Tháo gỡ bất cập cho nông nghiệp công nghệ cao (12:38 14/12/2017)


HNP - Với quyết tâm phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, Hà Nội đã xác định mô hình nông nghiệp công nghệ cao là đòn bẩy, góp phần nâng cao giá trị gia tăng. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách khuyến khích vẫn còn những hạn chế, cần phải có giải pháp đồng bộ thúc đẩy ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.

Mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở huyện Đan Phượng khẳng định ưu thế vượt trội


Hiệu quả rõ rệt

Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp của Hà Nội, trong đó, có nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từng bước tạo dựng thương hiệu trên thị trường được chú trọng đầu tư phát triển và đã có hiệu quả nhất định. Thực tế ở các lĩnh vực chăn nuôi bò sữa, bò thịt, sản xuất rau, hoa, cây ăn quả, thâm canh thủy sản đã xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả như: Việc nhập 200 lợn ông bà, hỗ trợ thay thế mới lợn đực giống cho các cơ sở sản xuất tinh theo đơn đặt hàng; tổ chức lai tạo bò BBB (Bỉ) do Công ty cổ phần Giống gia súc Hà Nội thực hiện, tạo ra 7.860 con bê lai; hỗ trợ cải tạo chất lượng con giống cho cơ sở trên địa bàn các huyện Ba Vì, Thanh Oai, Chương Mỹ, Gia Lâm, Phú Xuyên, Mê Linh… đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng vật nuôi.

Trên lĩnh vực trồng trọt, nhiều chương trình, đề án như sản xuất lúa hàng hóa, phát triển cây ăn quả, rau, hoa, chè đem lại hiệu quả thiết thực. Đề án hợp tác “bốn nhà” (nhà khoa học, quản lý, doanh nghiệp và nông dân) phát triển cây ăn quả là một ví dụ. Bằng cơ chế, chính sách hỗ trợ, đã có hơn 10.960 cán bộ, nông dân ở 31 HTX thuộc 14 quận, huyện được tập huấn kỹ thuật trồng trọt; 1.292ha cây ăn quả giá trị kinh tế cao như bưởi, cam, nhãn, chuối… được trồng mới, thâm canh, chăm sóc và ghép cải tạo…, ước giá trị hàng hóa đạt 1.156 tỷ đồng. Không những vậy, còn có sự tham gia tích cực của hàng chục doanh nghiệp từ cung ứng giống, vật tư, phân bón đến thu mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm…

Ngoài cơ chế, chính sách thành phố hỗ trợ, một số huyện chủ động phối với doanh nghiệp triển khai ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Đơn cử như huyện Ba Vì đã phối hợp với Công ty GOC sản xuất dưa chuột xuất khẩu sang Nhật Bản, phối hợp với Công ty Giống cây trồng trung ương, Công ty cổ phần Giống gia súc Hà Nội, Công ty Sữa quốc tế IDP, Công ty Hà Anh… hỗ trợ nông dân vốn sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm đầu ra. Công ty cổ phần Tiên Viên ở xã Đại Yên (Chương Mỹ) đầu tư chăn nuôi gà theo chuỗi giá trị nông nghiệp sạch. Trên địa bàn xã Vân Phúc (Phúc Thọ) một hộ gia đình đầu tư trồng rau sạch trong nhà màng, nhà lưới. Với đặc thù vùng chiêm trũng, huyện Phú Xuyên đã mạnh dạn hỗ trợ ứng dụng cơ giới hóa vào nông nghiệp. Nhờ vậy, Phú Xuyên luôn duy trì diện tích lúa sản xuất hàng hóa chất lượng cao trên 5.200ha…

Phải tạo ra bước đột phá

Lợi thế của Hà Nội khá nhiều, tuy nhiên, để nhân rộng những mô hình hiệu quả kinh tế cao, nông nghiệp Hà Nội cần vượt qua nhiều điểm yếu. Hầu hết các ứng dụng kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, chủ yếu là mô hình khuyến nông, chưa hình thành khu sản xuất nông nghiệp công nghiệp cao. Trên cơ sở quy hoạch, UBND thành phố đã phê duyệt mô hình ứng dụng công nghệ cao, chấp thuận chủ trương đầu tư một số khu, dự án nông nghiệp công nghệ cao như: Khu Công nghệ cao Mê Linh 81,3ha, Khu Công nghệ cao Đông Anh 96,6ha, Khu Nông nghiệp công nghệ cao Yên Nghĩa. Song do nhiều nguyên nhân nên chưa triển khai hoặc phát huy kém hiệu quả… Thực tiễn cho thấy, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không thể thiếu “bàn tay” của doanh nghiệp. Hiện tại, trên địa bàn thành phố số doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao ít. Việc thu thu hút, đào tạo nhân lực phát triển ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp cũng gặp không ít khó khăn.

Vấn đề đặt ra, Hà Nội cần có cơ chế, chính sách mạnh hơn nữa hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chính sách phải mang tính đặc thù riêng của Thủ đô và phải bảo đảm tính bền vững. Muốn có sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao phải tập trung đầu tư ngay từ đầu vào như giống cây trồng vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, phân bón, hệ thống chẩn đoán, kiểm định dịch bệnh, công nghệ thu hoạch, chế biến, bảo quản… nhưng quan trọng nhất vẫn là hạ tầng kỹ thuật sản xuất... Đặc biệt, quan tâm đến việc nhân rộng mô hình, chuyển giao công nghệ cho nông dân. Ngoài ra, cần phải giải được bài toán liên kết, hợp tác trong nông dân và giữa nông dân với doanh nghiệp...

Ngoài ra, cần có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ với mức cao cho công tác nghiên cứu khoa học, khuyến kích doanh nghiệp đầu tư phát triển việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Đi đôi với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động gia đình thực hiện ứng dụng công nghệ cao, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các địa phương tập trung huy động nguồn lực tham gia thực hiện dự án, đề án phát triển nông nghiệp. Cân đối, bố trí ngân sách địa phương đầu tư dự án trọng điểm theo thứ tự ưu tiên, không dàn trải. Quan tâm hơn đến củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động các hợp tác xã nông nghiệp… Có như vậy, mới tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp bền vững và nâng cao giá trị gia tăng.


Minh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t