Cô giáo trẻ với tâm huyết sáng tạo thiết bị hỗ trợ tập đọc cho trẻ mắc bệnh Down (18:42 24/03/2019)


HNP - Say mê nghiên cứu khoa học cùng tình thương dành cho những trẻ mắc hội chứng Down đã thôi thúc cô giáo trẻ Dương Thị Thu Hà, Trường Trung học phổ thông Lê Lợi (quận Hà Đông, Hà Nội) cùng học trò của mình sáng tạo ra thiết bị hỗ trợ những người mắc bệnh Down có thể học đọc, biết các kỹ năng sống và tích hợp vận động kích thích não phát triển.


Công trình mang tính nhân văn
 
“Ý tưởng về việc thiết kế thiết bị PSE để giúp trẻ mắc hội chứng Down học đọc ra đời khá tình cờ. Trong một lần đi từ thiện ở Thái Bình, gặp một bệnh nhân bại não do di chứng chất độc da cam, nỗ lực trong 15 năm ròng để biết đọc, bạn ấy đã chia sẻ rất nhiều về nguồn cảm hứng của việc đọc làm mình thấy rất xúc động. Hình ảnh ấy đã thôi thúc mình cùng học trò bắt tay tạo ra thiết bị hỗ trợ tập đọc cho trẻ mắc hội chứng Down. Tuy nhiên, khi đến làng trẻ Hòa Bình và làm quen với các em nhỏ bị mắc bệnh Down mình lại thấy một điều đó là việc đọc đối với các bạn ấy không quan trọng bằng việc hình thành kỹ năng sống. Bởi đặc điểm của các em khi mắc bệnh này rất hiền, hay quên, thậm chí không thể nhớ địa chỉ nhà hay họ tên đầy đủ của mình, do đó, rất dễ bị xâm hại. Sau đó về mình mới nảy ra ý tưởng làm sản phẩm này” - cô Hà chia sẻ. 
 
Từ tháng 4/2018, cô Hà cùng các học trò đã nghiên cứu xây dựng thiết bị mang tên PSE (Picture - Sound - Expressive) tích hợp cả hình ảnh - âm thanh - cảm biến để giúp trẻ mắc bệnh Down học chữ cái thông qua các chủ đề của kĩ năng sống. Theo cô Hà, để làm ra được sản phẩm này, cô đã nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều người. Có những nhà khoa học chưa từng quen biết, nhưng khi mình liên hệ để được giúp đỡ, họ đã rất nhiệt tình cùng chung tay xây dựng sản phẩm. Nhất là những cô giáo ở Làng trẻ Hòa Bình, chính họ đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu về các em mắc bệnh Down để giúp chúng tôi hoàn thiện sản phẩm.
 
Qua nhiều lần thử nghiệm, hủy nhiều sản phẩm lỗi, cô Hà và nhóm của mình đã hoàn thiện thiết bị và khi nhìn các em nhỏ bị Down thích thú với sản phẩm của mình, lúc đó hạnh phúc như muốn vỡ òa. Một thiết bị PSE bao gồm tivi hoặc máy chiếu (là thiết bị đầu ra của phần mềm), máy tính (có cài đặt phần mềm PSE), thiết bị cảm ứng (gắn với thảm và tương tác cảm ứng từ xa với máy tính) và tấm thảm có gắn sỏi.
 
"Tấm thảm sỏi có gắn chip cảm biến cho trẻ vận động dựa trên chiều dài xương chân. Trên thảm là những viên sỏi với màu sắc khác nhau, có kích thước chừng 2cm phù hợp với kích thước bàn chân, khi trẻ di chuyển lên sỏi sẽ vừa đủ để tác động vào các huyệt đạo trên lòng bàn chân" - cô Hà giải thích tác dụng của tấm thảm sỏi.
 
Thiết bị PSE tích hợp ba phương pháp: học chữ cái - học kỹ năng - giúp trẻ vận động. Tương ứng có các bước hướng dẫn trẻ đọc và nhận diện chữ cái, trên màn hình tivi xuất hiện mũi tên theo bốn hướng tương ứng với bốn chữ cái. Khi đó, trẻ di chuyển theo chữ cái tương ứng trên tấm thảm.
 
Nếu trẻ nhảy đúng, thiết bị phát ra tiếng khen ngợi, nếu sai thì nhận lời động viên khuyến khích cho trẻ nhảy lại. Theo cô Hà, việc vận động của trẻ trên các thảm gắn sỏi theo y học phương Đông có tác dụng đến các huyệt đạo trong cơ thể của trẻ.
 
Theo cô Hà, điểm mới trong thiết bị PSE (Picture - Sound - Expressive) là tích hợp cả âm thanh, hình ảnh, ngôn ngữ biểu cảm, tương tác với trẻ dưới hình thức vận động trên viên sỏi một cách sinh động, hấp dẫn.
 
Đến nay, sản phẩm đã được đánh giá là 1 trong 4 dự án xuất sắc nhất toàn quốc trong Chương trình Tri thức trẻ vì sự nghiệp giáo dục năm 2018. “Càng làm chúng tôi cảm thấy trách nhiệm càng lớn. Sau khi thử nghiệm, chúng tôi rất mong được sự quan tâm để sản phẩm này được đánh giá nghiêm túc, khoa học để có thể áp dụng trong hệ thống giáo dục”.
 
Mô hình học tập trải nghiệm
 
Không chỉ luôn hướng về những dự án giúp đỡ trẻ em không may mắn, cô Hà còn là một giáo viên dạy giỏi. Với phương châm giảng dạy đơn giản và luôn tạo sự khác biệt. Cô là người đầu tiên đề xuất mô hình học tập trải nghiệm với những chuyến đi tới các Viện, các trung tâm để học sinh có cơ hội vừa học, vừa vui chơi.
 
Cô Hà cùng các học sinh trong một buổi trải nghiệm
 
Theo cô Hà, hiện nay, nhiều học sinh THPT còn hạn chế trong giao tiếp, bày tỏ cảm xúc yêu thương, hay kĩ năng tự phục vụ như: Nấu cơm, rửa bát, quét nhà. Học sinh học Vật lý nhưng không biết thay bóng đèn điện cháy, học Sinh học nhưng không biết cách trồng và chăm sóc một cây xanh. Bản thân mỗi học sinh thường rất khó để phát hiện mình có năng khiếu, đam mê gì từ đó dẫn tới thiếu động lực và định hướng trong cuộc sống và học tập là điều dễ hiểu.
 
Nắm bắt được điều đó, năm học 2017-2018, cô Hà đã xin phép Ban giám hiệu nhà trường, giới thiệu đến phụ huynh, học sinh mô hình lớp học trải nghiệm diễn ra hàng tháng.
 
Để triển khai được mỗi chuyến trải nghiệm, cô đã xây dựng kế hoạch, chương trình trải nghiệm; Liên hệ với đơn vị trải nghiệm thực tế; Hướng dẫn cho học sinh kiến thức, kĩ năng chuẩn bị trải nghiệm, nói rõ nội dung, yêu cầu và hình thức đánh giá của chuyến đi; Đưa học sinh đi trải nghiệm; Tiến hành tổng kết đánh giá và rút kinh nghiệm cho học sinh.
 
Theo đó, cô Hà đưa học sinh đến Bảo tàng Tài nguyên rừng Việt Nam, chơi trong rừng với trò chơi “Truy tìm kho báu” học sinh vận dụng các kiến thức để giải các mật thư bố trí trong rừng; tổ chức đưa học sinh tham quan làng nghề Vạn Phúc, tìm hiểu truyền thống, quy mô làng nghề. Ngoài ra, cô còn tổ chức cho học sinh trải nghiệm tìm hiểu định hướng nghề nghiệp tại Đại học FPT, học tập môn Địa lý bằng tiếng Anh kết hợp với Công nghệ thông tin tại Khu Công nghệ cao Đại học Bách khoa Hà Nội, tìm hiểu về giới tính và sức khỏe sinh sản vị thành niên với việc quan sát tinh trùng. Trải nghiệm nền nông nghiệp hữu cơ theo mô hình người Nhật để tự lựa chọn nguyện liệu, nấu ăn phục vụ cho bản thân tại Học viện Edufarm.
 
“Qua lớp học trải nghiệm, học sinh nhận ra được những năng khiếu và đam mê của bản thân như: Tài năng nấu ăn, quay phim, lồng tiếng, diễn xuất, kinh doanh, tổ chức và quản lý, trách nhiệm trong công việc được giao. Từ đó cho thấy, mỗi học sinh đều thông minh theo các cách khác nhau, nhiệm vụ của người giáo viên là tạo ra nguồn cảm hứng bất tận cho học sinh, giúp học sinh phát huy được tài năng của riêng chúng” - cô Hà chia sẻ.
 
Bằng sự tận tụy với học trò, sáng tạo trong giảng dạy, hai năm liên tiếp (2017 - 2018), cô Hà được vinh danh tại giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo. Cô cũng được Công đoàn Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội tặng giấy khen “Cô giáo giỏi việc nước, đảm việc nhà” và là một trong hai giáo viên Thủ đô được giới thiệu lên Bộ Giáo dục và Đào tạo để khen thưởng.

Bình An


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t