Xây dựng Hà Nội thành trung tâm Đông y lớn của cả nước (09:52 17/06/2018)


HNP - Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW, ngày 4/7/2008, của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới”, công tác khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại trên địa bàn Thủ đô đã có bước tiến mới, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Điểm nổi bật trong 10 năm qua là nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân đối với công tác phát triển nền Đông y có chuyển biến rõ nét. Mối quan hệ phối hợp giữa các sở, ngành, đặc biệt là ngành y tế đối với hội Đông y ngày càng chặt chẽ. Nhiều đơn vị đã quan tâm, tạo điều kiện để tổ chức hội Đông y hoạt động hiệu quả. Đến nay, Hội Đông y Thành phố có 43 đơn vị trực thuộc, trong đó có 30 chi hội quận, huyện, thị xã. 
 
Tại cấp cơ sở, Hội Đông y Thành phố đã tích cực chỉ đạo xây dựng, củng cố tổ chức, phát triển hội viên và thành lập thêm các chi hội trực thuộc cũng như các hội đông y xã, phường, thị trấn. Nếu như năm 2008, toàn Thành phố có 297 phòng chẩn trị của hội viên được cấp phép hành nghề, 149 tổ chức hội với 2.800 hội viên thì đến hết năm 2017, toàn Thành phố có 522 phòng chẩn trị của hội viên được cấp phép hành nghề, 260 tổ chức hội với 5.351 hội viên.
 
Đặc biệt, Hà Nội là địa phương duy nhất có 2 bệnh viên chuyên khoa y học cổ truyền, đó là Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nội với quy mô 300 giường bệnh, 18 khoa phòng và Bệnh viên Y học cổ truyền Hà Đông, với quy mô 200 giường bệnh, 9 khoa phòng chức năng. Ngoài ra, 13/13 bệnh viện đa khoa tuyến Thành phố đều có khoa y học cổ truyền hoặc khoa Nội - Đông y; 563/577 trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, trong đó có y học cổ truyền.
 
Nhằm kế thừa và phát huy tinh hoa y học cổ truyền dân tộc, đặc biệt là giữ gìn, phát huy các bài thuốc quý, trong 10 năm qua, Hội Đông y Hà Nội đã sưu tầm được 77 cây thuốc quý, 117 phương pháp chữa bệnh đạt hiệu quả cao và gần 300 bài thuốc gia truyền. Nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, nâng cao nhận thức của đoàn viên, hội viên và nhân dân, Hội Đông y Thành phố đã in, phát hành 10 đầu sách chuyên ngành, trong đó có các cuốn “Sinh bệnh lý và luận trị Tạng Tâm”, “Sinh bệnh lý và luận trị Tạng Can”, “Sinh bệnh lý và luận trị Tạng Thận”…
 
Ngoài ra, với phương châm “Thầy tại nhà, thuốc tại vườn”, “Khi đói làm rau, khi đau làm thuốc”, trong 10 năm qua, Hội Đông y Thành phố đã vận động hội viên khảo sát, sưu tầm các cây thuốc quý trên địa bàn, thành lập các hợp tác xã thuốc Nam, xây dựng 3 mô hình trồng cây thuốc Nam trên chân ruộng trũng, chân ruộng 2 lúa và vùng gò, đồi. Đến nay, toàn Thành phố đã có 720 vườn thuốc với diện tích trên 52 nghìn m2, cung cấp nguồn dược liệu quý phục vụ khám chữa bệnh tại chỗ cũng như bảo tồn các cây thuốc quý.
 
Với những kết quả đó, trong 10 năm qua, ngành y tế và Hội Đông y các cấp đã tiến hành khám chữa bệnh bằng Đông y cho hàng triệu lượt người, tỷ lệ khỏi bệnh và chuyển biển tốt đạt 80%. Các trường hợp như phong thấp, thấp khớp, đau dây thần kinh, dạ dày, đại tràng, viêm phế quản, sỏi thận… được điều trị hiệu quả. Đặc biệt, những trường hợp bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo cũng được điều trị bằng liệu pháp y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại, mang lại kết quả tích cực, tạo niềm tin trong nhân dân.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, việc phát triển nền y học cổ truyền trên địa bàn Thủ đô theo tinh thần Chỉ thị số 24-CT/TW còn một số khó khăn, hạn chế. Đó là, sự kết hợp giữa y học cổ truyền với y học hiện đại chưa đạt yêu cầu, công tác hiện đại hóa y học cổ truyền còn chậm. Việc nghiên cứu, đa dạng hóa các chế phẩm từ y học cổ truyền chưa đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi của nhân dân.
 
Nhiều bài thuốc hay, cây thuốc quý còn chưa được nghiên cứu, nhân rộng, có nguy cơ mai một và thất truyền. Công tác quản lý thuốc y học cổ truyền cũng còn nhiều hạn chế, chưa kiểm soát được giá cả và chất lượng thuốc trôi nổi trên thị trường. Nguồn dược liệu trong nước gần như cạn kiệt, trong khi việc nuôi trồng, phát triển còn nặng tính tự phát…
 
Trên cơ sở đó, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 24-CT/TW, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020 có 80% các phòng chẩn trị y học cổ truyền, nhà thuốc đông y gia truyền tham gia Hội Đông y; có 40% quận, huyện, thị xã có trung tâm thừa kế ứng dụng đông y để nghiên cứu, ứng dụng, bảo tồn những phương thuốc hay, bài thuốc quý. Ngoài ra, thành lập trường đào tạo lương y, đào tạo nghề Đông y, phối hợp với các trường mỗi năm đào tạo 1-2 lớp y sỹ y học cổ truyền với số lượng 50-100 học viên, đồng thời, chuẩn hóa trình độ của các lương y, lương dược.
 
Thành phố cũng tiếp tục củng cố hệ thống bệnh viện y học cổ truyền; xây dựng, nâng số giường bệnh của Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nội lên 350 giường và Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Đông lên 250 giường; 100% các bệnh viện tuyến huyện có khoa y học cổ truyền. Nâng số người được khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền ở cấp Thành phố lên 15%, tuyến huyện đạt 20% và tuyến xã đạt 30%...
 
Mới đây, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đã nhấn mạnh mục tiêu hàng đầu là phải xây dựng và phấn đấu để Hà Nội thực sự trở thành trung tâm Đông y lớn, góp phần thúc đẩy sự phát triển nền Đông y và Hội Đông y Việt Nam.
 
Muốn vậy, đồng chí đề nghị ngành y tế phối hợp, củng cố khoa y học cổ truyền trong các bệnh viện đa khoa Thành phố, bệnh viện đa khoa tuyến huyện; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, kết hợp giữa y học cổ truyền với y học hiện đại. Cùng với đó, tiến hành nghiên cứu những bài thuốc hay, sưu tầm, kế thừa có chọn lọc về lý luận và kinh nghiệm lâm sàng của các lương y có trình độ và uy tín ở địa phương, các phương pháp chữa bệnh có hiệu quả cao của các nhà thuốc gia truyền trên địa bàn để tập hợp, biên tập thành sách, từ đó quảng bá, phổ biến rộng rãi về Đông y trong nhân dân.

Nguyễn Văn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t