Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo (15:58 08/03/2022)


HNP - Sáng 8/3, Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về lộ trình cho học sinh đi học trực tiếp trở lại tại trường và tình hình công tác giáo dục, đào tạo của thành phố Hà Nội trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc


Các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Chu Ngọc Anh cùng chủ trì hội nghị.
 
Tham dự hội nghị, về phía Bộ GD&ĐT có các đồng chí Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Hữu Độ, Phạm Ngọc Thưởng, Ngô Thị Minh, Hoàng Minh Sơn; cùng lãnh đạo các cục, vụ, các cơ quan thuộc Bộ GD&ĐT.
 
Các đồng chí lãnh đạo chủ trì buổi làm việc
 
Đại biểu thành phố Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; lãnh đạo một số sở, ngành Thành phố.
 
Hà Nội là địa phương có số thí sinh đạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế nhiều nhất cả nước
 
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng cho biết, năm học 2021-2022, thành phố Hà Nội có 2.835 trường mầm non, phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và 01 trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục, với 2.206.906 học sinh; 138.090 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên (tăng 51 trường và 67.219 học sinh so với cùng kỳ năm học trước). Các trường Đại học, Cao đẳng thuộc các các Bộ, ngành trên địa bàn Thành phố có khoảng 120 trường với gần 1.000.000 sinh viên, học sinh. Ngoài ra, Thành phố có 298 đơn vị đang có hoạt động giáo dục nghề nghiệp, với tổng với 192.590 học viên.
 
Năm học 2021, thực hiện nghiêm tinh thần “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” của Chính phủ tại Nghị quyết 128/NQ-CP, ngày 11/10/2021, Thành phố đã chỉ đạo ngành GD&ĐT tiếp tục thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa tích cực thực hiện các giải pháp phòng chống dịch Covid-19, bảo đảm an toàn trường học, vừa ra sức phấn đấu, khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và đảm bảo chất lượng GD&ĐT.
 
Với tinh thần “Tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, Thành phố đã chỉ đạo ngành GD&ĐT kịp thời triển khai việc dạy, học trên truyền hình, dạy học trực tuyến, học trên phần mềm ôn tập, kiểm tra trực tuyến giúp cho hoạt động dạy học của giáo viên và các em học sinh không bị gián đoạn. Các đề án, kế hoạch, chương trình công tác được triển khai kịp thời và đã đạt được những kết quả toàn diện. Ứng dụng CNTT trong công tác tuyển sinh đầu cấp và quản lý học sinh được chú trọng đẩy mạnh, tiến tới đồng bộ hóa dữ liệu, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục. 
 
Đặc biệt, chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng giáo dục mũi nhọn có chuyển biến mạnh mẽ và rõ nét. Năm học 2021, toàn Thành phố có 1.058 thí sinh đạt giải quốc tế (187 HCV; 269 HCB; 379 HCĐ và 223 giải Khuyến khích). Hà Nội cũng là địa phương có số thí sinh đạt giải nhiều nhất cả nước, gồm 139 thí sinh đạt giải, với 11 giải Nhất trong kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia.
 
Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên được tăng cường, đảm bảo chất lượng chuyên môn và năng lực sư phạm. Xã hội hoá giáo dục có nhiều bước chuyển biến, huy động được các nguồn lực đầu tư, chăm lo phát triển giáo dục. Hiện nay, Hà Nội có 22 trường chất lượng cao, trong đó, có 16 trường công lập; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn Thành phố là 63,9% (1.791/2.802). 
 
Về mục tiêu phát triển ngành GD&ĐT Thủ đô giai đoạn 2021-2025, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng cho biết, Thành phố sẽ đẩy mạnh ứng dụng CNTT và các phương tiện truyền thông trong dạy và học; đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực phát triển giáo dục; hoàn thiện cơ chế chính sách, đổi mới hệ thống và quản trị nhà trường; thực hiện các chính sách phát triển giáo dục đào tạo cho vùng khó khăn và đối tượng chính sách; tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học... nâng tỷ lệ trường công lập (mầm non, tiểu học, THPT) đạt chuẩn quốc gia từ 80-85%.
 
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng báo cáo tại buổi làm việc
 
Về công tác phòng, chống dịch Covid-19, đến nay Hà Nội đã triển khai tiêm mũi 1 vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi tại các cơ sở giáo dục đạt 99,8%; mũi 2 đạt 99,5%. Tính đến ngày 6/3/2022, cấp tiểu học và khối lớp 06 tiếp tục dạy và học trực tuyến, tỷ lệ học sinh tham gia học tập đạt 97,36%. Đối với cấp THCS (từ lớp 07 đến lớp 09), số học sinh đến trường học trực tiếp chiếm 46,07%, còn lại 53,93% học sinh học trực tuyến. Với cấp THPT, số học sinh đến trường học trực tiếp chiếm 58,45%, còn lại 41,55% học sinh học trực tuyến.
 
Các trường học, cơ sở giáo dục tổ chức học trực tiếp dựa trên nguyên tắc: Thực hiện theo tinh thần tự nguyện của cha mẹ học sinh, chỉ tổ chức dạy học trực tiếp tại các địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2; Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 cấp quận/huyện/thị xã xây dựng các kịch bản xử lý tình huống nếu xảy ra F0, F1 tại các cơ sở giáo dục; Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho trẻ em đi học trở lại; tiếp tục hoàn thiện, tăng cường cơ sở vật chất, nhân lực cho lực lượng y tế trường học.
 
Ưu tiên quỹ đất cho xây dựng trường học trong khu vực nội thành
 
Nêu một số khó khăn, vướng mắc đối với công tác phát triển GD&ĐT Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng cho biết, một số phường trong các quận nội thành còn thiếu trường công lập do hết quỹ đất, một số phường đã có trường nhưng không đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh do dân số trên địa bàn phường quá đông. Hầu hết các trường trong các quận nội thành có diện tích đất quy mô nhỏ, số học sinh/lớp đông ảnh hưởng đến kết quả công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.
 
Trên cơ sở đó, thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách thu hút mọi nguồn lực cho phát triển giáo dục, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đặc biệt là đối với các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh nhằm giảm áp lực lên hệ thống các trường công lập. Đặc biệt, ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường học công lập trong khu vực nội thành cho thành phố Hà Nội khi di dời trụ sở các bộ, ngành, các trường Cao đẳng, Đại học, cơ quan, xí nghiệp, nhà máy… ra khỏi khu vực nội đô.
 
Đối với Bộ GD&ĐT, thành phố Hà Nội nêu 6 kiến nghị chung và 4 kiến nghị đặc thù. Đáng chú ý, Thành phố kiến nghị Bộ cho phép các cơ sở giáo dục công lập được phép liên kết, liên danh, chuyển giao và sử dụng bản quyền các chương trình giáo dục quốc tế với các cơ sở giáo dục nước ngoài; học sinh tham gia và hoàn thành chương trình được cấp song bằng Việt Nam và bằng quốc tế tại các trường phổ thông Hà Nội có đủ điều kiện (hình thức du học tại chỗ).

Trọng Toàn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t