giờ thứ 5 trở đi là 45.000 đồng/h; thu theo block 60 phút/lượt). Không sử dụng tiền mặt để thanh toán, quản lý doanh thu qua hệ thống phần mềm.
 
Còn đối với các vị trí sử dụng lòng đường, hè phố để trông giữ phương tiện theo hình thức truyền thống, giá dịch vụ trông giữ được tính theo lượt, theo từng khu vực. Cụ thể, đối với xe ô tô từ 9 ghế ngồi và xe tải từ 5 tấn trở xuống, mức giá cao nhất ở khu vực các tuyến phố cần hạn chế là 30.000 đồng/h, các tuyến phố nằm trong đường vành đai 1 và các tuyến phố còn lại của quận Hoàn Kiếm là 25.000 đồng/h; các tuyến phố nằm trong đường vành đai 2 là 20.000 đồng/h... Hình thức này không thu giá lũy tiến theo giờ, 1 lượt tối đa không quá 60 phút, quá thời gian 60 phút thu thêm các lượt tiếp theo với mức giá như lượt đầu tiên.
 
Về kết quả triển khai thí điểm trông giữ xe theo hình thức IPARKING, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, từ ngày 01/5/2017, Thành phố đã thí điểm triển khai dự án tại 2 tuyến phố Trần Hưng Đạo và Lý Thường Kiệt. 
 
Trong thời gian thí điểm này, chi phí tin nhắn được các nhà mạng tài trợ miễn phí (IPARKING hiện áp dụng 2 hình thức thanh toán là qua thẻ ngân hàng và nhắn tin tới đầu số 9556), hệ thống mạng hoạt động ổn định tỷ lệ thanh toán qua tin nhắn chiếm 70% doanh thu. Tổng doanh thu (trông giữ xe lượt đến 22 giờ hàng ngày) là 1.733 triệu đồng trên tổng số 115.558 lượt giao dịch thành công (trung bình mỗi tháng 38.520 lượt), doanh thu bình quân 1 tháng tăng hơn so với cùng kỳ khoảng 33%.
 
Thực hiện chủ trương triển khai nhân rộng loại hình trông giữ xe theo hình thức IPARKING của Thành phố, Sở Giao thông vận tải và UBND các quận, huyện đã khảo sát với 151 điểm đỗ có thể ứng dụng trông giữ xe theo hình thức IPARKING với diện tích 84.451m2, sức chứa 4.542 xe ô tô.
 
UBND Thành phố đã giao Công ty Cổ phần đầu tư CIS là đơn vị quản lý đầu số 9556 ký hợp đồng với các nhà mạng để thực hiện phương thức thanh toán. Đến nay, CIS mới ký được hợp đồng với nhà mạng Viettel, còn các nhà mạng khác (Vinaphone, Mobil, Vietnam mobil) đều đã sẵn sàng hạ tầng, Công ty Cổ phần đầu tư CIS sẽ tiếp tục đàm phán để triển khai ký kết trong thời gian tới.
 
Cùng với đó, các điểm trông giữ xe theo hình thức IPARKING sẽ trang bị điện thoại thông minh cho nhân viên trông giữ xe để việc thanh toán được thuận tiện hơn.
 
Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng thông tin thêm, từ ngày 01/01/2018 đến ngày 17/01/2018, lực lượng Thanh tra Giao thông Vận tải đã kiểm tra, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với 76 trường hợp vi phạm trong hoạt động trông giữ phương tiện; phạt tiền 342 triệu đồng.
 
Thời gian tới, Sở Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan tiếp tục tham mưu cho UBND Thành phố sớm phê duyệt Quy hoạch bến bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố đến năm 2030 tầm nhìn 2050, Quy hoạch xây dựng không gian ngầm khu vực nội đô để làm cơ sở tổ chức thực hiện.Tiếp tục xem xét, đưa vào áp dụng một số cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng bãi đỗ xe ngầm tại các khu vực nội đô. Nghiên cứu, áp dụng các cơ chế, chính sách về giá trông giữ xe nhất là trong khu vực trung tâm…
 
Sở cũng sẽ rà soát, xây dựng kế hoạch phát triển bến, bãi đỗ xe ngầm; trong đó xác định cụ thể danh mục, vị trí và lộ trình triển khai các bến, bãi đỗ xe theo các quy hoạch.Tăng cường rà soát, kiểm tra tình hình thực hiện các dự án bến, bãi đỗ xe; phối hợp với các ngành, địa phương để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy tiến độ các dự án. Kiên quyết, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong việc đầu tư, xây dựng bến bãi đỗ xe; đề xuất, thu hồi các dự án chậm, không có khả năng triển khai.

Nguyễn Văn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t