Chú trọng quản lý để lễ hội diễn ra an toàn (13:52 17/03/2018)


HNP - Với số lượng lễ hội hàng năm diễn ra rất lớn, công tác quản lý và tổ chức luôn được thành phố Hà Nội chú trọng quan tâm chỉ đạo, đảm bảo lễ hội diễn ra tiết kiệm và an toàn, đáp ứng nhu cầu văn hóa tín ngưỡng của nhân dân.

Khai hội chùa Hương năm 2018


Theo thống kê sơ bộ, Hà Nội hiện có 1.026 lễ hội với nhiều quy mô lớn nhỏ khác nhau, diễn ra tập trung vào mùa Xuân như: Hội Gò Đống Đa, Hội Gióng, Hội đền Cổ Loa, Hội đền Hai Bà Trưng, Hội Chùa Hương, Hội chùa Thầy, hội chùa Tây Phương, hội đền Và... Các lễ hội diễn ra vui tươi, lành mạnh, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, trò chơi, trò diễn giàu tính nghệ thuật, đậm chất dân gian được quan tâm đưa vào lễ hội như: hát quan họ, hát chèo, đấu vật, đánh đu, thổi cơm thi, múa sư tử, kéo co... Việc tổ chức lễ hội hàng năm tại các địa phương đã được chỉ đạo kết hợp với việc tổ chức đón nhận các danh hiệu làng văn hoá, danh hiệu làng nghề, Bằng di tích lịch sử văn hoá... làm phong phú hoạt động của lễ hội, góp phần tạo dựng môi trường văn hoá lành mạnh, động viên, khuyến khích nhân dân giữ gìn, phát huy tốt các giá trị danh hiệu văn hoá, danh hiệu làng nghề truyền thống, các giá trị di sản văn hoá được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND Thành phố công nhận xếp hạng, góp phần tích cực vào việc nâng cao mức hưởng thụ đời sống văn hoá tinh thần trong cộng đồng dân cư. Từ đó, đã tạo ra những hiệu ứng tích cực trong đoàn kết cộng đồng, phong trào thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, bài trừ mê tín, dị đoan, hủ tục lạc hậu, giữ gìn những nét đẹp truyền thống của dân tộc.

Ở các địa phương, Huyện ủy, HĐND, UBND các quận, huyện, thị xã cũng đều quan tâm chỉ đạo việc tổ chức lễ hội trên địa bàn, hàng năm có văn bản hướng dẫn thực hiện theo chỉ đạo của UBND Thành phố, hướng dẫn của Sở Văn hóa và Thể thao. Ban tổ chức các lễ hội được thành lập gồm: Lãnh đạo UBND xã, phường, thị trấn làm Trưởng ban, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành đoàn thể, đại diện cấp uỷ, chính quyền thôn, người trụ trì nơi thờ tự có lễ hội là thành viên. Đối với các lễ hội có quy mô lớn, tổ chức dài ngày Sở Văn hóa và Thể thao hướng dẫn các địa phương thành lập Ban chỉ dạo cấp quận, huyện, thị xã chỉ đạo trực tiếp việc tổ chức lễ hội và cử cán bộ chuyên môn tham gia.

Cùng với việc chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức lễ hội, UBND Thành phố chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Thanh tra Bộ, Cục Văn hoá cơ sở kiểm tra công tác bảo vệ di tích và tổ chức quản lý lễ hội tại các di tích danh lam thắng cảnh lớn, qua đó chấn chỉnh kịp thời các thiếu sót, tồn tại để các địa phương khắc phục, đồng thời cũng kiến nghị với các cấp có thẩm quyền chỉ đạo khắc phục.

Bên cạnh đó, để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội năm 2017, thành phố Hà Nội đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn. Đoàn kiểm tra đã thực hiện kiểm tra tại một số lễ hội lớn trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã đồng thời có công văn nhắc nhở, hướng dẫn các địa phương thực hiện việc kiểm tra, giám sát công tác tổ chức và quản lý lễ hội.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Tô Văn Động cho biết: đối với một số lễ hội lớn, thành phố rất chú trọng chỉ đạo về công tác quản lý, tránh những hiện tượng gây bức xúc trong nhân dân khi diễn ra lễ hội. Chẳng hạn đối với lễ hội chùa Hương, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp cùng các ban ngành có liên quan tiến hành kiểm tra thường xuyên, đột xuất, thông qua đó khắc phục những tồn tại, yếu kém, những hoạt động làm ảnh hưởng tới lễ hội như: chèo kéo, bắt chẹt khách, bày bán hàng quán gây phản cảm, mất an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Phối hợp cùng BTC lễ hội tuyên truyền và kiên quyết xử lý nghiêm các hộ, cá nhân làm dịch vụ đổi tiền lẻ, tổ chức ký cam kết không tái phạm. Kiểm tra, yêu cầu các chủ nhà hàng kinh doanh ăn uống không treo thực phẩm tươi sống ra ngoài, không kinh doanh động vật cấm. Tất cả các thức ăn tươi sống được đưa vào tủ kính bảo ôn dán kín, không gây mất mỹ quan, phản cảm và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra cũng chỉ ra các thiếu sót trong công tác quản lý lễ hội và đề xuất nhiều biện pháp khắc phúc để lễ hội Chùa Hương diễn ra đảm bảo trang nghiêm, an toàn và có ý nghĩa. Hoặc tại Lễ hội Đền Sóc năm 2017 để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và an toàn cho nhân dân về tham dự lễ hội, ngay trước khi lễ hội diễn ra, Sở Văn hóa và Thể thao đã làm việc với UBND huyện Sóc Sơn, Ban quản lý Di tích Đền Sóc và các đơn vị liên quan về công tác chuẩn bị cho lễ hội; Kế hoạch quản lý và tổ chức lễ hội Đen Sóc nhằm đảm bảo việc lễ hội được diễn ra an toàn, vui tươi, lành mạnh…

Mới đây, Thường trực HĐND TP Hà Nội đã tổ chức phiên giải trình về nội dung quản lý, tổ chức lễ hội, điều này cho thấy thành phố rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo để đưa công tác quản lý lễ hội đi vào nề nếp hơn.


Thanh Tình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t