Nâng cao chất lượng đại trà nhằm rút ngắn khoảng cách giáo dục nội - ngoại thành (15:59 08/08/2023)


HNP - "Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, qua đó, các huyện "xích gần hơn" với các quận về công tác này" - là kết luận của Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ, diễn ra ngày 8/8.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong trao bằng khen cho các tập thể


Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết, đây là Nghị quyết vô cùng quan trọng, với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện đối với các vấn đề cấp thiết của ngành giáo dục. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, dưới sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, ngành giáo dục đã đạt được những kết quả ban đầu quan trọng, góp phần đổi mới trong phổ cập giáo dục, đổi mới sách giáo khoa, nâng cao chất lượng giáo dục và tự chủ đại học... "Những kết quả này là rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, so với yêu cầu của nguồn lực chất lượng cao, kết quả vẫn còn khiêm tốn. Việc đổi mới đang đi vào chiều sâu, đồng nghĩa với nhiều thách thức được đặt ra" - Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.
 
Trong 10 năm qua, số lượng học sinh tăng cao đặt ra áp lực rất lớn cho giáo dục Thủ đô về trường lớp, đội ngũ nhân lực. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quan tâm của các cấp, ngành nên thành phố Hà Nội có tỷ lệ đạt chuẩn quốc gia rất cao. Hà Nội đã tăng cường đầu tư, phục vụ đại học trong nhà trường; chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn đi đầu cả nước; cơ chế chính sách trọng dụng nhân tài được coi trọng...
 
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị thành phố Hà Nội, sau hội nghị, hoàn thiện các báo cáo, bổ sung số liệu để gửi về Ban Chỉ đạo thực hiện tổng kết Nghị quyết 29-NQ/TƯ. Trong đó quan tâm tới các kiến nghị đề xuất cho giai đoạn mới, đặc biệt là những kiến nghị, cơ chế, đặc thù cho Thủ đô để đưa nền giáo dục không chỉ đi đầu cả nước mà còn vươn ra các nước trên thế giới.
 
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà trao Bằng khen cho các cá nhân
 
Kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng những kết quả mà các đơn vị đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ rất đáng khích lệ với nhiều cách làm hay, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả, thiết thực. Trong đó, một số quận, huyện đã có cách làm phù hợp với thực tiễn và đem lại hiệu quả cao trong công tác giáo dục đào tạo, như: Thanh Xuân, Ba Vì, Đan Phượng… nhờ đó, chất lượng giáo dục, đào tạo ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Văn Phong cũng lưu ý một số địa phương còn chưa đánh giá đúng vai trò, tầm quan trọng của Nghị quyết số 29-NQ/TƯ đối với công tác giáo dục, đào tạo trên địa bàn…
 
Đồng chí Nguyễn Văn Phong cho biết, trong 10 năm qua, Thành phố đã đầu tư khoảng 30 nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực này và trong 10 năm tới, con số cũng tương đương. Điều đó cho thấy, thành phố Hà Nội luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác giáo dục - đào tạo. Cùng với đó là, chú trọng đổi mới công tác quản trị nhà trường, với việc thí điểm chính sách đặt hàng trong giáo dục đào tạo, giúp giải quyết câu chuyện thiếu giáo viên, nâng cao chất lượng đào tạo, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc quản lý đội ngũ của mình trong các nhà trường. Ngoài ra, Thành phố cũng quan tâm đến các cấp học, ngành học, kể cả đào tạo nghề. Nhờ đó, Hà Nội luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ học sinh giỏi, chất lượng giáo dục đào tạo các cấp.
 
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong kết luận tại Hội nghị
 
Nhất trí với 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nêu trong báo cáo, đồng chí Nguyễn Văn Phong yêu cầu các đơn vị trên địa bàn Thành phố chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, để qua đó, các huyện "xích gần hơn" với các quận về công tác này. Trong đó, cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành và tổ chức chính trị - xã hội trong phát triển giáo dục đào tạo Thủ đô. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và người dân về lĩnh vực này. Từ đó, các địa phương tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học; quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo.
 
Đối với ngành Giáo dục - Đào tạo Thành phố, đồng chí Nguyễn Văn Phong yêu cầu tham mưu Thành phố rà soát, cập nhật quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đối với các đơn vị liên quan, cần tiếp tục quan tâm đến văn hóa học đường, qua đó, góp phần xây dựng văn hóa Thủ đô trên tinh thần "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại". Tiếp tục quan tâm đến lĩnh vực thể thao học đường để phát triển toàn diện, chứ không chỉ dừng lại ở dạy và học văn hóa; chú trọng giáo dục sáng tạo trong hệ thống giáo dục của Thủ đô. 
 
Cùng với đó, là chú trọng công tác đào tạo cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, cụ thể là xây dựng cơ sở dữ liệu của đội ngũ cán bộ, giáo viên để phục vụ luân chuyển, đào tạo và bồi dưỡng khi cần thiết. Đặc biệt là đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục - đào tạo của Thủ đô; chú trọng việc thu hút các nguồn lực xã hội hóa công tác giáo dục.
 
Tại Hội nghị, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã trao tặng Bằng khen cho 10 tập thể và 9 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ. 

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t