Góp sức xây dựng “Bảo tàng văn học” xứ Đoài (09:25 14/12/2022)


HNP - Xứ Đoài sản sinh ra nhiều danh nhân, nhiều nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ nên từ xa xưa đã được mệnh danh là vùng đất văn hiến. Vốn đam mê đọc sách, yêu văn hóa xứ Đoài, anh Nguyễn Mạnh Hùng đã dành tâm huyết thành lập "Xứ Đoài Books" tại thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng. Nơi đây có hàng nghìn cuốn sách về danh nhân xứ Đoài, do các tác gia xứ Đoài sáng tác. Không chỉ đơn thuần là một thư viện, anh Nguyễn Mạnh Hùng còn trưng bày các nội dung về tác giả, tác phẩm nên còn được gọi là một “Bảo tàng văn học” của xứ Đoài.

Giới trẻ đến tìm hiểu, học tập tại “Bảo tàng văn học” xứ Đoài


Xứ Đoài là vùng đất cổ của người Việt. Nơi ấy, từ thủa ban sơ của lịch sử đã có truyền thuyết về Tản Viên Sơn Thánh, vị thánh đứng đầu trong Tứ bất tử của người Việt, gắn với dãy Ba Vì linh thiêng. Sau này, xứ Đoài là nơi sản sinh ra những danh nhân lừng lẫy. Đó là những vị vua như: Lý Nam Đế, Phùng Hưng, Ngô Quyền… hay các danh nhân: Tô Hiến Thành, Phùng Khắc Khoan, Giang Văn Minh… Nhưng nhắc đến xứ Đoài, trước hết, phải nói đến một “miền thơ”. “Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm/ Em có bao giờ em nhớ thương”. Hai câu thơ của thi nhân Quang Dũng vừa kiêu hùng, vừa hào sảng, mà cũng khái quát được “chất thơ” của vùng đất xứ Đoài - quê hương của những Tản Đà, Quang Dũng, Hồ Phương... Sinh ra trong một “miền thơ” như thế, ngay từ hồi mới học lớp 1, anh Nguyễn Mạnh Hùng đã mê đọc sách. Nhà gần hiệu sách tại ngã tư Trạm Trôi nên buổi trưa anh thường ra hiệu sách để ngắm nhìn sách qua lớp kính, và cũng thường nhịn ăn sáng để dành tiền mua truyện đọc. Lớn lên chút nữa, anh nhận ra, chính những vùng đất, làng quê trên quê hương anh là nơi sinh ra những danh nhân đi vào sử sách. Hồi học Đại học ở Hà Nội, anh quen mặt với những hiệu sách cũ như hiệu sách của bác Phan Trác Cảnh ở phố Bát Đàn, hiệu sách ông Lương Ngọc Dư ở phố Bà Triệu, sách bác Vũ Kim Điền ở phố Thụy Khuê. Đấy cũng là những “tay chơi” sách có tiếng của Hà thành.


Sau này, đi theo con đường binh nghiệp, nhưng anh vẫn mê sách và mê thơ. Anh bắt đầu sưu tầm các cuốn sách về xứ Đoài quê mình. Khi thì tự bỏ tiền mua, khi thì vận động “xin”. Kho sách cứ thế ngày một đồ sộ. Có những bộ sách cũ anh phải tích cóp mãi mới “thỉnh” được về. Một trong số đó và bộ “Tản Đà vận văn” được in trước năm 1954. Khi Bảo tàng Văn học đi vào hoạt động năm 2015, anh Hùng chợt nảy ra ý định lan tỏa những giá trị kho sách “chuyên đề” về những tác giả, tác phẩm xứ Đoài đến cộng đồng. “Xứ Đoài books” ra đời. Anh Hùng chia sẻ: “Với tôi, mỗi cuốn sách đều như một con người, có tên, có tuổi, có ký ức qua những bàn tay người đọc, có dấn ấn khi người ta lưu những dòng kỷ niệm trên đó. Tất nhiên, sách càng cũ thì càng quý vì có dấu ấn của tháng năm. Riêng về xứ Đoài, ngoài những cuốn sách văn học, các tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng thời kỳ trung đại, thời kỳ cận đại, tôi đã sưu tầm tác phẩm của hơn 100 các nhà văn, nhà thơ thời hiện đại. Tổng cộng có hơn 2.000 cuốn. “Xứ Đoài books” luôn mở cửa đón mọi người, không chỉ đến đọc sách, mà còn giao lưu về văn hóa, văn học xứ Đoài”.


Xứ Đoài books ra đời từ năm 2015 ở chính ngôi nhà anh đang ở. Rất nhanh chóng, nơi này trở thành điểm hẹn của người yêu văn hóa xứ Đoài. Nhà thơ Khuất Quang Thụy trong một lần ghé thăm đã gợi ý anh Hùng nên thay tên “Xứ Đoài books” là “Xứ Đoài thi quán”. Dù không phải tên chính thức, nhưng đây là cái tên được nhiều người ưa thích. Anh Nguyễn Mạnh Hùng vừa là chủ nhân, vừa là thủ thư của Xứ Đoài thi quán. Vốn là người đọc nhiều, hiểu rộng, anh Hùng, đồng thời, cũng là đối tác đàm đạo với bất kỳ ai về văn hóa xứ Đoài, đủ chuyện Đông, Tây, kim cổ. Đó là lý do khách của Xứ Đoài thi quán có rất nhiều người thuộc giới nghiên cứu lịch sử - văn hóa, các nhà văn, nhà thơ, các nghệ sĩ… Ngay phòng khách, có một đôi câu đối thể hiện sự hiếu khách của chủ nhân: “Tháo phên trước cửa nghênh tân khách/ Lật vách sau hè tiếp cố nhân”. Đến với Xứ Đoài thi quán, ngoài việc đọc sách, khách sẽ được thưởng thức văn học nghệ thuật một cách độc đáo.

 

Anh Hùng thiết kế một dàn âm thanh cổ kết nối hệ thống máy tính cho phép người xem tìm và thưởng thức các tác phẩm thơ nhạc của thi nhân xứ Đoài. Là người có sách được trưng bày tại Xứ Đoài thi quán, nhạc sĩ Đoàn Bổng chia sẻ: “Trong thời đại hiện nay, số người yêu sách và trân trọng giá trị của văn học nghệ thuật như anh Hùng quả thật không nhiều. Xứ Đoài là mảnh đất có nhiều người làm văn học nghệ thuật nổi tiếng của cả nước, sự ra đời của Xứ Đoài thi quán là một sự tri ân, một cách giáo dục truyền thống với thế hệ trẻ rất thiết thực, bổ ích. Đối với những người có sách được trưng bày tại Xứ Đoài thi quán như tôi thì đó là niềm cổ vũ, động viên, khích lệ rất lớn”.


Dù Xứ Đoài thi quán đã thu hút được lượng không nhỏ người yêu văn học nghệ thuật nhưng anh Hùng vẫn mơ ước xây dựng Bảo tàng Văn học xứ Đoài để lưu giữ nhiều hơn, phục vụ tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của công chúng. Từng công tác tại Viện Vũ khí (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng), có kinh nghiệm trong nghiên cứu nên anh tự học hỏi để xây dựng, thiết kế bảo tàng. Anh đã chuẩn bị mặt bằng để xây dựng hai khu, gồm “Xứ Đoài thơ” và “Xứ Đoài văn”. Anh đang chuẩn bị xin thủ tục để thành lập “Bảo tàng Văn học" xứ Đoài. “Tại đây, người yêu sách có thể thưởng ngoạn các bộ sưu tập sách, tìm một cuốn thơ mà mình thích, ngắm nhìn các bộ gỗ lũa kỳ dị hay thưởng ngoạn thư pháp, tranh, ảnh đen trắng về xứ Đoài xưa”, anh Hùng chia sẻ. Dù biết là tốn kém, nhưng với anh, đó là cách để tôn vinh sự giàu có về văn hóa, văn học xứ Đoài.


Quỳnh Anh


Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t