"Nóng" kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm (14:15 25/12/2017)


HNP - Dịp cuối năm là thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng cao, đồng nghĩa với việc lượng thực phẩm được đưa ra thị trường ngày càng lớn. Do đó, việc tăng cường công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm là việc làm cấp thiết. Tuy nhiên, sự bất cập trong kiểm soát hoạt động này khiến người dân Hà Nội thấp thỏm lo âu.

Vẫn khó kiểm soát

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 1.070 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó: Cơ sở giết mổ nhỏ, thủ công là 1.047 cơ sở; giết mổ bán công nghiệp 17 cơ sở; giết mổ công nghiệp 6 cơ sở. Tổng số cơ sở có giấy phép đăng ký kinh doanh là 168 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Trong năm 2017, cơ quan quản lý nhà nước thành phố đã cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 8 cơ sở giết mổ.

Qua kiểm tra, các cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp, thủ công tập trung hiện có trên địa bàn thành phố hoạt động còn hạn chế. Các cơ sở giết mổ công nghiệp chỉ hoạt động được từ 15 đến 30% công suất thiết kế, một số đã phải ngừng hoạt động giết mổ dây truyền hoặc chuyển sang giết mổ sàn (giết mổ thủ công) để duy trì hoạt động.

Trong khi đó, hoạt động giết mổ nhỏ lẻ, thủ công trên địa bàn thành phố đa dạng, khó kiểm soát. Hầu hết các cơ sở, nằm xen kẽ trong khu dân cư, cơ sở hạ tầng trang thiết bị, dụng cụ không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y. Đa số các cơ sở giết mổ không có giấy phép kinh doanh. Không có địa điểm cố định mà nằm rải rác ở khắp nơi (trừ huyện Thanh Trì không còn giết mổ nhỏ lẻ). Thời gian giết mổ bắt đầu nửa đêm và kết thúc vào buổi sáng sớm, gây khó khăn cho việc quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, nước thải, chất thải rắn từ các cơ sở giết mổ không được xử lý mà thải trực tiếp ra môi trường, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe con người.

Trong khi đó, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm chưa thật sự quyết liệt. Số vụ bị xử lý so với mức độ vi phạm chẳng khác gì muối bỏ bể. Chi cục Thú y Hà Nội thừa nhận, công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y triển khai vẫn chưa được triệt để, công tác quản lý về an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập. Đáng nói, ý thức chấp hành các quy định của Nhà nước của người còn hạn chế làm cho công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm, an toàn thực phẩm gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân ở đây, một phần do số lượng cơ sở giết mổ tập trung ít, còn số cơ sở giết mổ rất nhiều, trong khi các cơ sở lại không đáp ứng được yêu cầu vệ sinh thú y. Vì vậy, cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc thực hiện kiểm soát giết mổ để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm động vật khi đưa ra thị trường. Từ ngày 1/7/2016, Luật Thú y có hiệu lực, bãi bỏ kiểm dịch nội tỉnh, do đó, cũng khó khăn trong công tác kiểm soát, truy xuất nguồn gốc động vật và sản phẩm động vật.

Mặt khác, do số lượng chợ đầu mối buôn bán sản phẩm gia súc, gia cầm chưa đáp ứng nhu cầu nên hiện tương buôn bán, kinh doanh sản phẩm động vật tại các chợ cóc, chợ tạm phục vụ đời sống dân sinh trên địa bàn thành phố vẫn diễn ra thường xuyên. Ngoài ra, tình trạng vận chuyển gia súc đã giết mổ bằng xe máy trên các tuyến đường giao thông trong nội thành vừa không bảo đảm các điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm còn gây mất mỹ quan đô thị.

Siết chặt công tác quản lý  

Từ nay đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, nhu cầu thực phẩm phục vụ Tết của người dân Thủ đô tăng cao gấp 2-3 lần so với ngày thường. Nhằm tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vấn đề đặt ra, các cấp chính quyền, đơn vị liên quan của TP Hà Nội phải tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm, nhất là hoạt động giết mổ nhỏ lẻ, thủ công và giết mổ tại các chợ trong nội thành; thường xuyên thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, chấn chỉnh kịp thời các hoạt động kinh doanh, giết mổ không đảm bảo các quy định.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nâng cao ý thức trách nhiệm, chấp hành đầy đủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định về bảo vệ môi trường. Các cơ sở giết mổ ký cam kết và nghiêm chỉnh chấp hành việc giết mổ, kinh doanh đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Trước mắt, cần có các biện pháp thu gom, xử lý các loại rác thải, nước thải được xả ra trong quá trình giết mổ tại các cơ sở nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường. Về lâu dài, cần giết mổ tập trung theo quy hoạch để đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, phòng, chống dịch bệnh cho người và động vật.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết: từ nay đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, lực lượng thú y sẽ tập trung cao độ, bố trí đủ cán bộ thú y để kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các cơ sở giết mổ đã được chính quyền cho phép, xử lý nghiêm cơ sở giết mổ, kinh doanh trái quy định. Tổ chức quản lý chặt chẽ hộ kinh doanh tại các quận nội thành, kiên quyết xử lý sản phẩm động vật không có dấu kiểm dịch giết mổ để chủ hộ đến mua sản phẩm động vật tại các cơ sở giết mổ đã được quản lý. Chi cục Thú y đề xuất với chính quyền các địa phương cương quyết xử lý, xóa bỏ và nghiêm cấm hoạt động giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, môi trường và an toàn thực phẩm...

Từ đầu năm đến nay, 9 chốt kiểm dịch động vật của Hà Nội đã kiểm tra 52.366 lượt phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm, trong đó: 32.862 lượt xe ô tô, 19.504 lượt xe máy. Số gia súc, gia cầm được kiểm tra, phúc kiểm gần 11,9 triệu con gồm: Lợn chưa giết mổ gần 1,2 triệu con, lợn đã giết mổ gần 723.500 con; gia cầm chưa giết mổ hơn 9,84 triệu con, gia cầm đã giết mổ hơn 151.000 con. Ngoài ra, kiểm dịch gần 11,8 triệu quả trứng gia cầm và gần 1,4 triệu kg thịt gia súc, gia cầm. Qua đó, cơ quan chức năng đã phạt vi phạm hành chính 4 trường hợp 4,4 triệu đồng.


Minh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t