Chú trọng công tác giảm nghèo (21:09 18/06/2018)


HNP - Nhờ quan tâm, chú trọng công tác giảm nghèo, trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả trong công tác này. Nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo được ban hành kịp thời và nghiêm túc triển khai thực hiện đã đáp ứng các nhu cầu cơ bản, hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội thiết yếu, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của hộ nghèo, cận nghèo.

Ngay sau khi hợp nhất, Sở LĐ-TB&XH đã chủ động xây dựng và phối hợp với các ngành liên quan trình UBND Thành phố ban hành các cơ chế, chính sách để thực hiện thống nhất, đồng bộ trên địa bàn Hà Nội mở rộng, cụ thể: Chuẩn nghèo được tăng lêm mức 330.000 đồng/người/tháng khu vực nông thôn và 500.000 đồng/ người/tháng khu vực thành thị (năm 2009), cao hơn 1,7 lần so với chuẩn nghèo Trung ương và 1,3 lần só với chuẩn nghèo Hà Nội (cũ); năm 2011 chuẩn nghèo tiếp tục được nâng lên 550.000 đồng khu vực nông thôn và 750.000 đồng khu vực thành thị và từ năm 2016 đến nay là 1.100.000 đồng khu vực nông thôn và 1.400.000 khu vực thành thị. Chuẩn nghèo của Hà Nội luôn được quy định cao hơn chuẩn nghèo Trung ương, do đó, có thêm nhiều đối tượng có hoàn cảnh khó khăn được hưởng các chính sách hỗ trợ.

Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo được quy định thống nhất như: Mức thu học phí và các khoản thu khác đối với học sinh nghèo, cân nghèo; cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho 100% người nghèo, người cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người mù có hoàn cảnh khó khăn và bệnh nhân phong. Người nghèo thuộc diện già yếu hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không có khả năng lao động được hưởng trợ cấp hằng tháng mức 200.000 đồng/người/tháng và tăng lên 350.000 đồng/người/tháng (từ tháng 01/2012). Kết quả, năm 2008 có 3.333 người được trợ cấp, đến năm 2018 có 6.500 người. Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có người khuyết tật được vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ; hộ nghèo vay xây dựng, sủa chữa nhà ở; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay để trang trải chi phí học tập. Các đối tượng chính sách xã hội được vay vốn với mức phí ưu đãi (thấp hơn mức phí Trung ương quy định). Tính đến năm 2018, Thành phố đã trích ngân sách ủy thác sang ngân hàng chính sách  xã hội Thành phố trên 2.000 tỷ đồng để cho hộ nghèo, các đối tượng chính sách xã hội vay vốn.

Từ năm 2008 đến nay, Thành phố đã trích ngân sách các cấp và vận động xã hội hóa để tổ chức hai đợt hỗ trợ xây, sửa nhà ở cho hộ nghèo (vào các năm 2009 - 2011 và năm 2018). Từ năm 2008 đến nay, đã có 17.824 nhà ở cho hộ nghèo được hỗ trợ xây, sửa. Đặc biệt năm 2018, Thành phố tiếp tục hỗ trợ trên 4.000 nhà ở hư hỏng của hộ nghèo, kinh phí hỗ trợ từ nguồn xã hội hóa và vay vốn tại ngân hàng chính sách xã hội không phải trả lãi, phấn đấu hoàn thành trước ngày “Cả nước vì người nghèo” 17/10/2018.

Đầu năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo của Thành phố là 8,43% và đến đầu năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn 1,69%. Năm 2017, Hà Nội không còn xã, thôn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; 11/30 quận, huyện có tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%, trong đó, quận Cầu Giấy không còn hộ nghèo.

Các quận, huyện tích cực triển khai rà soát, phân tích rõ nguyên nhân nghèo của từng hộ để có các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo. Nhiều giải pháp giảm nghèo hiệu quả đã được triển khai thực hiện như: hỗ trợ phương tiện sản xuất, kinh doanh (máy khâu, máy ép nước mía, xe máy làm xe ôm…), tặng bò, hỗ trợ của hàng tạp hóa, nhận đỡ đầu học sinh nghèo học giỏi; hỗ trợ thường xuyên người cao tuổi cô đơn, người mắc bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật đặc biệt nặng có hoang cảnh khó khăn…Cuối năm 2018, có thêm 02 quận (Tây Hồ, Thanh Xuân) phấn đấu không còn hộ nghèo; quận Hoàn Kiếm và Long Biên phấn đấu giảm 50% đến 70% số hộ nghèo hiện có. Bên cạnh việc chăm lo cho hộ nghèo, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, thành phố Hà Nội còn chia sẻ khó khăn với các tỉnh bị thiệt hại do thiên tai; hỗ trợ kinh phí phẫu thuật tim, sứt môi, hở hàm ếch cho trẻ em của 9 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng; tặng quà Tết cho học sinh trường dân tộc nội trú và hỗ trợ trang thiết bị cho nhà văn hóa dân cư của các xã vùng biên giới của 10 tỉnh. Các hoạt động kết nối, chia sử thể hiện tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, đặc biệt với cac địa phương còn nhiều khó khăn.

Để thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” và đạt mục tiêu đến cuối năm 2020 tỷ lệ họ nghèo của Thành phố còn dưới 1%, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu tích hợp một số nhóm chính sách hỗ trợ theo hướng giảm dần các chính sách cho không với mức hỗ trợ thấp (như hỗ trợ tiền điện…), tập trung vào các nhóm hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ cơ bản (như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh và thông tin,…).

Cùng với đó, Thành phố tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo đa chiều, giảm nghèo bền vững; gắn việc thưc hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo với các chương trình xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác giảm nghèo. Đề nghị các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thưc của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân về mục tiêu giảm nghèo bền vững; qua đó, tạo sự đồng thuận, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong triển khai thực hiện công tác giảm nghèo; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận, sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ để thoát nghèo, vươn lên khá giả.


Huy Hoàng


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t