Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn kiểm tra công tác khắc phục hậu quả thiên tai do bão lũ (17:13 13/09/2024)


HNP - Sáng 13/9, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đã trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó lũ lụt, khắc phục hậu quả thiên tai tại quận Hai Bà Trưng và làm việc với Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan đến công tác chiếu sáng đô thị, cây xanh.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn kiểm tra công tác khắc phục hậu quả sau bão tại phường Bạch Đằng


Trực tiếp đến thăm trụ sở Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn quận Hai Bà Trưng và kiểm tra thực tế công tác khắc phục hậu quả sau ngập lụt tại 2 phường Bạch Đằng và Thanh Lương, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn đã biểu dương, đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị quận trong việc ứng phó và khắc phục hậu quả cơn bão số 3, không để xảy ra thiệt mạng về người. 
 
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn thăm trụ sở Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn quận Hai Bà Trưng
 
Tính đến ngày 13/9, quận đã xử lý xong việc cắt cành, hạ tán, xếp gọn lên hè 769 cây đổ, nghiêng, cành cây gãy (trong đó có 26 vị trí nguy hiểm cây nghiêng đổ vào nhà dân). Trong đó có 6 cây quý hiếm, có giá trị lịch sử được cắt tỉa, hạ tán, xây dựng phương án ươm trồng lại tại chỗ.
 
Trong những ngày nước sông Hồng dâng cao, khu vực sát mép nước có 11 bến trung chuyển hàng hóa, 1 kho chứa thùng dầu, 1 cây xăng, UBND phường Thanh Lương đã vận động tuyên truyền yêu cầu người dân ký cam kết di chuyển đến nơi an toàn.
 
Quận đã tổ chức đánh giá hiện trạng các công trình xây dựng, nhà ở tại khu vực bờ vở sông trước khi để người dân trở về nơi ở cũ ổn định cuộc sống. Ngay trong sáng 13/9, UBND quận chỉ đạo các lực lượng rà soát, đánh giá lại toàn bộ hiện trạng các khu dân cư bị ngập do nước sông Hồng ở phường Bạch Đằng để người dân trở về nơi ở cũ. Đồng thời, quận yêu cầu các lực lượng công an, quân đội, y tế cũng như các phường ra quân tổng vệ sinh môi trường, phòng dịch, tiêu độc khử trùng các khu vực bị ảnh hưởng do bão số 3 cũng như ngập lụt do nước sông Hồng…; Quận cũng đang nỗ lực đẩy nhanh việc thu dọn cây xanh bị gãy đổ theo tiến độ của Thành phố ngày 20/9 phải xong. Trên cơ sở đó, quận đang rà soát và phân loại các cây bị gãy đổ do mưa bão để có phương án cụ thể.
 
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn kiểm tra công tác khắc phục hậu quả sau bão tại phường Thanh Lương
 
Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn đề nghị quận tập trung xử lý các cây xanh bị gãy đổ trên địa bàn để bảo đảm an toàn giao thông, trong đó chú trọng “cứu” những cây có giá trị, cây có thể trồng lại.
 
Đồng chí Dương Đức Tuấn đề nghị Sở Xây dựng cũng như các đơn vị liên quan hỗ trợ lực lượng để quận hoàn thành việc xử lý cây xanh gãy đổ trước ngày 17/9. Đồng thời, quận phải xử lý kịp thời, cuốn chiếu việc khắc phục hậu quả do nước lũ sông Hồng trên địa bàn 2 phường Bạch Đằng và Thanh Lương. Trong đó, bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường cho người dân sau khi trở về nơi ở của mình sau lũ.
 
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn kết luận cuộc làm việc với Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan đến công tác chiếu sáng đô thị, cây xanh
 
* Tiếp đó, làm việc với Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan đến công tác chiếu sáng đô thị, cây xanh, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn đề nghị Sở Xây dựng cũng như các đơn vị liên quan tập trung cao độ xử lý, khắc phục hệ thống cây xanh bị gãy đổ, đặc biệt tại các công viên, khu đô thị. Trong đó, cần huy động sự vào cuộc của các đơn vị để hoàn thành việc khắc phục hạ tầng kỹ thuật, cây xanh, hệ thống chiếu sáng đô thị, chỉnh trang đô thị để sẵn sàng cho lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
 
Đối với công tác khắc phục hậu quả hệ thống chiếu sáng đô thị do bão số 3, đồng chí Dương Đức Tuấn đề nghị các đơn vị liên quan tập trung khắc phục nhanh, bảo đảm an toàn.
 
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn cũng đề nghị Sở Xây dựng cần chuẩn hóa số liệu thống kê thiệt hại về cây xanh, trong đó phân loại cây nào là cổ thụ, cây nào có thể trồng lại, cây nào phải mang đi ươm trồng… cho hiệu quả. Đồng thời, Sở phối hợp chặt chẽ với các đơn vị hỗ trợ xử lý cây xanh gãy, đổ trên địa bàn Thành phố; thực hiện đúng chỉ đạo của Thành phố là “cứu” tối đa các cây, với dự kiến có khoảng 3 nghìn cây có thể “cứu” (trong đó có khoảng 100 cây quý hiếm).
 
"Sở Xây dựng cũng như các đơn vị liên quan sau khi cắt gọn cây xanh bị gãy, đổ, cần tiếp tục dọn dẹp, bảo đảm trước ngày 20/9 sẽ thu dọn hết cây xanh gãy, đổ để chuyển sang giai đoạn “cứu” các cây. Đồng thời, tập trung khôi phục hạ tầng, cải tạo vỉa hè sau khi trồng lại cây xanh gãy, đổ", Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn nhấn mạnh.
 
Đối với công tác khắc phục ngập lụt do nước sông Hồng, đồng chí Dương Đức Tuấn đề nghị Sở Xây dựng phối hợp với Sở Giao thông vận tải cũng như các đơn vị liên quan tập trung khắc phục hậu quả tại các tuyến đường, quốc lộ, tỉnh lộ vẫn còn ngập nước, hoặc bị hư hỏng sau bão.
 
Đồng chí Dương Đức Tuấn cũng nhất trí với các kiến nghị của Sở Xây dựng, trong đó đề nghị UBND các quận, huyện chủ động bố trí địa điểm để thu hồi, tập kết gỗ, củi trên địa bàn của đơn vị mình. Đồng thời, chịu trách nhiệm giám sát quá trình thu hồi gỗ, củi đủ điều kiện về kho bảo quản và tổ chức thanh lý gỗ, củi theo quy định hiện hành đối với khối lượng quản lý theo phân cấp.
 
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến ngày 13/9, trên địa bàn Thành phố có trên 40 nghìn cây đổ và cành gãy (các quận, huyện Phú Xuyên, Mỹ Đức, Thường Tín, Long Biên, Chương Mỹ, Bắc Từ Liêm, Phúc Thọ chưa có báo cáo).
 
Đến 18h00 ngày 12/9, các đơn vị xử lý chưa thu dọn được 6.729 cây... Qua rà soát, phân loại, có 3.082 cây trồng lại (250 cây đã dựng lại, 2.600 cây đã cắt tán chờ dựng lại và 232 cây chưa cắt ngọn để trồng lại)...
 
Mặc dù đã huy động 100% lực lượng, thiết bị của các đơn vị, quản lý, duy trì, song do ảnh hưởng của bão số 3, khối lượng cây đổ, cành gãy rất lớn.
 
Các phương tiện huy động cho công tác giải tỏa còn thiếu, đặc biệt là các phương tiện chuyên dùng (cẩu lớn, xe tự hành), chủ yếu là phương tiện cầm tay, việc huy động các trang thiết bị từ đơn vị bên ngoài trong thời gian gấp nên chưa được kịp thời. Khối lượng cây gãy, đổ rất lớn nên việc vận chuyển, thu hồi gỗ, củi về địa điểm tập kết cần nhiều diện tích…

Hoàng Điệp


Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t