Thăng trầm làng nghề kim hoàn Định Công (17:06 04/07/2018)


HNP - Làng Định Công, nay thuộc phường Định Công, quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội nổi tiếng với nghề truyền thống lâu đời - nghề kim hoàn. Nơi đây được coi như một trong những cái nôi của nghề truyền thống này.

Nghệ nhân Quách Văn Hiểu trình diễn công đoạn đậu bạc tại một Lễ hội


Lịch sử tổ nghề
 
Câu chuyện về tổ nghề kim hoàn - chạm vàng bạc có liên quan đến ba anh em họ Trần (sinh thời khoảng năm 571-603) từ lâu đã đi vào tiềm thức và niềm tự hào của mỗi người dân làng Định Công. Đồng thời, nhắc nhở các thế hệ thợ nghề luôn nhớ về cái nôi ban đầu của nghề chạm vàng bạc… Ba anh em họ Trần kể trên không hẳn là ông tổ nghề với danh nghĩa là nhà khai sáng mà họ chỉ là những người có đóng góp cải tiến quan trọng về mặt kĩ thuật. Trong nhiều ngôi mộ ở thế kỷ II, III, đã thấy đồ trang sức bằng vàng, bằng ngọc như vòng tay, nhẫn, trâm, lược, hoa tai, hạt chuỗi... được gia công tinh tế. Điều đó chứng tỏ trước khi xuất hiện ba anh em họ Trần thì nước ta đã có nghề chạm khắc vàng bạc làm đồ trang sức. 
 
Để có thể chế tác được các sản phẩm vàng bạc tinh xảo đòi hỏi người thợ phải nắm vững 3 khâu kỹ thuật quan trọng của nghề là chạm, đậu và trơn. Chạm tức là chạm trổ các hình vẽ, hoa văn, họa tiết trên mặt các đồ trang sức hay các đồ bằng vàng, bạc. Đồ chạm ngày trước thường là các loại khánh, vòng, kiềng, chóp nón, ống nhổ, ống vôi... Đậu tức là kéo vàng bạc đã nung chảy thành những sợi chỉ vàng, bạc rồi từ những sợi chỉ này chuyển thành những hình hoa lá, chim muông gắn vào những đồ trang sức. Khâu này đòi hỏi phải có bàn tay khéo léo và nhỏ nhắn nên phần nhiều do phụ nữ làm. Trơn tức là làm những đồ vàng bạc không cần chạm trổ mà chỉ cườm cho nhẵn, bóng, trơn. Người thợ kim hoàn lành nghề không những phải nắm vững cả ba mặt chuyên môn mà trước hết phải nắm vững những thủ thuật luyện kim cổ truyền. Muốn có vàng tốt tức là vàng 10 tuổi (còn gọi là vàng lá, vàng diệp) người ta tiến hành theo kỹ xảo cổ truyền gọi là "chở vàng".
 
Sau khi những đồ vật đã được tạo thành hình thì đến khâu cuối cùng là đánh bóng. Đồ dùng bằng bạc được xoa bằng cát rồi trải lên trên một dung dịch gồm bồ tạt và vôi sau đó hơ trên lửa. Khi đã nguội đồ vật được ngâm vào một dung dịch phèn đun sôi rồi lại dùng cát cọ lên một lần nữa và cuối cùng lại cọ bằng những mảnh chai. Đồ dùng bằng vàng thì được chải bằng một chất lỏng sánh gồm gạch giã với muối nước, hơ qua lửa rồi làm sạch. Sau đó người ta lại ngâm đồ vật vào một dung dịch có quả tai chua đun sôi, rồi cuối cùng cũng cọ bằng cát và bằng mảnh chai. Qua những hoa văn, họa tiết trang trí trên các sản phẩm, ta nhận thấy rõ đức tính kiên trì, sự thông minh khéo léo, óc sáng tạo của những người thợ kim hoàn Việt Nam.
 
Bảo tồn và phát triển làng nghề
 
Một sản phẩm của làng nghề kim hoàn, Định Công
 
Đến nay, ở làng Định Công chỉ còn hai gia đình nghệ nhân Quách Văn Trường cùng con trai là Quách Tuấn Anh và nghệ nhân Quách Văn Hiểu cùng con trai là Quách Tuấn Tú tiếp tục sống với nghề, giữ ngọn lửa của làng nghề truyền thống kim hoàn. Nếu như nghệ nhân Quách Văn Trường là người có công gây dựng lại nghề truyền thống thì nghệ nhân Quách Văn Hiểu là người quảng bá, đưa hình ảnh nghề tới gần hơn với công chúng và bạn bè quốc tế.  Các tác phẩm của ông từng tham gia Triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc năm 2004 và đạt được giải thưởng quan trọng. Đây cũng là lần đầu tiên làng nghề Định Công đoạt huy chương Vàng với tác phẩm “Hộp tú cầu đậu bạc”. Năm 2008, tác phẩm “Hộp quạt Xuân Hương” của nghệ nhân Quách Văn Hiểu là một trong 6 tác phẩm đoạt giải thưởng ASEAN - tác phẩm xuất sắc về nghệ thuật thủ công mỹ nghệ các nước trong khối ASEAN và là tác phẩm duy nhất của Việt Nam đạt giải. Với những đóng góp trong việc giữ gìn và duy trì nghề đậu bạc Định Công, ông Quách Văn Hiểu đã được xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. 
 
Trở ngại nhất trong việc duy trì nghề đậu bạc ở Định Công là thiếu thợ. Nghề rất kén thợ, để đào tạo được một người nghệ nhân giỏi có thể mất khoảng 10 năm. Nghệ nhân Quách Văn Hiểu từng chia sẻ, nghề đậu bạc là nghề thủ công không được nhiều người biết đến, đòi hỏi người thợ phải làm toàn bộ các khâu từ mỹ thuật tới sản xuất, tiếp thị. Vì kinh tế bị hạn chế nên nhiều người trẻ bây giờ không còn mặn mà với nghề. Ông cũng cho biết, thực tế khi kết thúc các lớp đào tạo cho lớp trẻ thì chỉ có khoảng 1/3 trong số các học viên có thể trụ được lại với nghề bằng nhiều cách khác nhau như đi làm thuê hoặc mở cửa hàng riêng. 
 
Người lưu giữ nghề vốn đã ít là vậy nhưng việc phát triển nghề còn gian nan hơn thế. Khi kêu gọi được một số người học nghề rồi thì bài toán nan giải đặt ra trước mắt là làm sao có đầu ra cho sản phẩm. Có đầu ra cho sản phẩm, học viên có thu nhập cao mới thôi thúc họ yêu nghề và theo nghề trọn vẹn… Bởi vậy, mong muốn lớn nhất của những nghệ nhân nghề kim hoàn Định Công là có được nơi trưng bày, quảng bá nghề và một trung tâm để đào tạo nghề. Qua đó, sản phẩm sẽ có chỗ đứng trên thị trường và các bạn trẻ sẽ nhìn thấy được tương lai của nghề. Nếu như trước đây, các nghệ nhân chỉ truyền nghề cho người dân làng Định Công để giữ nghề thì ngày nay, những nghệ nhân cho biết sẵn sàng dạy và khơi nguồn cho tất cả những ai yêu nghề và có tài…
 
Có thể nói, trải qua giai đoạn thăng trầm cùng với lịch sử, nghề đậu bạc - kim hoàn ở Định Công vẫn là một nét đẹp độc đáo trong bức tranh muôn màu của các làng nghề Hà Nội. Hi vọng hành trình ấy sẽ được viết tiếp những trang mới bởi những người trẻ có tâm, có đức, có tài, cố gắng giữ gìn ngọn lửa làng nghề truyền thống vàng son một thời.

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t