Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh động vật tại quận Thanh Xuân: Còn nhiều thách thức (10:23 12/03/2020)


HNP - Quận Thanh Xuân đã xây dựng thành công vùng an toàn bệnh dại, góp phần to lớn trong việc bảo vệ sức khỏe cho người dân. Tuy nhiên, để duy trì được công tác này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ các cấp các ngành và sự đồng hành của người dân.

Phường Thượng Đình ra quân bắt và xử lý chó thả rông trên địa bàn phường


Quận đầu tiên xây dựng thành công vùng an toàn dịch bệnh động vật
 
Vùng được công nhận an toàn dịch bệnh do Tổ chức Thú y thế giới công nhận được xác định là không xảy ra ca bệnh đăng ký an toàn dịch bệnh trong một khoảng thời gian quy định cho từng loại bệnh, từng loài động vật; hoạt động thú y trong vùng đó bảo đảm kiểm soát được dịch bệnh. Để được công nhận vùng an toàn dịch bệnh, các địa phương phải thực hiện lấy mẫu kiểm dịch động vật; công tác tiêm vắc xin phòng các bệnh cho vật nuôi phải đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn; nước, chất thải chăn nuôi phải được xử lý trước khi xả thải ra môi trường; hệ thống thú y viên kiểm soát được chặt chẽ vật nuôi từ khi nhập đàn, quá trình chăn nuôi đến xuất bán và giết thịt.
 
Việc xây dựng vùng an toàn bệnh dại đầu tiên trên địa bàn TP là việc làm mới và khó do chưa có hướng dẫn cụ thể chi tiết. Để xây dựng vùng an toàn bệnh dại, quận đã chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y, cùng các ngành thuộc quận và các phường triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp. Cụ thể, thống kê đàn chó trên hệ thống quản lý Drive, tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh dại đạt tỷ lệ 100% số chó mèo trong diện phải tiêm. Hàng tháng, tiêm phòng bổ sung cho đàn chó, mèo mới phát sinh, mới nhập đàn.
 
Quận đã yêu cầu chủ vật nuôi thực hiện đăng ký nuôi chó với UBND phường; xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm hoặc xích chó và có người dắt; nuôi chó tập trung phải bảo đảm vệ sinh thú y, môi trường, chấp hành nghiêm việc tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định...
 
Để xây dựng thành công vùng an toàn dịch bệnh trạm Chăn nuôi và Thú y còn phối hợp với ban, ngành địa phương tổ chức các buổi tập huấn, tuyên truyền phòng chống bệnh dại cho người dân đặc biệt là học sinh tại các trường học. Việc này để người dân hiểu biết về biện pháp phòng chống bệnh dại trên người và vật nuôi, tầm quan trọng của việc tiêm phòng bệnh dại. Kết quả, quận đã tổ chức được 11 buổi ở 11 phường với 1.150 người tham dự, phát 8.000 tờ rơi tuyên truyền về phòng chống bệnh dại.
 
Tính đến nay quận không có dịch bệnh ít nhất 24 tháng kể từ khi con vật mắc bệnh cuối cùng bị chết hoặc bị tiêu hủy. 100% số gia đình đăng ký nuôi chó với Ủy ban nhân cấp xã, 100% số chó được tiêm phòng vaccine. Quận cũng đã yêu cầu chủ vật nuôi phải thực hiện xích, nhốt hoặc giữ chó, đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường không ảnh hưởng tới người xung quanh, kiểm tra huyết thanh không có vi rút Dại lưu hành trên đàn chó.
 
Vẫn còn nhiều khó khăn thử thách
 
Để được công nhận vùng an toàn dịch bệnh, địa phương đó phải có chương trình giám sát bệnh dại, có biện pháp xử lý khi có dịch bệnh xảy ra, kiểm dịch việc vật chuyển, kiểm soát hoạt động giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y. Bên cạnh đó, Trạm Chăn nuôi và Thú y quận cần quản lý, theo dõi, kiểm tra hoạt động tại các cơ sở điều trị thú y tư nhân theo phân cấp (tiêm phòng bệnh dại, điều trị chó mèo). Kiểm soát các điểm kinh doanh chó mèo, các cơ sở dịch vụ trên địa bàn. Tổng hợp báo cáo định kỳ hàng tháng của các cơ sở điều trị thú y tư nhân về tình hình tiêm phòng bệnh dại, vắc-xin sử dụng, tình hình dịch tễ bệnh dại.
 
Hiện nay, Trạm Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với các đơn vị mới kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y, cấp chứng chỉ hành nghề thú y cho 5 phòng khám thú y, 14 cơ sở kinh doanh thuốc.
 
Phó Chủ tịch UBND phường Khương Mai Phạm Hồng Thái cho biết, hiện nay, việc quản lý chăn nuôi và thú y do cấp phường quản lý là chủ yếu, trong thời gian qua, phường đã nỗ lực tuyên truyền đến khu dân cư, các tổ dân phố về công tác xây dựng vùng an toàn dịch bệnh động vật. Việc tuyên truyền trên các loa phát thanh và trực tiếp tới các hộ có chăn nuôi động vật đã bước đầu mang lại kết tích cực, các hộ dân đều nhiệt tình hưởng ứng.
 
Theo lãnh đạo phường, nhờ việc trang bị các lồng sắt, dụng cụ bắt chó mèo nên phường thường xuyên tổ chức ra quân xử lý chó mèo thả rông, lập đội phản ứng nhanh xử lý chó chạy rông. Tuy nhiên, hiện nay, ở phường việc duy trì lực này còn gặp khó khăn, do các bác ở tổ dân phố phần lớn tuổi đã cao, làm kiêm nhiệm nhiều việc khác nhau. Nếu thành lập một đội chuyên nghiệp do quận quản lý với phương tiện được đầu tư và cán bộ được đào tạo bài bản thì hiệu quả công tác này sẽ cao hơn.
 
Theo Phó Chủ tịch quận Thanh Xuân Lê Mai Trang, việc công bố Vùng an toàn dịch bệnh lần này vừa thể hiện kết quả nỗ lực của quận nhưng cũng tạo ra thách thức để các đơn vị của quận phải giữ vững. Làm sao để đảm bảo quận Thanh Xuân là quận an toàn, không có các vụ việc liên quan đến bệnh dại động vật.
 
Trước mắt, quận sẽ thống nhất về nhận thức đến hành động cho cán bộ các đơn vị, UBND các phường và đặc biệt là những cán bộ trực tiếp làm trong công tác thú y. Tiếp tục đề ra giải pháp để thực hiện, để giữ vững các tiêu chí vùng an toàn dịch động vật.
 
"Cái khó nhất hiện nay là làm sao thay đổi nhận thức từ các đơn vị quản lý ở quận, phường đến những gia đình đang trực tiếp nuôi động vật, để các gia đình này họ ủng hộ, chia sẻ những khó khăn cùng tham gia thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh" lãnh đạo quận cho biết thêm.

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t