Hà Nội: Quan tâm phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số (14:19 31/10/2019)


HNP - Nhờ sự quan tâm, đầu tư của thành phố với hệ thống chính sách đặc thù, giáo dục vùng dân tộc thiểu số (DTTS) của Thủ đô đã có những bước phát triển đáng kể. Mạng lưới trường lớp phát triển rộng khắp từ mầm non đến trung học phổ thông, chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên.

Cô và trò Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Ba Vì


Hiện nay, hệ thống chính sách phát triển giáo dục đối với vùng DTTS và miền núi của thành phố đã được ban hành khá đầy đủ cho hai nhóm đối tượng học sinh và giáo viên. Các chính sách cho học sinh, sinh viên vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm chính sách học bổng; miễn giảm học phí; trợ cấp xã hội, hỗ trợ học tập…
 
Vùng DTTS của thủ đô hiện có 100% trẻ em đã được học Mẫu giáo và lớp 1, tỷ lệ xã phổ cập giáo dục Tiểu học, THCS đạt 100%. Năm học 2017-2018, đã có 90% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học trung học. Tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ THPT và tương đương đạt trên 82%.
 
Với sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND Hà Nội đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào DTTS. Thành phố đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học ở các trường vùng dân tộc. Đến nay, tại 14 xã vùng dân tộc, miền núi của Thành phố có 60 trường học, trong đó, có 32 trường có cơ sở vật chất đạt chuẩn Quốc gia.
 
Các chế độ, chính sách đối với học sinh DTTS, giáo viên và cán bộ quản lý công tác ở các vùng dân tộc, miền núi được thực hiện đầy đủ. Học sinh con hộ nghèo được miễn học phí và được hưởng mức hỗ trợ 100.000 đồng/tháng/năm học; học sinh con hộ cận nghèo được hưởng mức hỗ trợ 50.000 đồng/tháng/năm học. Học sinh Trường phổ thông Dân tộc Nội trú được hỗ trợ 80% mức lương tối thiểu/học sinh/tháng/năm học.
 
Ngoài ra, các em còn được cấp sách giáo khoa, văn phòng phẩm, dụng cụ học tập, cặp sách và các đồ dùng sinh hoạt đầy đủ theo quy định. Giáo viên giảng dạy ở bậc tiểu học được hưởng phụ cấp ưu đãi 50% lương cơ bản; giáo viên giảng dạy ở bậc THCS, THPT được hưởng phụ cấp ưu đãi 35% lương cơ bản, được hưởng 0,3 hệ số lương trách nhiệm.
 
Trên địa bàn các xã dân tộc, miền núi ở Hà Nội có hơn 200 giáo viên đang công tác là người DTTS. Công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên công tác tại các trường phổ thông dân tộc nội trú được Sở Giáo dục & Đào tạo thành phố tổ chức hàng năm.
 
Nhờ việc đầu tư về cơ sở vật chất và đào tạo giáo viên mà ngày càng có nhiều học sinh thuộc các DTTS đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông và học lên những cấp học cao hơn. Ở hầu hết các huyện, tỷ lệ học sinh là người DTTS đạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp thành phố, học sinh trúng tuyển vào các trường chuyên nghiệp đạt điểm cao đều tăng so với những năm học trước. Qua đó, có thể thấy, chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng được nâng lên.
 
Đánh giá về việc đầu tư cho phát triển giáo dục đồng bào DTTS, ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, trong thời gian qua, thành phố luôn ưu tiên đầu tư xây dựng một số trường dân tộc nội trú để nâng cao chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia. Ngoài ra, thành phố tăng cường, ưu tiên đào tạo nhân lực cho các dân tộc thiểu số và các vùng khó khăn bằng các hình thức như tiếp tục chính sách cử tuyển, lồng ghép đào tạo cán bộ là người DTTS trong Đề án đào tạo cán bộ, công chức cấp cơ sở, đào tạo cán bộ y tế cho tuyến xã. Các chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục cho đồng bào dân tộc của thành phố đã thực sự đi vào cuộc sống và có ý nghĩa xã hội to lớn, góp phần quan trọng trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho vùng DTTS và miền núi. 
 
Trưởng Ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Tất Vinh cho biết, các chế độ chính sách đối với giáo viên và học sinh được đảm bảo đầy đủ, kịp thời. Chế độ cử tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng và đào tạo nghề đảm bảo đúng quy định. Hiện nay, 100% trẻ em được học Mẫu giáo và lớp 1. Tỷ lệ xã phổ cập giáo dục Tiểu học, THCS đạt 100%; trang thiết bị giảng dạy, học tập được đảm bảo đồng bộ, trường học được nâng cấp, đã có 33/62 trường học đạt chuẩn Quốc gia, chiếm 53,22%. 
 
Nhằm động viên, kích lệ tinh thần học tập của học sinh dân tộc thiểu số, từ năm 2015 đến nay, Ban Dân tộc Thành phố đã chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các sở, ngành liên quan tổ chức Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên DTTS Thủ đô xuất sắc, tiêu biểu.

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t